Báo Công An Đà Nẵng

Năm văn hóa, văn minh đô thị:

Xử lý dứt điểm hành vi làm mất văn minh đô thị

Thứ ba, 03/02/2015 11:23

(Cadn.com.vn) - Để tăng cường các biện pháp lập lại trật tự, xử lý dứt điểm các hành vi quảng cáo, rao vặt trái phép; bu bám, chèo kéo khách; lang thang xin ăn, xin ăn trá hình... trên địa bàn, ngày 30-1, Quận ủy, UBND Q. Hải Châu (Đà Nẵng) đã có buổi làm việc với các phường và các ngành chức năng. Qua đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra và áp dụng ngay trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 này.

Quận ủy, UBND Q. Hải Châu gặp mặt Bí thư Chi bộ khu dân cư toàn quận để tuyên truyền về "Năm văn hóa, văn minh đô thị".

Dựa vào dân

Xóa rồi lại dán, đó là điệp khúc mà các ngành chức năng đang gặp phải trong việc xóa tờ rơi quảng cáo dán không đúng nơi quy định. Anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Quận đoàn Hải Châu - cho biết, ngay sau khi Q. Hải Châu phát động thực hiện "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015", Quận đoàn đã chỉ đạo ĐVNT các đơn vị trực thuộc ra quân xóa quảng cáo, rao vặt dán trái phép trên cột điện, bờ tường, nhà dân... tại 6 tuyến đường trọng điểm gồm: Hải Phòng, Ông Ích Khiêm, Lý Tự Trọng, Trưng Nữ Vương, Hoàng Diệu, Nguyễn Hữu Thọ. Để tạo điều kiện cho người có nhu cầu quảng cáo, Quận đoàn cũng đã phối hợp với 4 địa phương thành lập 4 góc quảng cáo, rao vặt tại UBND các P. Hòa Cường Bắc, Bình Thuận, Hải Châu 2, Thạch Thang tuy nhiên không có người đến dán.

Trong khi đó, tại các tuyến đường chính thì xóa xong chỉ vài giờ sau quay lại đã thấy có hiện tượng dán lại... mà lực lượng ĐVTN thì cũng chỉ làm vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ chứ không thể túc trực xóa được nên cần phải có biện pháp dài hơi. Tương tự, ông Huỳnh Văn Rân - Đội trưởng Đội quy tắc quận - cũng lắc đầu "lực lượng chức năng cứ ra quân xóa được vài giờ là lại có các đối tượng dán lại, nếu không có giải pháp căn cơ thì rất khó để trừ tận gốc các đối tượng này".

Theo ý kiến của các đại diện này, vấn đề chính là phải xử lý tận gốc người thuê dán quảng cáo, thuê rao vặt, phát tờ rơi không đúng nơi quy định vì những người đi dán chủ yếu là sinh viên, học sinh, người nghèo... đi làm thuê nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Về giải pháp lâu dài, cần phải xử lý nghiêm các đối tượng này, gửi văn bản về nhà trường, địa phương nơi SV, người vi phạm học tập, sinh sống để răn đe. Lập danh sách số điện thoại trên các tờ rao vặt, quảng cáo không đúng nơi quy định gởi về Sở Thông tin truyền thông để cắt vĩnh viễn... và đặc biệt là vận động người dân cùng vào cuộc xóa quảng cáo, rao vặt.

Đại diện Phòng kinh tế quận dẫn chứng cách làm của một số tổ dân phố (TDP) ở P. Hòa Thuận Tây là vận động người dân tự giác xóa quảng cáo rao vặt, dán tờ rơi ngay trước khu vực mặt tiền, quanh nhà mình. Nhờ làm tốt việc vận động này nên nhiều tổ ở Hòa Thuận Tây cũng khiến các đối tượng chuyên dán tờ rơi, rao vặt "ngán ngẫm" mà bỏ đi nơi khác. "Làm sao vận động cho được mỗi người dân đều vào cuộc xóa quảng cáo, rao vặt, để cứ thấy quảng cáo dán là xóa, xé thì ngay cả đối tượng cũng "ngán" mà không dán nữa" - ông Lê Anh, Chủ tịch UBND Q. Hải Châu nhấn mạnh.

Ông Đặng Việt Dũng - Bí thư Quận ủy Hải Châu - chỉ đạo, trước mắt sẽ vận động người dân tại 4 phường Thạch Thang, Hải Châu 1, Hải Châu 2, Phước Ninh làm điểm xóa quảng cáo. Giao nhiệm vụ cho các hộ dân giữ gìn vệ sinh trước cửa nhà mình mà ở đây là gỡ quảng cáo, cứ thấy dán là gỡ chứ không phải chờ đến kiểm tra, nhắc nhở và sau này xem đây là một tiêu chí để đánh giá TDP không rác. Tổ trưởng TDP phải quản lý khối phố của mình và định kỳ có kiểm tra, chỉ ra những điểm nói rồi mà vẫn cứ dán thì xử lý trách nhiệm tổ trưởng TDP.

 Quận Hải Châu ra quân hưởng ứng Năm văn hóa, văn minh đô thị.

Lấy xích lô, xe thồ làm cộng tác viên

Đối với vấn đề lang thang xin ăn, bán hàng rong ăn xin trá hình tại các cơ sở thờ tự, chùa chiền vẫn đang diễn ra (ở một số chùa, các đối tượng xấu lợi dụng trà trộn để bán 3 cây hương với giá 10.000 đồng, trong khi đó giá của một bó hương cũng chỉ khoảng chừng ấy, để xử lý tận gốc các đối tượng này, ông Lương Vĩnh Thái - Phó Phòng LĐ-TB&XH - cho rằng, ngoài việc áp dụng các quy trình xử lý hiện hành, cần rà soát lại các khu nhà trọ, qua đó xem xét, phân loại các đối tượng mua bán để xử lý, người địa phương thì tìm giải pháp chuyển đổi ngành nghề, người lười lao động thì có hình thức xử lý. Ngoài ra cần vận động chủ các cơ sở lưu trú, quán ăn... cấm các đối tượng bán hàng rong, xin ăn trá hình vào cơ sở của mình. Vận động các nhà chùa khuyến khích người dân hạn chế thắp hương hoặc phát hương miễn phí khi đến thắp hương, cầu nguyện tại chùa để tránh việc bán hương trá hình, "chặt chém" người dân.

Một trong những cách làm mới trong công tác quản lý đó chính là nhờ đến những người chạy xích lô, xe thồ làm "cộng tác viên" để xử lý các hành vi làm mất văn hóa, văn minh đô thị. Đối với vấn đề chèo kéo khách du lịch, thời gian qua CAQ đã chỉ đạo Tổ CSCĐ, CA các phường ra quân, phát hiện là xử lý nên tình hình đã ổn định. Tuy nhiên, khi khách đi ra khỏi khu vực quản lý, vào các đường nhánh thì vẫn xảy ra tình trạng đeo bám, chèo kéo gây ảnh hưởng đến tình hình chung.

"Bấy lâu nay chúng ta đã làm tương đối tốt rồi, nhưng lâu lâu việc chèo kéo, bu bám khách du lịch, lang thang xin ăn lại tái phát. Nguyên nhân cũng xuất phát từ chỗ công ăn việc làm. Hiện trên địa bàn quận có khoảng 2.000 người hành nghề xích lô, xe thồ nên phải quản lý chặt và chúng ta phải để họ tự quản lý lẫn nhau, phải có người làm trọng tài... còn khi họ vi phạm là cho nghỉ việc", ông Đặng Việt Dũng - Bí thư Quận ủy Hải Châu - chỉ đạo.

Theo ông Dũng, để làm tốt công tác quản lý những người hành nghề xe thồ, xích lô trên địa bàn thời gian tới quận cần phải có cuộc tổng rà soát lại và đề xuất giải pháp quản lý, tập huấn về kinh doanh để họ nâng cao kỹ năng, văn hóa khi đón trả khách. Xây dựng giải pháp để tuyên truyền cho họ biết cần phải làm gì, chế tài xử phạt ra sao và vận động họ làm cộng tác viên "văn hóa, văn minh đô thị", vận động người dân không lang thang ăn xin... Xử lý nghiêm minh các điểm chèo kéo khách, tiến hành ký cam kết với Sở VH-TT&DL về giải quyết chống đối tượng chèo kéo khách, chăn dắt người lang thang xin ăn, bán sách báo dạo, bán hàng rong.

Đối với số người bán hàng lưu niệm lưu động từ các địa phương khác tới, cần phải phân loại để báo cáo quận làm việc với các địa phương, nếu phát hiện... và phải thực hiện ngay trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 này. Ngoài ra ông Dũng cũng chỉ đạo một loạt công việc như: xếp lịch gặp gỡ những người xe thồ, xích lô, các chủ cơ sở kinh doanh, tiểu thương trong các chợ, tổ dân phố... để vận động cùng chung tay thực hiện và có quy chế khen thưởng những người cung cấp thông tin, bắt đối tượng vi phạm. "Nếu để xảy ra việc chèo kéo, bu bám khách du lịch, lang thang xin ăn ở phường nào thì người đứng đầu phường đó phải chịu trách nhiệm" - ông Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Tuấn