Xuân này họ không về
(Cadn.com.vn) - Trong cái se lạnh đầu xuân, khi khắp nơi rộn rã tiếng nhạc mừng năm mới, những người ly hương cũng bày biện mâm cỗ cúng tất niên để phần nào xua bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê. “Quà nào vui bằng quà sum họp, tết nào vui bằng tết đoàn viên”, câu nói ấy thể hiện nỗi lòng của những người con xa xứ mong ngóng được trở về quê nhà trong những ngày giáp Tết. Là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, ai ai cũng muốn được dâng lên ông bà tổ tiên những nén hương tưởng nhớ nguồn cội, muốn được sum vầy bên gia đình mừng năm mới... song có lẽ, nhiều người trong số họ phải ở lại đất khách quê người, vì nhiều lẽ, nhưng cái lẽ mưu sinh nặng hơn tất cả.
Trong căn nhà trọ cũ kỹ trên đường Hải Phòng, Đà Nẵng là gia đình của anh Trần Doãn Tuấn và chị Trần Thị Thắm (Thanh Hóa). Bán mấy sào lúa ở quê, anh chị vào Đà Nẵng kiếm sống, bắt đầu những tháng ngày rong ruổi trên khắp các nẻo đường. “Chồng tôi đi giao báo cho đại lý còn tôi thì bán rong mấy thứ lặt vặt. Tết người ta cũng dư dả tiền bạc nên mấy thứ như lịch, câu đối bán chạy lắm. Vì vậy vợ chồng tôi quyết định ở lại kiếm thêm ít tiền cho các con ăn học”, chị Thắm trải lòng.
Xóm trọ nhỏ ở đường Hải Phòng này có gần 20 người cũng hành nghề bán dạo như chị Thắm, hầu hết đều đến từ các tỉnh phía Bắc. Những gia đình ở trọ 10 năm tại Đà Nẵng như anh Tuấn-chị Thắm không phải là hiếm và chỉ thỉnh thoảng mới về quê. Anh Hùng (quê Tiền Giang), hành nghề ép dẻo trước siêu thị Bài Thơ tâm sự: “Nói thực đi làm ăn xa như ri khổ lắm, Tết muốn về cũng không có tiền về bởi riêng tiền tàu xe đã quá nhiều rồi còn phải có ít quà cáp cho bà con. Lâu lâu mới về không lẽ lại về tay không?”.
Chỉ một buổi quét vôi đã kiếm được 200 nghìn đồng. |
Có mặt tại khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) vào những ngày cận Tết đã thấy không khí náo nức của mùa xuân, cả người về lẫn người ở. Người về thì háo hức, còn người ở lại cũng tất bật lo gửi quà, dù không giấu được vẻ đăm chiêu, buồn bã. Chị Nguyễn Thị Tình, trú đường Âu Cơ tâm sự: “Nguyên dãy trọ về hết chỉ còn vài ba đứa ở lại. Ở quê tôi cũng chẳng còn ai, ba mẹ mất rồi mấy đứa em đi làm trong TPHCM cũng không có tiền về nên thôi kệ ở đây cho qua 3 ngày Tết vậy”. Chị Nhung, công nhân may tính toán: “Em và chồng làm ở đây đã gần 2 năm rồi. Trước đây có tăng ca thì lương tháng cũng được tầm 4 triệu đồng nhưng thời gian gần đây công ty làm ăn khó khăn ít tăng ca nên chỉ còn gần 3 triệu đồng. Quê em thì ở Quảng Ngãi nhưng chồng em thì ở tận Hà Tĩnh, em vừa sinh cháu nhỏ nên năm nay hai vợ chồng quyết định ở lại đây ăn Tết, khi nào con lớn làm ăn khá hơn chút bọn em sẽ dẫn cháu về thăm ông bà”.
Mỗi người một hoàn cảnh riêng chỉ có nỗi buồn, nỗi nhớ nhà mang họ lại gần nhau. Xóm trọ của chị Tình có 5 người ở lại Đà Nẵng ăn Tết họ bèn góp chung bày biện một bữa tất niên cho có chút hương vị quê nhà.
Tết cũng là thời điểm có thêm việc cho sinh viên. Là sinh viên Trường Cao đẳng nghề số 5, Trương Văn Phúc (Đắc Lắc) quyết tâm ở lại kiếm việc làm thêm vừa để có thêm ít tiền trọ học vừa để rèn giũa “tay nghề” điện tử của mình. Nghĩ là làm, Phúc lên mạng tìm kiếm những ai đang cần sửa đồ gia dụng mang về làm trong dịp Tết. Phúc vui vẻ: “Ở lại thì cũng buồn nhưng mà em quyết tâm dùng thời gian này để cho mình thêm kiến thức. Vả lại thấy tiền tàu xe bằng cả tháng tiền ăn em cũng... tiếc”.
Nhiều sinh viên cũng suy nghĩ như Phúc, chấp nhận ăn Tết xa nhà để phần nào đỡ đần cho bố mẹ. Những công việc trong dịp này thường rất đa dạng hơn nữa lương lại gấp hai lần ngày thường. Những quán ăn đông khách trong dịp Tết cũng cần thuê thêm người làm. Chỉ khoảng 10 ngày Tết, nhiều sinh viên có thể kiếm được 1 triệu đồng phụ giúp gia đình. Nguyên (quê Phú Yên) chia sẻ: “Em theo mấy anh thợ cả đi sơn nhà cho người ta một buổi cũng được 200 nghìn đồng. Ngoài ra, một số nơi còn nhận sinh viên đi phát tờ rơi và quản lý các khu vui chơi trong dịp Tết. Không sợ thiếu việc đâu”.
Cùng chung nỗi nhớ nhà nhớ quê, nhiều nhóm sinh viên còn lập hẳn 1 trang facebook với tên gọi Hội những người con ăn Tết xa nhà để cùng nhau san sẻ tâm tư trong những ngày Tết đến. Một thành viên của diễn đàn chia sẻ: “Tết năm nay mừng xuân không trọn vẹn. Thì tết năm sau nhà mình sẽ được vui hơn. Ước mong sao mẹ yêu luôn bình yên. Thì mỗi ngày xuân vẫn đến với con”.
Hà Dung