Báo Công An Đà Nẵng

Xung đột Gaza - nỗi đau chung của nhân loại

Thứ sáu, 02/02/2024 16:15
Gaza cần hàng chục tỷ USD và nhiều thập kỷ để có thể phục hồi. Ảnh: AFP

Phiên họp HĐBA lần này tập trung đánh giá các phán quyết tạm thời của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thuộc LHQ liên quan tới những cáo buộc diệt chủng ở Gaza và tình hình cứu trợ nhân đạo tại đây. Phát biểu trước các thành viên HĐBA, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của LHQ trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng, đồng thời cho rằng "tình trạng thương vong, bạo lực, đau khổ, tàn phá và đói khát kéo dài hơn 120 ngày qua ở Gaza là nỗi đau chung của nhân loại và lương tri con người". Theo ông, chiến dịch bắn phá liên tục và cuộc khủng hoảng hiện nay ở Gaza đã dẫn tới hậu quả là dân thường thiệt mạng và hạ tầng bị tàn phá với tốc độ và quy mô chưa từng thấy trong những năm gần đây.

Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh LHQ đã hành động ngay lập tức sau khi xuất hiện những cáo buộc một số nhân viên làm việc cho Cơ quan Cứu trợ của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) liên quan đến vụ tấn công của phong trào Hamas vào miền Nam Israel hôm 7-10-2023. Người đứng đầu LHQ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong nhiệm vụ duy trì hoạt động của UNRWA nhằm đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân ở Dải Gaza, cũng như tiếp tục cung cấp các dịch vụ cho người tị nạn Palestine tại những khu vực khác như Bờ Tây, Jordan, Lebanon và Syria. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Guterres tái khẳng định các phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cũng như luật nhân đạo quốc tế, cần phải được tuân thủ trong mọi hoàn cảnh.

Báo cáo trước HĐBA, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách Cơ quan điều phối cứu trợ khẩn cấp - ông Martin Griffiths - nhận định khổ đau và mất mát đang trầm trọng hơn mỗi ngày ở Dải Gaza, trong bối cảnh giao tranh vẫn diễn ra ác liệt xung quanh các bệnh viện ở Khan Younis, đe dọa tính mạng và sức khỏe của hàng nghìn người. Ông Griffiths dẫn số liệu từ cơ quan y tế tại Gaza cho thấy chiến sự đã khiến hơn 26.000 người thiệt mạng, hơn 65.000 người khác bị thương, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, khoảng 60% số nhà ở tại khu vực này đã bị phá hủy hoặc hư hại, trong khi 75% dân số Gaza phải sơ tán. Phó Tổng Thư ký LHQ cũng nêu rõ UNRWA cần phải tiếp tục hoạt động để cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho khoảng 3/4 cư dân ở Gaza.

Ông Griffiths một lần nữa kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong đó có trách nhiệm bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, cũng như trả tự do ngay lập tức cho tất cả con tin. Phó Tổng Thư ký LHQ hối thúc HĐBA làm tất cả những gì có thể trong quyền hạn của mình để chấm dứt thảm kịch hiện nay ở Dải Gaza.

Cần hàng chục tỷ USD và nhiều thập kỷ để phục hồi

Cùng ngày, Hội nghị LHQ về Thương mại và phát triển (UNCTAD) đã công bố báo cáo, đánh giá rằng cuộc xung đột tại Dải Gaza đang gây ra mức độ tàn phá chưa từng có đối với nền kinh tế, vì vậy vùng lãnh thổ này cần hàng chục tỷ USD và nhiều thập kỷ để có thể phục hồi.

Báo cáo của UNCTAD đề cập mức độ ảnh hưởng kinh tế - xã hội của cuộc khủng hoảng, trong đó có xét tới thiệt hại về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thời gian phục hồi và các tác động lâu dài đối với tình trạng nghèo đói và chi tiêu hộ gia đình. Báo cáo ước tính GDP hằng năm của Gaza đã giảm 655 triệu USD trong năm 2023, tương đương 24%. Khoảng 80% dân cư ở vùng lãnh thổ này phải sống dựa vào nguồn viện trợ quốc tế; hơn 60% dân số sống dưới mức nghèo khổ và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 45% trước khi xung đột bùng phát. Người dân Gaza không thể tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch và điện. Bên cạnh đó, phần lớn thiệt hại vì các hoạt động quân sự trước đây của Israel vẫn chưa được khắc phục.

UNCTAD dự báo Dải Gaza cần nhiều thập kỷ để có thể khôi phục điều kiện kinh tế - xã hội về mức trước xung đột và công cuộc này còn phụ thuộc đáng kể vào viện trợ nước ngoài. Báo cáo của UNCTAD hối thúc cộng đồng quốc tế hành động ngay lập tức trước khi quá muộn.

AN BÌNH

Mỹ hướng tới giải pháp thành lập Nhà nước Palestine

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 31-1 tuyên bố Washington đang tích cực theo đuổi mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine độc lập, với những đảm bảo an ninh cho Israel, và tìm kiếm nhiều phương án cùng các đối tác trong khu vực.

Ông Miller tiết lộ đây là mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Ông Miller chia sẻ: "Chúng tôi đang tích cực theo đuổi mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine độc lập, với những đảm bảo an ninh thực sự cho Israel, bởi chúng tôi tin rằng đó là cách tốt nhất để mang lại hòa bình và an ninh lâu dài cho Israel, cho người Palestine và cho khu vực… Có nhiều cách để đạt được mục tiêu đó".

Trước đó cùng ngày, trang Axios đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này tiến hành đánh giá và đưa ra các lựa chọn chính sách về khả năng Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận Nhà nước Palestine sau khi cuộc chiến ở Gaza kết thúc. Trong vài ngày tới, ông Blinken dự kiến sẽ sớm thực hiện chuyến công du Trung Đông lần thứ 5 kể từ khi nổ ra cuộc xung đột.