Xuất hiện thêm nhiều điểm nóng dịch bệnh
Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng vẫn được ghi nhận ở mức cao, nhiều điểm nóng mới cũng đã xuất hiện. Để kiểm soát tình hình, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để sớm kiểm soát được tình hình.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch để sớm kiểm soát các điểm nóng.
2 ngày thêm 327 F0
Ngày 26-12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP cho biết, trong ngày, Đà Nẵng ghi nhận 116 ca mắc COVID-19 gồm 4 ca cách ly tập trung, 47 ca cách ly tạm thời tại nhà, 22 ca trong khu phong tỏa và 43 ca cộng đồng.
Các ca cộng đồng đều được phát hiện khi đến khám, xét nghiệm tại các cơ sở y tế như Bệnh viện 199, Bộ Công an (7 ca); trạm y tế các xã, phường (13 ca); Bệnh viện Tâm Trí (3 ca); Bệnh viện C Đà Nẵng (2 ca); Phòng khám Pasteur (1 ca); Phòng khám Thiện Nhân (4 ca); Trung tâm Y tế Q. Liên Chiểu (3 ca); Trung tâm Y tế Q. Sơn Trà (2 ca). Ngoài ra, có 1 ca lấy mẫu tại Công ty Miền Trung; 7 ca lấy mẫu tiểu thương chợ Đầu Mối.
79/116 ca mắc COVID-19 trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung ở một số địa phương như Q. Sơn Trà (38 ca), Q. Thanh Khê (15 ca), Q. Liên Chiểu (14 ca), Q. Hải Châu (6 ca), Q. Cẩm Lệ (3 ca), H. Hòa Vang (2 ca) và Q. Ngũ Hành Sơn (1 ca).
TP hiện có 435 khu vực phong tỏa với 1.299 hộ (6.158 nhân khẩu), duy trì 15 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 322 người. Trước đó, ngày 25-12, Đà Nẵng ghi nhận 211 ca mắc COVID-19, gồm 44 ca cách ly tập trung, 88 ca cách ly tạm thời tại nhà, 35 ca trong khu phong tỏa và 44 ca cộng đồng. Tính từ ngày 16-10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 5.516 ca mắc COVID-19, trong đó 192 ca ngoại tỉnh.
Chủ động phát hiện chủng Omicron
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP chiều 25-12, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến cho hay, các quận, huyện đã làm tốt việc tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nhà cho người cao tuổi, người bệnh nền; tuyên dương Q. Liên Chiểu đã kiểm soát được dịch trên địa bàn. Tuy nhiên, lãnh đạo TP cũng nhìn nhận, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP vẫn tiếp tục ghi nhận ở mức cao và xuất hiện thêm nhiều điểm nóng mới. Điều đó cho thấy nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực.
“Đề nghị các đơn vị, địa phương ghi nhận nhiều ca mắc mới, xuất hiện các điểm nóng, trong đó đáng lưu ý quận Thanh Khê, Hải Châu và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhanh chóng truy vết, phát hiện các địa điểm, khu vực có nguy cơ. Cần lưu ý tập trung phân tích, đánh giá đầy đủ để đưa ra biện pháp kịp thời và hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu.
Hiện nay, TP đang tổ chức điều trị F0 tại nhà và sắp tới sẽ triển khai nhân rộng với phạm vi, quy mô lớn. Để công tác này diễn ra thuận lợi, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị ngành Y tế sớm có báo cáo tổng kết quá trình điều trị F0 thí điểm thời gian qua, tổ chức hướng dẫn, phối hợp các địa phương sớm triển khai trong thời gian tới. Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân F0, các địa phương và cơ sở y tế được giao nhiệm vụ rà soát quy trình, tiêu chuẩn điều trị. Sở Y tế lưu ý hướng dẫn các đơn vị thống nhất việc sử dụng thuốc kháng virus COVID-19; đưa ra thời gian và tiêu chuẩn lưu viện cho người mắc COVID-19, rút ngắn nhất có thể ngày ra viện của F0, phối hợp với Sở Tài chính để thực hiện thanh toán chi phí điều trị.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP yêu cầu Sở Y tế cần triển khai và hoàn thành sớm việc tiêm vét vaccine phòng COVID-19 cho người dân; chủ động kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, tham mưu UBND TP, đề xuất, báo cáo kịp thời những khó khăn cần hỗ trợ; tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ, phát sinh trên địa bàn.
Thời gian tới, TP sẽ tiếp nhận các công dân nhập cảnh. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẵn sàng kế hoạch tầm soát, xét nghiệm người nhập cảnh để phòng, chống dịch; đặc biệt là giải trình tự gen để phát hiện chủng Omicron kịp thời nếu có.
PHI NÔNG