Xuân về nơi làng hoàn lương
(Cadn.com.vn) - TP Đà Nẵng có một ngôi làng từng được mệnh danh là “làng giang hồ”- làng Bàu Bàng (thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc, H. Hòa Vang). Nơi đây là điểm dừng của những phụ nữ có quá khứ lầm lỡ, họ phải đánh đổi bằng những năm tháng tuổi trẻ để cai nghiện tại Trung tâm giáo dục- dạy nghề 05-06 Đà Nẵng.
Giã từ quá khứ...
Nhiều người thường ví von, làng Bàu Bàng là tổ ấm của những “cánh chim mỏi”, bởi những con người ở đây từng một thời lầm lỡ, đa số là đối tượng mại dâm, ma túy... đã rũ bỏ quá khứ, làm lại cuộc đời.
Đã hơn 30 năm trôi qua, nay họ tạo lập một cuộc sống mới bằng chính nghị lực sống, bằng đôi tay lao động. Nhắc lại quá khứ, chị Hà Thị Thu Thủy (1955) không khỏi bùi ngùi: “Tôi quê ở Sông Bé cũ, cha mẹ mất sớm, để lại 2chị em bơ vơ khi tôi mới 13 tuổi. Chị em dắt díu nhau tha phương cầu thực. Rồi chẳng may, em tôi bị lạc. Tôi tìm nó suốt 2 năm trời mà chẳng có tin tức gì. Phần thương em, phần chán đời, tôi sống đời phiêu bạt từ đó”. Và rồi, số phận đẩy đưa chị đến Đà Nẵng, bị lừa vào động mại dâm. Với những đồng tiền từ nghề “bán thân nuôi miệng”, chị lao vào những cuộc ăn chơi rồi nghiện ngập. Sau 2 lần bị bắt buộc đi cai nghiện tại Trung tâm 05-06 Đà Nẵng, năm 1990, chị kết hôn với anh Mai Văn N. (một trại viên) rồi đưa nhau ra xóm này sinh sống cho đến nay.
Ngoài chị Thủy, ở làng Bàu Bàng này còn nhiều số phận khác cũng éo le không kém nhưng tựu trung tất cả họ đều có ý chí vượt lên số phận để làm lại cuộc đời. Hỏi về những ngày đầu trên vùng đất mới, những người nữ ở đây vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên ra khỏi Trung tâm 05-06, khoảng 20 người quyết tâm ở lại vùng đất đồi khô cằn này để tạo lập cuộc sống mới. Họ bắt đầu lại cuộc sống mới, tách khỏi những cám dỗ ngày xưa, và rồi cuộc đời đã mỉm cười với họ. Những người cùng hoàn cảnh đã đồng cảm nhau và đi đến thành vợ thành chồng, sinh ra những đứa con bụ bẫm, tạo động lực sống vì ngày mai.
Đôi vợ chồng làm lại từ đầu ở làng Bàu Bàng. |
Xuân yên vui
Hiện thôn Lộc Mỹ có khoảng 70 hộ thì có đến 20 hộ là những người hoàn lương nơi khác đến. Hầu hết chị em hoàn lương đều rất chăm chỉ, chịu khó làm ăn, vui vẻ và hòa đồng với những người xung quanh. Nhường ấy năm sống chan hòa trong tình yêu thương, họ đã tự tìm thấy “nửa đời” còn lại của mình để làm động lực, niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Chính nhờ thái độ sống tích cực này mà đa phần trong số họ đã tìm được sự bình an trong cuộc sống.
Họ sống với nhau bằng tấm lòng chân thật của những con người cùng cảnh ngộ, nương tựa vào nhau tạo lập một cuộc sống mới trên mảnh đất khô cằn này. Vợ chồng anh Nguyễn Văn T. (Huế) và Lê Thị Th. (quê Hà Tĩnh) là cặp đôi đẹp nhất trong làng. Từ những ngày trong trung tâm họ đã cảm mến nhau và rồi một đám cưới được cán bộ Trung tâm giáo dưỡng tổ chức. Giọng vẫn đậm chất Hà Tĩnh, chị Th. tâm sự: “Giờ con cháu đầy đủ, mình không ngờ cuộc đời mình được nhiều như vậy, có chồng có con. Không hạnh phúc mô bằng!”. Chị kể, hồi mới rời trung tâm khổ lắm, nhưng vợ chồng bảo nhau là ở lại chứ không về xuôi. Ở lại làng, hai vợ chồng tu chí làm ăn, gây dựng cuộc sống mới và bây giờ hạnh phúc của họ cũng được xem là viên mãn.
Ở làng Bàu Bàng cũng có những phụ nữ “ở lại” và không may mắn bằng chị, bằng em như chị Võ Thị L., song sống trong tình thương của những người bà con hàng xóm, người thân và chị em từng cùng chung hoàn cảnh nên mọi người luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt, chính quyền địa phương và các đoàn thể luôn tạo điều kiện tốt nhất có thể để họ tái hòa nhập cộng đồng. Như chị L., chính quyền quan tâm xây dựng một căn nhà tình thương để có nơi ăn, chốn ở đàng hoàng.
Thời gian trôi qua, cái tên “xóm hoàn lương” dần dần đi vào quên lãng, người ta chỉ còn nhớ đến một làng Bầu Bàng từng ngày thay da đổi thịt bên dòng sông Cu Đê yên ả. Làng giờ đã nhộn nhịp, tươi vui qua hình ảnh của những đứa trẻ thơ ngày ngày cắp sách tới trường. Những mảnh vườn và cánh đồng xanh mướt của bà con nơi đây vun trồng. Họ không mặc cảm với quá khứ, đang sống tốt và vươn lên từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Sáu, trưởng thôn Lộc Mỹ, hồ hởi nói về nơi đây: “Cuộc sống của người dân nơi đây đã lắm đổi thay. Điện, đường, truyền hình được phủ sóng khắp nơi. Đời sống người dân đã có “của ăn, của để. Nhiều ngôi nhà xây kiên cố được mọc lên. Con cái của họ được ăn học đến nơi đến chốn. Tình làng nghĩa xóm được giữ yên”.
Nguyễn Thành Giang