Xót xa mùa ươi chín
(Cadn.com.vn) - Cây ươi nằm trong danh mục các loại cây quý hiếm có trong Sách đỏ Việt
Ươi chín, rừng cây đổ
Vừa đặt chân đến đầu thôn Tống Cói, xã Ba, H. Đông Giang, chúng tôi đã thấy những điểm thu mua ươi hối hả, tấp nập người ra kẻ vào. Không còn cảnh chỉ mua mỗi ươi bay (ươi già tự rụng), những điểm thu mua này thu gom tất cả từ non đến già. Trong vai người đi buôn, chúng tôi vào điểm thu mua ươi của anh T. (thôn Tống Cói, xã Ba), thì được một thanh niên đang vác những bao ươi đầy ra phơi, hỏi: “Đi mua ươi hả mấy anh? Mấy anh cứ coi đi, ươi bên này giá 30, ươi kia giá 80, còn lại ươi bay giá 150 nghìn đồng/kg”. Vốc một nắm ươi còn xanh mơn mởn, tôi chê non thì anh T. nói ngay: “Các anh nói vậy cũng bảo là dân buôn ươi à? Nếu là dân ươi thì họ không phân biệt ươi non hay già, chỉ có điều khác giá thôi. Ươi non mua về phơi khô sẽ thành ươi già”.
Lúc này, thanh niên tên H. đang ngồi phân loại ươi, hỏi: “Mấy anh là nhà báo à? Nếu muốn thực tế viết bài thì trả tiền công cho tôi, tôi dẫn đường lên coi dân chặt phá ươi đến mức nào”. Rồi H. đưa tay chỉ về cánh rừng phía trước: “Mới hôm qua trên rừng đó vẫn còn thấy hàng loạt những cây ươi đỏ chót, thế mà giờ chẳng còn cây nào, chúng đốn nhanh thật”.
Sau khi đã “dúi” vào tay H. 200 ngàn đồng, chúng tôi được anh dẫn đi qua 4 ngọn đồi, qua 3 con suối mới đến những cánh rừng tự nhiên. Trước mắt chúng tôi là một khoảng rừng rạp những cây ươi bị đốn hạ nằm la liệt. Có những cây ươi to đến 2 người ôm vẫn còn đang rỉ mủ. Bên cạnh những cây ươi bị đốn hạ, những cây rừng khác cũng bị “vạ” ngã theo do cây ươi ngã đè hoặc người dân đốn phá để thuận tiện trong việc hái ươi. H. nói, đây chỉ là một điểm nhỏ thôi, mỗi ngày từ đây lên đến huyện có hàng trăm cây bị đốn hạ. Càng vào sâu trong rừng càng có nhiều gốc ươi bị cưa ngang, thân cây nằm la liệt. Một cây ươi như thế ngã xuống là bao nhiêu cây khác gãy rạp theo, cả một khoảng rừng bị phạt phẳng. Nhìn một cây rất to vừa đổ gục, nhựa tứa ra đỏ quạch, anh H. tiếc nuối: “Cây đó cũng phải 70-80 tuổi là ít. Dân mình cứ khai thác kiểu này thì đời sau con cháu chẳng biết quả ươi là gì”.
Những cây ươi bị đốn hạ không thương tiếc.
Rời những cánh rừng ươi đang “rỉ máu”, chúng tôi về lại xã Ba, theo tỉnh lộ ĐT604 hướng lên TT Prao (Đông Giang). Trên đường đi, chỉ tính riêng địa phận xã Ba đã có 6 điểm thu mua quả ươi với những đống ươi còn xanh mơn mởn. Cây ươi là loại cây rừng mọc tự nhiên, có thân trơn, từ trước đến nay được người dân bản địa coi giữ rất kỹ. Ươi khi chín, quả rơi xuống trong chu vi chừng 100m. Trước đây người dân chỉ việc tìm cây ươi đã rụng quả nhặt về bán cho người dưới xuôi. “Bữa ni làm gì thấy ươi bay nữa. Trái chưa kịp chín thì cây đã bị hạ ngang xương, non già gì đều hái tất” - ông Alăng Thái Sơn, một người dân chuyên đi rừng tại TT Prao bức xúc. Theo ông Sơn thì từ trước đến nay mỗi mùa ươi bay đem lại thu nhập đáng kể cho người dân, chính vì vậy mà họ canh giữ và rất coi trọng cây ươi, không đốn hạ dù chỉ một cành. Cây ươi 3 năm ra trái một lần, trái ươi ngâm nước có pha ít đường dùng để giải khát. Còn trong y học, ươi có tác dụng chính là thanh nhiệt, dùng chữa trị đau và khô cổ họng, khàn tiếng, tắt tiếng, da khô do nóng nhiệt, chữa ho... Cứ tới mùa ươi bay, các lái buôn ở dưới xuôi lại lên thu mua hạt ươi bay từ người dân. Nhưng đó chỉ là chuyện của ngày trước, giờ thì lái buôn không chừa bất cứ loại ươi gì.
Cả làng “đi ươi”
Theo nhiều người dân cho biết, năm nay ươi được mùa, giá lại cao, thế nên hằng ngày, hàng nghìn thanh thiếu niên đua nhau mang cưa máy vào rừng đốn cây nhặt hạt. Rời Đông Giang, theo đường Hồ Chí Minh, chúng tôi đến thôn Dung (TT Thạnh Mỹ, Nam Giang). Tại đây không gian trở nên vắng vẻ, nhiều nhà đóng cửa im ỉm suốt ngày. Hỏi mấy đứa trẻ, chúng chỉ tay vào rừng: “Đi ươi hết rồi!”.
Ông Ahó Bươi - Trưởng thôn Dung, cho biết: “Mùa ươi thường bắt đầu từ giữa tháng 6 kéo sang đầu tháng 8. Đó là thời gian dân trong thôn kéo nhau vào rừng tìm ươi. Trước kia người dân ở đây chỉ đi nhặt trái ươi đã chín rụng xuống, còn bây giờ cứ cưa ngang cây xuống mà hái. Năm nay ươi nhiều trái lắm, lại được giá nên cây ươi càng bị triệt hạ nhiều hơn. Ở thôn Dung hầu như nhà nào cũng đi ươi. Nhiều nhà cả cha mẹ, con cái đều vào rừng, đi bao giờ ươi đầy gùi mới về”.
Ươi non xanh mơn mởn cũng bị thu mua dẫn đến cây ươi bị tận diệt.
Từ trong rừng đi ra, mồ hôi ròng ròng khiến chiếc áo ướt đẫm, nhưng anh Jơ Râm Chiến (trú thôn Dung) rất vui mừng: “Hai cha con vào rừng gần 2 ngày nay, hạ được 3 cây ươi, thu được gần 50kg, giá mấy hôm nay xuống chỉ còn 130 ngàn đồng/kg nhưng cũng kiếm được hơn 6 triệu đồng rồi. Theo sau anh Chiến là anh A Lăng Sơn, một người vừa bán ươi được 8 triệu đồng cũng cho biết: Khi vào rừng mình thấy dân làng đi đông lắm, cả trăm người, họ đua nhau chặt tất cả những cây ươi đang có trái. Hai vợ chồng mình cùng thằng con cũng tranh thủ chặt 4 cây, nhặt hết hạt gùi ra bán được 8 triệu đồng. Đó là chỉ 2 ngày thôi, hôm sau mình lại tiếp tục đi ươi”.
Rõ ràng, giá ươi năm nay rất cao, chỉ cần hạ một cây sai quả, thu chừng vài chục ki-lô-gam là người dân đã có tiền triệu nên họ cứ thế đua nhau vào rừng hạ cây lấy quả. Vậy nên, hai bên đường tại trung tâm TT Thạnh Mỹ, những điểm thu mua ươi hối hả kẻ đổ vào bao, người đổ ra phân loại, đem phơi, kẻ chở đi tiêu thụ...
Thấy cảnh “sầm uất” khi ươi đang vào mùa tại Thạnh Mỹ, chúng tôi vào Hạt Kiểm lâm Nam Giang tìm hiểu xem cơ quan chức năng nơi này có những biện pháp gì để bảo vệ cây ươi khỏi nguy cơ xóa sổ. Thế nhưng, vừa đến cổng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cảnh tượng đập vào mắt là cả khoảng sân phía trước của Hạt Kiểm lâm lại được dùng để… phơi ươi. Chỉ chừng đó thôi cũng đã có thể trả lời cho câu hỏi vì sao người dân ngang nhiên triệt hạ cây ươi đến vậy. Thật là xót xa mùa ươi chín...
Bão Bình