Báo Công An Đà Nẵng

Xứng đáng với truyền thống “hộ quốc, an dân”

Thứ bảy, 01/10/2016 12:04

(Cadn.com.vn) - Cùng với sự tăng nhanh về số lượng chùa, tịnh xá, tịnh thất, tăng, ni..., Phật giáo Đà Nẵng ngày càng có những đóng góp thiết thực, hiệu quả trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó nổi bật là việc thực hiện các chính sách an sinh, hoạt động nhân đạo, từ thiện, được chính quyền, nhân dân thành phố ghi nhận và tôn vinh.

Đồng hành cùng thành phố

Những ngày này, cùng với Phật giáo cả nước, Phật giáo Đà Nẵng đang hân hoan, tích cực chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 35 năm (1981-2016) ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), đánh dấu chặng đường quan trọng trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, làm cho đạo Phật xương minh trong lòng dân tộc. Nói về sự hình thành và phát triển của GHPGVN TP Đà Nẵng, Hòa thượng Thích Chí Mãn, Ủy viên Hội đồng trị sự (HĐTS) GHPGVN, Phó trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN thành phố, cho biết: Từ hơn 2000 năm trước, đạo Phật đã truyền vào Việt Nam. Với tinh thần từ bi, hỷ xả, phù hợp với tính thuần phác, chân thực của người Việt Nam nên đạo Phật đã nhanh chóng bén rễ và trở thành một tôn giáo mang tính chủ đạo trong tư tưởng và lối sống của người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Qua quá trình giao thoa văn hóa, dân tộc Việt Nam đã tiếp thu tinh thần từ bi, hỷ xả, vô ngã vị tha, lục hòa cộng trụ, thương người như thể thương thân... của văn hóa Phật giáo để tạo nên cốt cách tốt đẹp của người Việt, đó là tính đoàn kết, nhân ái, hiếu hòa, bao dung; với những giá trị văn hóa, đạo đức nhân văn được thể hiện qua nhiều chặng đường lịch sử vàng son của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Đăng Hải cùng đại diện chùa Bà Đa tặng quà cho đồng bào các xã miền núi Hòa Vang (Đà Nẵng).

Bước sang thời đại mới, cùng với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, tinh thần đó đã hòa quyện với truyền thống văn hóa của dân tộc, trở thành một giá trị tinh thần quý báu cho hiện tại và mai sau. “Dù trải qua nhiều biến cố thăng trầm của vận nước và lịch sử dân tộc, Phật giáo Việt Nam vẫn luôn đồng hành, gắn bó keo sơn cùng dân tộc, điều đó đã được thể hiện rất rõ trong Hiến chương GHPGVN “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đây là đường hướng hoạt động thiết thực của Giáo hội trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam”, Hòa thượng Thích Chí Mãn nhìn nhận. Theo Hòa thượng Thích Chí Mãn, hòa trong dòng chảy lịch sử hình thành và phát triển của GHPGVN, từ ngày thành lập đến nay, GHPGVN TP Đà Nẵng luôn luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng thành phố thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Một trong những đóng góp quan trọng của GHPGVN thành phố trong nhiều năm qua là đã tích cực tuyên truyền vận động tăng, ni, phật tử chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực vào phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, các phong trào, cuộc vận động (CVĐ) khác ở địa phương...; thường xuyên hướng dẫn, vận động tăng, ni, phật tử, đặc biệt là các vị trụ trì phải chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động tôn giáo, tuyên truyền cho chức sắc, phật tử tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu nhằm hoạt động chống Nhà nước.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN thành phố, Ban Dân vận, Ban Tôn giáo và BTS GHPGVN thành phố cùng tặng 200 triệu đồng và quà cho nạn nhân chất độc da cam.

“Xuất phát từ tinh thần từ bi cứu khổ của đức Phật “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, với tinh thần vô ngã vị tha, cứu giúp người hoạn nạn, thương yêu người già cả neo đơn vốn là phương châm hành động của tăng ni và đồng bào phật tử, vì thế các hoạt động từ thiện, nhân đạo đã trở thành phong trào mang tính xã hội rộng lớn, đồng bào phật tử các giới trong toàn thành phố luôn thể hiện tấm lòng đoàn kết nhân ái đối với mọi hoàn cảnh khó khăn cũng như các vấn đề xã hội”, Hòa thượng Thích Chí Mãn cho biết.

Theo Ni trưởng Thích Nữ Diệu Cảnh, Ủy viên dự khuyết HĐTS GHPGVN, Trưởng phân ban đặc trách Ni giới, Trưởng ban Từ thiện xã hội GHPGVN thành phố: 35 năm qua, công tác từ thiện xã hội được Giáo hội luôn chú trọng thực hiện, với tổng kinh phí lên đến 140 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nhiều hình thức vận động khác nhau, Ban Từ thiện xã hội đã duy trì nồi cháo tình thương, phát thuốc cho đồng bào nghèo tại các Tuệ Tĩnh Đường, tổ chức hoạt động quyên góp, cứu trợ thiên tai bão lụt, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ học sinh nghèo, trẻ em lang thang... với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, để góp phần cùng thành phố thực hiện chương trình “3 có”, “4 an”, BTS GHPGVN thành phố và các quận, huyện cùng chư tăng ni đã vận động xây dựng hơn 150 ngôi nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương...

Ni trưởng Thích Nữ Diệu Cảnh tặng quà cho đồng bào vùng cao.

Tốt đạo, đẹp đời...

Đại đức Thích Thông Đạo, Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký GHPGVN TP Đà Nẵng cho rằng: từ khi được thành lập, GHPGVN thành phố đã luôn điều hành các công tác Phật sự trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thống nhất. Nhờ vậy, Giáo hội luôn đạt được thành tựu này đến kết quả vẻ vang khác. “Với phương châm: Làm trọn việc đạo thì rạng danh cho đời, làm trọn việc đời thì rạng danh cho đạo, thời gian tới, Giáo hội sẽ tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng tại địa phương; tích cực tham gia các phong trào, đặc biệt là phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ”, Đại đức Thích Thông Đạo nhấn mạnh.

Đánh giá về những đóng góp của Phật giáo thành phố thời gian qua, ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố cho rằng: GHPGVN TP Đà Nẵng nói riêng, tăng, ni, phật tử nói chung đã phát huy truyền thống “hộ quốc an dân”, đồng hành, gắn bó mật thiết với chính quyền thành phố để xây dựng, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể nói, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, hay nói cách khác là yếu tố quyết định cho những thành quả phát triển của thành phố trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Theo ông Hải, tất cả các chủ trương, các CVĐ, các phong trào thi đua yêu nước đều được GHPGVN thành phố và các cấp hội tham gia tích cực. Điển hình như CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Hiến máu nhân đạo”... Đặc biệt là vận động nhân dân, trong đó có bà con phật tử chấp hành chủ trương di dời giải tỏa, chỉnh trang đô thị để tạo điều kiện cho thành phố phát triển như ngày hôm nay.

Nói như Hòa thượng Thích Chí Mãn, nhìn lại quá trình 35 năm xây dựng và phát triển, cũng là dịp để GHPGVN thành phố phát huy những ưu điểm, thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, qua đó góp phần xây dựng TP Đà Nẵng ngày càng hưng thịnh, xây dựng GHPGVN ngày một phát triển hài hòa trong lòng dân tộc, xứng đáng với sự tôn vinh “là một tôn giáo đồng hành cùng dân tộc hộ quốc, an dân”.

D.Hùng