Báo Công An Đà Nẵng

Xuân Diệu-một hồn thơ của dân tộc

Thứ tư, 16/03/2016 09:44

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-3, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc, Hội đồng hương Bình Định phối hợp tổ chức Hội thảo "Xuân Diệu với văn hóa dân tộc" nhân kỷ niệm 100 năm sinh của nhà thơ (1916-2016). Hội thảo là dịp để khẳng định vai trò của thơ Xuân Diệu trong văn hóa dân tộc; các nhà thơ, nhà nghiên cứu tìm hiểu, có những bài viết sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Xuân Diệu.

Xuân Diệu xuất hiện trên văn đàn lúc mới 19 tuổi và nhanh chóng trở thành một gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất (1936-1939). Là tri thức được giác ngộ đi theo Việt Minh từ năm 1944, khi cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra và thành công, Xuân Diệu hân hoan hòa vào dòng thác cách mạng, nhiệt thành sáng tác phục vụ cách mạng. Các tác phẩm tiêu biểu của ông giai đoạn này là tập thơ "Ngọn quốc kỳ", "Hội nghị non sông"... Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông lại hăng hái lên chiến khu. Hiện thực kháng chiến hòa quyện cùng tâm hồn lãng mạn sôi nổi đã tạo nên bước ngoặt mới trong thơ Xuân Diệu... Trong sự nghiệp sáng tác, bên cạnh khối lượng thơ đáng kể, Xuân Diệu còn để lại một di sản văn xuôi chủ yếu ở mảng phê bình, nghiên cứu.

Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam khẳng định rằng: Xuân Diệu là một tài năng đặc biệt của miền đất địa linh nhân kiệt Bình Định, nơi sinh ra những anh hùng hào kiệt dân tộc như Quang Trung -Nguyễn Huệ, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Đào Tấn... Thơ Xuân Diệu như một biên niên sử về xã hội, văn hóa dân tộc, lịch sử, con người Việt Nam từ thủa còn nô lệ đến ngày độc lập tự do và tiến lên xã hội chủ nghĩa. 15 tập thơ, 5 tập tiểu luận và văn xuôi của Xuân Diệu đã được Nhà xuất bản Văn học tập hợp in thành 6 tập gồm 6.000 trang sách là một di sản, đóng góp lớn lao cho nền văn hóa dân tộc nước nhà.

Mỹ Bình