Báo Công An Đà Nẵng

Xử lý rốt ráo hành vi lang thang và xin ăn biến tướng

Thứ sáu, 27/03/2015 12:28

(Cadn.com.vn) - Lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng là một trong những hành vi gây mất "văn hóa, văn minh đô thị", làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch nói chung. TP Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn các hoạt động này. Trên địa bàn Q. Hải Châu, việc làm này cũng được lãnh đạo quận đặc biệt quan tâm, nhất là từ khi triển khai Chỉ thị 43 của Thành ủy về thực hiện "Năm Văn hóa, văn minh đô thị" và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để có chế tài cụ thể xử lý các hành vi nói trên, UBND Q. Hải Châu có Kế hoạch số 18 ngày 5-2, về việc triển khai xử lý tình trạng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng trên địa bàn quận. Tiếp đó, Phòng LĐ-TB-XH tham mưu UBND Q. Hải Châu ban hành Quyết định 102 thành lập Tổ phối hợp xử lý tình trạng ăn xin, xin ăn biến tướng trên địa bàn đồng thời tham mưu UBND quận chỉ đạo 13 phường duy trì các buổi phát thanh tuyên truyền qua hệ thống đài FM của phường; tuyên truyền xen kẽ, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt Tổ dân phố và loa truyền thanh ở các chợ với nội dung: "không cho quà, tiền đối với những người xin ăn; không mua hàng, quà của người bán hàng rong xin ăn biến tướng".

Bên cạnh đó, Q. Hải Châu tổ chức phân phát và treo 450 bảng cấm, đĩa phát thanh tuyên truyền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ về ngăn chặn, xử lý người bán hàng rong xin ăn biến tướng cho các cơ sở kinh doanh. Qua kiểm tra, từ ngày 27-2 đến 6-3 đã có 244/329 cơ sở kinh doanh thực hiện dán bảng cấm.

Phòng LĐ-TB-XH Q. Hải Châu phối hợp với CAP Hòa Cường Nam đưa đối tượng xin ăn trá hình lên Trung tâm BTXH TP Đà Nẵng.

Ông Lương Vĩnh Thái- Phó Phòng LĐ-TB-XH, phụ trách đường dây nóng xử lý lang thang xin ăn biến tướng Q. Hải Châu cho biết, để kịp thời xử lý các trường hợp phát sinh, hằng ngày, Tổ phối hợp xử lý liên ngành quận phân công cán bộ chuyên trách tuần tra trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận để xử lý đối tượng lang xin ăn và xin ăn biến tướng. Tính đến hết ngày 23-3, Tổ công tác của TP, quận và phường phối hợp thu gom đưa lên Trung tâm bảo trợ xã hội thành phố 13 người xin ăn, trong đó có 2 người cư trú trên địa bàn quận.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là tình hình lang thang xin ăn và xin ăn biến tướng trên địa bàn Q. Hải Châu diễn biến khá phức tạp, không những ở các chợ, khu vực đông người mà các đối tượng này còn trà trộn vào các chùa, cơ sở tôn giáo... để xin ăn. Trong đó còn xuất hiện cả những đối tượng chỉ đạo hoặc chăn dắt đối tượng xin ăn.

Cụ thể như, vào sáng 11-3, Tổ phối hợp liên ngành Q. Hải Châu phát hiện một đối tượng nam thanh niên đang bán hàng rong kiêm xin ăn trong khuôn viên chợ nên tạm giữ để làm rõ sự việc. Bước đầu, nam thanh niên này thừa nhận hành vi ăn xin trá hình của mình và khai nhận tên là Phạm Đức Nghĩa (1994, quê Quảng Trạch, Quảng Bình). Theo khai nhận của Nghĩa, vài ngày trước cậu ta từ Quảng Bình vào Đà Nẵng hành nghề bán hàng rong, khi đến khu vực chợ đầu mối thì gặp một người đàn ông không rõ tên tuổi.

Sau đó, người này nói sẽ cho Nghĩa chỗ ở và trả lương hàng tháng, đồng thời buộc Nghĩa giả vờ bán hàng rong để vào chợ xin tiền của các tiểu thương. Sau khi xin được tiền cuối ngày người đàn ông này sẽ đón Nghĩa về nơi ở và Nghĩa phải nộp lại toàn bộ số tiền xin được trong ngày. Qua kiểm tra túi xách Nghĩa mang theo bên mình, tổ công tác phát hiện rất nhiều tờ tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng... Hiện CAP Hòa Cường Nam cũng đang điều tra, làm rõ đối tượng chăn dắt này.    

Tiếp đó, đến trưa ngày 20-3, Tổ phối hợp liên ngành Q. Hải Châu trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại khu vực chợ Cồn phát hiện 2 người đàn ông đi trên xe máy BKS 75L1-7054 đi bán hàng rong trước khuôn viên chợ này có nhiều biểu hiện xin ăn nên tiến hành theo dõi. Tuy nhiên, khi phát hiện sự việc, hai người này đã nhanh chóng chạy xe về hướng đường Phan Châu Trinh rồi đi về hướng đường Nguyễn Văn Linh để tiếp tục thực hiện hành vi nhưng khi đang xin tiền của một số người đi đường thì bị tổ công tác phát hiện, tạm giữ.

Qua làm việc, hai người này khai nhận tên là Trần Văn Thanh (56 tuổi) và Trần Thanh Hùng (45 tuổi) cùng quê Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa.  Ông Thanh khai nhận, do không có công ăn việc làm nên dẫn ông Hùng vào Đà Nẵng đi bán hàng rong và xin tiền của người dân đã được một thời gian. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, đến chiều cùng ngày, Phòng LĐ-TB-XH Q. Hải Châu đã phối hợp với cơ quan chức năng đưa hai người này lên Trung tâm bảo trợ xã hội TP để làm thủ tục trả về địa phương.

Không chỉ dừng lại ở việc lang thang ăn xin, hoặc núp bóng bán hàng rong, quà lưu niệm... để ăn xin, có đối tượng còn ngang nhiên "xin đểu" tiền của người dân khi đến vui chơi trên địa bàn Q. Hải Châu. Và mới đây nhất, CAQ Hải Châu đã ra quyết định xử lý hành chính đối với Võ Duy Thái (1978, trú P. Hòa Cường Nam, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) và Phạm Hà (1980, trú cùng phường) về hành vi không đăng ký giữ xe nhưng vẫn yêu cầu du khách trả tiền để ô-tô khi đến vui chơi tại khu phức hợp Helio và Sunwheel (P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu).

Theo ông Lương Vĩnh Thái, hiện tượng xin ăn xảy ra trên địa bàn Q. Hải Châu thời gian qua không nhiều nhưng các biến thái của xin ăn thì khá phổ biến, tiềm ẩn làm mất "văn hóa, văn minh đô thị". Để xử lý tình trạng này, thời gian tới quận tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh, triển khai khảo sát đối tượng bán hàng rong, lang thang đánh giày, bán vé số dạo, kẹo cao su... là những người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em con hộ nghèo để có chính sách giúp đỡ, tạo công ăn việc làm khác; gặp mặt, vận động các cơ sở tôn giáo tuyên truyền cho các tín đồ, đạo hữu không cho quà, tiền đối với những người xin ăn hoặc bán hàng rong biến tướng; động viên các cơ sở tôn giáo treo biển cấm bán hàng rong và không để diễn ra tình trạng xin ăn, bán hàng rong trước và trong nơi thờ tự; thưởng nóng từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho người dân cung cấp các thông tin về lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, chặt chém, chèo kéo khách du lịch... nếu sau khi xác minh nguồn tin đó là đúng sự thật.

Nguyễn Tuấn