Báo Công An Đà Nẵng

Xuất khẩu cá ngừ đại dương tăng trưởng khá

Thứ ba, 08/10/2019 16:33

Cá ngừ đại dương được xác định là một trong những sản phẩm khai thác chính của nghề đánh bắt hải sản xa bờ và là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam.

Nghề khai thác cá ngừ đại dương đang tăng trưởng khá.

Sản phẩm cá ngừ Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 200 thị trường trên thế giới; trong đó, nhà nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Các nhà chế biến và xuất khẩu cá ngừ xác định, để giữ được các thị trường này, các doanh nghiệp chế biến cá ngừ phải có sự liên kết chặt chẽ với ngư dân để tăng lợi thế cạnh tranh.

Liên kết thúc đẩy phát triển

Theo Tổng cục thủy sản, ngành khai thác và chế biến, xuất khẩu cá ngừ thời gian qua được ưu tiên phát triển. Do đó, chỉ trong 5 năm thực hiện Đề án tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, sản lượng khai thác và xuất khẩu cá ngừ đã đạt con số tăng trưởng ngoạn mục. Tính từ năm 2014 - 2018, sản lượng khai thác cá ngừ tăng trưởng bình quân 6%/năm, xuất khẩu cá ngừ chế biến tăng trưởng bình quân 7%/năm. 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 550 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2018. Mặt khác, ngành hàng khai thác, đánh bắt, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn cư dân các tỉnh ven biển có nghề khai thác, đánh bắt cá ngừ như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trên cả nước có 25 cảng phục vụ cho đội tàu khai thác, đánh bắt cá ngừ, 185 cơ sở thu mua cá ngừ và 60 doanh nghiệp, cơ sở chế biến cá ngừ phục vụ cho xuất khẩu. Cũng từ sự phát triển của nghề khai thác, chế biến xuất khẩu cá ngừ, cả nước có đội tàu khai thác, đánh bắt xa bờ gần 48.000 chiếc, sản lượng khai thác cá ngừ đạt 170.000 tấn/năm, tăng gấp 4 lần so với năm 2014. 

Các nhà máy chế biến, xuất khẩu cá ngừ cũng đồng loạt đầu tư trang bị máy móc, thiết bị cấp đông tiếp xúc (CF), đông gió và hầm đông lạnh, đông rời (IQF) để cấp đông sản phẩm cá ngừ. Đặc biệt, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn trong việc làm tăng giá trị cá ngừ, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến như: thăn, phi lê cá ngừ, cá ngừ đóng hộp ngâm dầu, cá ngừ đóng túi…

Ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định chia sẻ, sự thành công của nghề khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ không thể tách rời mối liên kết chặt chẽ giữa ngư dân, nhà thu mua với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Cho đến nay, cả nước đã có 9 mô hình liên kết khai thác và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Cụ thể, tỉnh Bình Định thực hiện 4 mô hình liên kết, Phú Yên thực hiện 2 mô hình và tỉnh Khánh Hòa thực hiện 3 mô hình liên kết chuỗi này. Ngư dân khai thác cá ngừ được hỗ trợ trang bị công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ.

Triển vọng lớn

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện Mỹ và châu Âu là 2 thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá ngừ chế biến lớn nhất thế giới. Cụ thể, các lô hàng cá ngừ chế biến nhập khẩu vào Mỹ tăng bình quân 6%/năm. Riêng thị trường châu Âu, mức tiêu thụ cá ngừ lớn đã thúc đẩy việc nhập khẩu cá ngừ tăng nhanh từ năm 2018 đến nay, khoảng 25%. Đáng chú ý, cả Italy và Tây Ban Nha là hai quốc gia có ngành chế biến cá ngừ lớn nhưng các lô hàng cá ngừ đóng hộp và thăn/philê (loin) cá ngừ hấp đông lạnh đang tăng đều đặn kể từ năm 2016.

Tại hội nghị cá ngừ thế giới, tổ chức tại Tây Ban Nha vừa qua, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đến từ Ecuador, Trung Quốc, châu Âu cũng khẳng định, các nhà chế biến cá ngừ của châu Âu nên tập trung vào việc gia tăng giá trị và mức độ phù hợp của các sản phẩm cá ngừ thông qua việc đổi mới sản xuất và tăng sản phẩm chế biến. Bởi các nhà chế biến châu Âu không thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia khác như Ecuador, Trung Quốc, Việt Nam… về giá, với các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ Ecuador và Trung Quốc và một số quốc gia khác. Các nhà sản xuất cá ngừ châu Âu không thể tác động tới các yếu tố ngoài tầm kiểm soát của mình, như nhập khẩu cá ngừ giá rẻ từ các nước ngoài khối châu Âu.

Mặt khác, ông Peter Trutanich, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách kinh doanh của Tri Marine (hiện thuộc sở hữu của Bolton Group International của Bolton) cho biết, tại thị trường Mỹ, sản phẩm có ngừ đóng hộp vẫn được ưa chuộng nhất, với doanh số bán hàng của mặt hàng này là 1,5 tỷ USD của doanh nghiệp này. Kế đó là sản phẩm cá ngừ đóng túi chiếm 10% doanh số bán hàng, tương ứng 400 triệu USD, thấp nhất là cá ngừ được bán dưới dạng gói thực phẩm chế biến, thời hạn bảo quản ngắn 100 triệu USD. Qua khảo sát sở thích tiêu dùng tại đây, người tiêu dùng Mỹ vẫn thích sản phẩm cá ngừ đóng hộp hơn các loại sản phẩm cá ngừ chế biến khác.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam cũng xác định sản phẩm chế biến chủ yếu là cá ngừ đóng hộp. Điều này cho thấy, sở thích tiêu dùng của thế giới đã tạo điều kiện cho ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tăng sự cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đồng thời, sản phẩm cá ngừ của Việt Nam cũng có ưu thế cạnh tranh về giá bán tại các thị trường này.

Tuy nhiên, thị trường thế giới sẽ còn có nhiều biến động, sản phẩm cá ngừ cũng không nằm ngoài sự biến động này. Do đó, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh, để ngành hàng cá ngừ tiếp tục ổn định và phát triển bền vững, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ hệ thống cảng cá ngừ chuyên dụng, chợ đấu giá cá ngừ và cơ sở hậu cần dịch vụ riêng cho cá ngừ. Đồng thời, các viện nghiên cứu thủy sản, trường đại học tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm cá ngừ trên tàu cá để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngư dân khai thác, đánh bắt cá ngừ cũng cần được tập huấn để vận hành các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại trong khai thác, bảo quản sản phẩm cá ngừ.

H.N