Báo Công An Đà Nẵng

Xúc động lễ truy điệu và an táng 17 liệt sĩ đặc công

Thứ bảy, 06/06/2020 13:34

Sáng 5-6, tại Nghĩa trang Liệt sĩ H. Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN H. Phước Sơn long trọng tổ chức Lễ Truy điệu và an táng 17 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404 - Quân khu 5, hy sinh tại sân bay Khâm Đức vào ngày 5-8-1970.

Lực lượng chức năng tiến hành nghi thức an táng 17 liệt sĩ tại nghĩa trang.

Trước ngày diễn ra Lễ Truy điệu và an táng, hay tin tìm thấy hố chôn tập thể của các liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Trước, vợ liệt sĩ Vũ Quang Đặc (1941, xã Cổ Thành, H. Chí Linh, Hải Dương) cùng hai người con bắt xe vào ngay Khâm Đức. Trước đó, bà đã có hàng chục lần đi cùng đoàn khai quật nhưng chưa tìm thấy. Bà Trước cho biết, bà và liệt sĩ Đặc nên duyên vợ chồng năm 1959. Tháng 2-1962, liệt sĩ Đặc rời xa gia đình lên đường nhập ngũ. Cũng trong cuối năm đó, bà sinh người con gái đầu lòng là chị Vũ Thị Điểm. Liệt sĩ Đặc được đào tạo lính đặc công ở Sơn Tây (Hà Nội). Năm 1965 tham giá kháng chiến ở chiến trường Khe Sanh - đường 9 Nam Lào. Hoàn thành nhiệm vụ, ông lại ra Bắc học sĩ quan và trong một lần về phép, bà Trước mang thai người con thứ 2. Năm 1969, người lính đặc công Vũ Quang Đặc trở lại chiến trường Nam Trung Bộ khi đứa con chưa chào đời.

Trong ký ức của chị Vũ Thị Điểm, chị không thể quên những lần bố về phép, chị được bố cõng trên lưng đến nhà hàng xóm chơi. Trong túi đồ của bố lúc nào cũng có một khẩu súng lục và dặn con gái không được nghịch sờ vào. "Có lần cả nhà đang ngồi thì bố tôi vào nhà lúc nào không biết. Đúng là lính đặc công, đi không ai biết về không ai hay. Hàng xóm cũng không biết bố về lúc nào mà chỉ thấy nhà đầy người. Có những lần bố đem cho tôi một xiên thịt hộp, chắc là lấy được chiến lợi phẩm của Mỹ. Bố tôi có một cái kiềng nhỏ, bố nấu cho tôi ăn. Tôi dặn bố lần sau về đem một ít về con ăn. Bố tôi cười và dặn ở nhà nghe lời mẹ, ngoan ngoãn rồi bố mang về cho con", chị Điểm xúc động kể.

Thân nhân xúc động thương tiếc các liệt sĩ.

 Suốt buổi lễ, bà Hoàng Thị Tám, em gái của liệt sĩ Hoàng Văn Mão (1950, Tiểu đội trưởng, An Khang, Yên Sơn, Tuyên Quang) cứ liên tục  khóc gọi tên anh mình. Chia sẻ với chúng tôi, bà Tám ngậm ngùi nhớ lại: "Anh Mão xung phong đi bộ đội từ lúc 18 tuổi. Khi đi anh có dặn mẹ rằng, con đi bộ đội khi nào về sẽ dành mua cho mẹ một cái đài. Vậy mà ảnh đi luôn cả mấy chục năm qua. Lúc hay tin anh hy sinh, tôi đi chăn trâu về thì ở nhà làm lễ truy điệu. Tôi đứng trên lưng trâu dự lễ truy điệu. Khi chưa đi bộ đội, ở nhà anh dạy tôi học, anh và tôi cùng nhau tắm sông. Anh bảo các em ở nhà ngoan, anh đi bộ đội về sẽ mua quần áo đẹp cho em". 

Cũng theo bà Tám, cách đây 20 năm, các bác cựu chiến binh của đơn vị 404 về đến gia đình tìm kiếm mẹ bà. Mẹ bà lúc đó nhờ các cựu chiến binh cố gắng tìm kiếm hài cốt con trai Hoàng Văn Mão về giúp mẹ. Bà cố gắng sống để đợi cái ngày đó. "Nhưng đến năm 2014, khi đó mẹ đã 94 tuổi, sức khỏe quá yếu không chờ được nữa và mẹ đã qua đời", bà Tám ngậm ngùi.

Thắp nén hương ngôi một tập thể 17 đồng đội sau khi an táng tại nghĩa trang, ông Hoàng Duy Chúc (1951, trú P. Quang Trung, TP Thái Nguyên) đôi mắt đỏ hoe. Ông Chúc kể, 4 giờ ngày 5-8-1970, 18 chiến sĩ đặc công là đảng viên, cảm tình Đảng - những người có kinh nghiệm trận mạc mới được tuyển chọn. Các chiến sĩ cùng nhau phá thép gai mang theo thủ pháo và thuốc nổ vào sân bay Khâm Đức để tiêu diệt địch. Trên đường rút ra ngoài, địch dùng 2 máy bay trực thăng từ trên cao bắn đạn 12 ly và phóng pháo xối xả xuống cửa mở bịt lối rút quân khiến 17 chiến sĩ tử vong, 1 chiến sĩ thoát chết.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cho hay: Chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh Quân khu 5 giao, Tiểu đoàn 404 có nhiệm vụ tổ chức tấn công tập kích cứ điểm sân bay Khâm Đức đúng vào ngày 5-8-1970, bằng mọi cách phải nhổ bằng được cái chốt của địch tại Khâm Đức. Một trận đánh cảm tử, 17 đặc công thuộc Tiểu đoàn 404 - Quân khu 5 hy sinh tại sân bay Khâm Đức, ta không lấy được tử thi, các liệt sĩ phải nằm lại trong lòng đất. Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", sau một thời gian dài, với sự quyết tâm của chính quyền địa phương, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện cùng đồng đội cũ, cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 404 đã kết nối, chia sẻ thông tin với phía Hoa Kỳ; sự phối hợp của thân nhân cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, các nhà tâm linh, các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện tổ chức tìm kiếm. Sau hơn 20 ngày nỗ lực tìm kiếm, với sự chứng kiến của các cựu chiến binh và thân nhân các gia đình liệt sĩ, lực lượng  Ban Chỉ huy quân sự H.Phước Sơn đã tìm thấy hố chôn 17 liệt sĩ, kết thúc hành trình hơn 10 năm tìm kiếm nhiều gian nan, vất vả.

TRẦN TÂN