Báo Công An Đà Nẵng

Xuân Thủy-một tâm hồn thơ tươi trẻ

Thứ tư, 14/11/2018 17:03

Hồi học cấp 3 trường huyện, tôi đã thuộc nhiều  thơ Xuân Thủy, những vần thơ viết trong nhà tù đế quốc thể hiện khí phách, sự lãng mạn và tầm nhìn xa của người chiến sĩ cách mạng. Hồi đó chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết đây là những vần thơ của một chàng trai 26 tuổi: Này này đế quốc biết hay chăng?/Ngươi đã già nua ta trẻ măng/Trái đất ngươi ôm, ôm chẳng nổi/Trời kia ta với cả cung trăng!

 

Thuộc thơ, ghi thơ Xuân Thủy vào sổ tay, lớn lên chúng tôi mới biết ông hoạt động cách mạng từ rất sớm và đã từng nắm giữ nhiều cương vị cao trong Đảng, Quốc hội. Ông cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam... Làm nhiều chức vụ quan trọng như thế nhưng ông không bao giờ bỏ thơ. Có lần ông về thăm xã Ngư Thủy quê tôi ở góc biển nam Quảng Bình, nơi có Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng. Ông đã đi chân đất, lội động cát 7km để đến với bà con làng biển quê tôi. Khi chia tay, ông đã  đề 4 câu thơ vào sổ vàng truyền thống của xã. Tôi lúc đó đang học lớp 9 Trường cấp 3 Lệ Thủy, về làng mở sổ vàng đọc một lần, 40 năm rồi mà bây giờ còn nhớ: Chiều nay Xuân Thủy thăm Ngư Thủy/ Trời biển mênh mông đất Quảng Bình...

Thơ Xuân Thủy đằm thắm, trữ tình. Nhà phê bình Hoài Thanh từ năm 1974 đã nhận xét về thơ Xuân Thủy: "Ai nấy đều nhận thấy anh có một tiếng thơ riêng. Một tiếng thơ nhẹ nhàng, bình dị, ưa nói vui và nói vui có ý vị". Thơ Xuân Thủy vui đùa cả khi đang ở trong tù. Năm 1938, ông bị giặc bắt giam ở nhà lim Hỏa Lò. Ngày nọ, một cố đạo vào thăm, ông  làm thơ vui trêu vị cố đạo để bày tỏ thái độ sống và ý chí của mình: Một hôm cố đạo vào thăm/Hỏi han sức khỏe, lương tâm thế nào?/Thưa rằng tôi chả làm sao/Lương tâm vẫn tốt, máu đào còn nguyên/Ở đây đôi lúc cũng phiền/Nhưng tôi chưa định có lên thiên đàng.

Hồi ở chiến khu Việt Bắc (1949), Xuân Thủy có bài thơ "Ngôi nhà kháng chiến" kể về cuộc sống đạm bạc, hăng say mà chan chứa tình cảm. Bài thơ như một bức tranh thủy mạc, chỉ vài nét vẽ đơn sơ mà hiện lên ngôi nhà với cuộc sống sinh động và ấm áp. Bài thơ được tuyển đi tuyển lại trong các tuyển tập. Năm 2001, NXB Lao Động in tuyển tập  "Thơ Việt Nam" (1945- 2000) dày 1.700 trang do nhà thơ Gia Dũng tuyển chọn, bài "Ngôi nhà kháng chiến" cũng được tuyển. Những hình ảnh tiêu sơ như Đám cải chân đồi loáng thoáng hoa... Lưa thưa vách nứa gường phên nứa/Bàn nứa mong manh, ghế nứa gài... Vườn rau bãi bóng ngày thêm rộng... Để rồi trong ngôi nhà đó, đọng lại hình ảnh làm người đọc nhớ mãi: Tinh tươm cơm nước dọn ra bàn/Trời lạnh sao lòng thấy ấm ran/ Đĩa muối bát canh thêm quả ớt/Hơi cơm nghi ngút, chuyện giòn tan!

Những năm dẫn đầu đoàn đại biểu ta đàm phán với Mỹ tại Paris về Việt Nam, mạch thơ của nhà ngoại giao Xuân Thủy tuôn trào hơn, nồng ấm hơn. Thời kỳ này, có rất nhiều tờ báo của Việt Kiều, kể cả báo chí của Mỹ, Nhật cũng đăng thơ ông. Lúc này Xuân Thủy không chỉ đấu tranh  trên bàn đàm phán, mà còn đấu tranh bằng thơ: Đây phòng họp trang nghiêm là trận địa/ Đây chính nghĩa quang minh là vũ khí... Ông làm thơ Thăm ngõ Công-poanh nơi ở Bác Hồ thời tìm đường cứu nước, làm thơ khi Nghe tiếng đàn bầu Việt Nam tại thủ đô nước Pháp:

Hỡi tiếng đàn ta tiếng hát ta/Hỡi đôi chân ngọc, búp tay ngà/Vui tươi sắc sảo, mê hồn nữa/Cho sáng trời Tây, dậy biển xa!

Khi Bác Hồ mất, từ Paris về viếng Bác, ông xúc động khóc Bác bằng bài thơ tâm huyết "Đinh ninh lời thề". Theo nhà phê bình Hoài Thanh thì đây "là một trong những bài thơ được hoan nghênh nhất của anh". Thơ ông khái quát hình tượng Bác Hồ: Một con người kim cổ Tây Đông/Giàu Quốc tế, đậm Việt Nam từng nét. Đặc biệt, nhà thơ Xuân Thủy vào thăm Huế nhiều lần và ông làm nhiều thơ về Huế. Những bài thơ nói lên tình cảm và nỗi lòng của ông đối với Huế đẹp và thơ, pha chút đùa vui ý vị theo cách của thơ Xuân Thủy: ...Mưa chi mưa thế Huế mình ơi/ Phải chăng lâu quá không về Huế/Cảm động thương nhau khóc tí thôi...

Nhà thơ Xuân Thủy đã để lại cho người yêu thơ Việt Nam 2 tập thơ Đường Xuân Thơ Xuân Thủy. Nhớ ông, đọc lại thơ ông, ta càng thêm yêu quý một tâm hồn thơ tươi trẻ, chân chất, ý vị. Cùng với thời gian, quá trình hoạt động cách mạng của ông lưu danh sử sách, còn thơ ông  lưu mãi trong lòng người yêu thơ nước Việt...

NGÔ MINH