Báo Công An Đà Nẵng

Xử lý sai phạm tại Nhà máy xơ sợi Đình Vũ: Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an vào cuộc

Thứ sáu, 25/11/2016 07:58

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-11, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ (Khu công nghiệp Đình Vũ, TP Hải Phòng).

Theo kết luận thanh tra, dự án Nhà máy xơ sợi Polyeste Đình Vũ (PVTex) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may (Vinatex) hợp tác đầu tư với quy mô lớn, giá trị nghiệm thu tại thời điểm thanh tra lên tới 363.528.263,03 USD. Sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất kinh doanh, dự án đã để thua lỗ hơn 1.400 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là do PVTex, PVN, Vinatex, các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan đã để xảy ra nhiều khuyết điểm,  vi phạm trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng dự án.

Vinatex là tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may, đã thiếu trách  nhiệm trong việc góp vốn điều lệ; không thực hiện trách nhiệm của cổ đông mà ủy quyền cho PVN làm chủ đầu tư dự án. PVN là tập đoàn có vốn chi phối tại PVTex, nhưng trong quá trình điều hành, giám sát còn nhiều vi phạm, thiếu sót, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTex để đảm bảo việc thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Việc nhận chuyển nhượng vốn từ Vinatex và Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú không đúng quy định, dẫn đến phải chịu toàn bộ lỗ của dự án là 1.472.802 triệu đồng.

Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ có diện tích 15ha nằm tại Khu Công nghiệp Đình Vũ.

Bộ Công Thương với chức năng quản lý Nhà nước, trách nhiệm của chủ sở hữu vốn Nhà nước tại PVN, Vinatex đã thiếu thường xuyên kiểm tra giám sát trong việc thực hiện những mục tiêu chiến lược ngành dầu khí; trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch và chuyển nhượng vốn của Vinatex và Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú cho PVN. Những thiếu sót, vi phạm trên trách nhiệm thuộc Bộ Công Thương, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc của PVN, Vinatex thời kỳ từ năm 2007 đến nay.

Về việc thực hiện đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, kết luận thanh tra nêu rõ: Sai phạm của chủ đầu tư PVTex trong quá trình quyết định dự án đầu tư, phê duyệt tổng mức đầu tư, kế hoạch đấu thầu, nội dung hồ sơ mời thầu giai đoạn 1 và 2 của gói thầu EPC, kết quả đấu thầu gói thầu EPC, đều có liên quan đến chỉ đạo điều hành của PVN. Ngoài ra, việc chỉ đạo điều hành thông qua kiểm tra, đôn đốc, giám sát người đại diện vốn của PVN tại PVTex trong việc thực hiện dự án còn thiếu thường xuyên, dẫn đến quá trình thực hiện có nhiều sai phạm, dự án không hiệu quả.

Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương yêu cầu PVN đánh giá toàn diện thực trạng dự án, đề xuất phương án xử lý phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Về xử lý trách nhiệm hành chính, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo và thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN, Vinatex thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm được phát hiện qua thanh tra như đã nêu trên. Đối với PVN, Vinatex, các đơn vị góp vốn và PVTex, cần chỉ đạo và tổ chức thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với người đại diện vốn tại PVTex và các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra.

Đặc biệt, kết quả thanh tra cho thấy quá trình thực hiện đầu tư dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ đã có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết, thực hiện hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí lớn vốn đầu tư. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

X.T

Ngày 24-11, trên Cổng Thông tin của Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên. Theo kết luận thanh tra, từ tháng 10-2007 đến 3-2009, PVN đã quyết định chủ trương đầu tư dự án nhiên liệu sinh học với công suất mỗi nhà máy 100.000 m3 Ethanol/năm ở 3 tỉnh Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước.

Cụ thể, tại dự án Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 1.800 tỷ đồng nhưng đã tăng vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng. Năm 2014, dự án này lỗ khoảng 164 tỷ đồng. Tại dự án Ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sau đó đã tăng vốn lên hơn 1.700 tỷ đồng. Từ tháng 4-2013 đến nay, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, năm 2013 và 2014 dự án bị lỗ khoảng 400 tỷ đồng.

Đặc biệt, dự án Ethanol Phú Thọ do Cty CP Lọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) làm chủ đầu tư, nhà thầu là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng sau đó tăng vốn lên mốc 2.500 tỷ đồng. Mặc dù dự án đã tạm dừng thi công nhưng vẫn mất hàng trăm tỷ đồng để trả lãi vay và quản lý.

Về biện pháp xử lý, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định pháp luật; chỉ đạo PVN, chủ đầu tư khẩn trương xây dựng giải pháp cụ thể đối với dự án tại Phú Thọ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn sai địa điểm xây dựng của Nhà máy Ethanol Dung Quất, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.