Xung quanh chuyện xét nghiệm “truy tìm covid” ở Đà Nẵng
Trong cuộc chiến chống “giặc Covid” ở Đà Nẵng hiện nay, không thể không nói đến một khâu quan trọng trong quá trình phát hiện ca nhiễm là công tác xét nghiệm, mà kết quả cuối cùng là cho biết được mức độ lây nhiễm, để từ đó có biện pháp điều trị, truy vết, khoanh vùng, cách ly.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ kiểm tra khu vực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của CDC Đà Nẵng. |
Nhớ lại giai đoạn bắt đầu khi Covid-19 có những ca nhiễm được phát hiện đầu tiên ở Đà Nẵng, các mẫu xét nghiệm phải gửi vào tận Viện Paster Nha Trang để xét nghiệm, các mẫu đều phải vận chuyển bằng xe ô-tô, không ít trường hợp phải chạy ngay trong đêm, kết quả xét nghiệm thường là đến 2 ngày mới có, nếu phát hiện mẫu dương tính thì cũng chưa được công bố ngay mà phải chờ Bộ Y tế. Không bao lâu sau, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) đã “đủ lông đủ cánh”, tự đảm nhiệm việc xét nghiệm, nhưng vẫn phải gửi vào viện Paster Nha Trang để xác định lại kết quả. Và cuối cùng thì CDC cũng hoàn toàn tự chủ khi được Bộ Y tế công nhận đơn vị xét nghiệm được phép công bố kết quả một cách chính thống.
Đến thời điểm hiện nay, công suất lấy mẫu xét nghiệm mỗi ngày của Đà Nẵng có lúc đã lên tới hơn 11 ngàn mẫu, với thêm nhiều đơn vị được phép xét nghiệm, cũng như sự hỗ trợ của các đơn vị bạn. Có thể khẳng định, Đà Nẵng đã hoàn toàn tự chủ được việc xét nghiệm một cách bài bản và chính xác.
Dưới góc độ kinh tế, để có được kết quả một mẫu xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR, giá thành tính ra cũng trên dưới 2 triệu đồng/mẫu. Tính đến ngày 29-8- 2020, tổng số mẫu xét nghiệm của Đà Nẵng đã là 222.289 mẫu, nếu nhân với con số 2.000.000 đồng/ mẫu thì sẽ biết số tiền để chi cho xét nghiệm là không hề nhỏ, lên tới hàng chục tỷ đồng. Trong khi cũng chưa ai phải bỏ tiền ra để được lấy mẫu cả và Nhà nước cũng chưa có chủ trương xét nghiệm dịch vụ, xét nghiệm theo yêu cầu.
Đã từng có ý kiến là mở rộng cho xét nghiệm đến toàn dân, tuy nhiên phương án này hoàn toàn không khả thi và cũng không thật sự cần thiết. Với số mẫu xét nghiệm trên tổng số dân Đà Nẵng đến thời điểm 29-8 thì đã có trên 20% dân số được xét nghiệm, điều mà hầu như chưa địa phương nào thậm chí là quốc gia nào làm được.
Về phương pháp lấy mẫu xét nghiệm thì cách làm của Đà Nẵng có những điểm khác biệt, đột phá so với nhiều nơi khác, đây là những cách làm góp phần tăng hiệu quả của việc xét nghiệm bằng những cách làm khoa học và giảm chi phí đáng kể. Ngoài các trường hợp xét nghiệm bắt buộc như F1, các trường hợp nghi nhiễm (sốt, ho, khó thở…) y bác sĩ, nhân viên y tế các bệnh viện, người dân trong các khu cách ly v.v... thì thành phố tập trung ưu tiên lấy mẫu vào các nhóm có nguy cơ cao như tất cả những người có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, tiểu thương và người ra vào chợ, người nước ngoài đang cư trú ở Đà Nẵng, các bộ phận trực tiếp phục vụ công tác phòng chống dịch, các trung tâm hành chính từ thành phố đến quận, huyện, xã phường. Nhờ việc “quăng lưới” đó mà phát hiện các ca dương tính ở tất cả các nhóm đối tượng. Liên quan đến xét nghiệm, cũng cần nói thêm là, ít có địa phương nào như Đà Nẵng, cho xét nghiệm hết nhưng người mắc kẹt lại tại thành phố trước khi họ về lại địa phương, tạo tâm lý an tâm cho họ cũng như cho địa phương mà họ sẽ trở về.
Đà Nẵng cũng là địa phương trong cả nước tiên phong trong việc lấy mẫu xét nghiệm gộp, giảm đáng kể chi phí mà vẫn đảm bảo có kết quả chính xác. Đơn cử, tính đến ngày 29-8-2020 đã có tất cả 30.497 mẫu gộp được lấy, tương đương với 187.602 người, tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ mà vẫn đảm bảo không để lọt ca nhiễm.
Để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT được diễn ra an toàn, gần 14.000 học sinh, cán bộ coi thi và những người phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được lấy mẫu xét nghiệm. Điều đáng nói là, những ai xét nghiệm bắt buộc phải kê khai số thành viên trong gia đình mình, qua đó sẽ biết được độ an toàn của các thành viên mỗi hộ thông qua kết quả xét nghiệm của một thành viên. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi các ca nhiễm trong một gia đình là khá “điển hình” trong thời gian qua, do khi tiếp xúc trong nhà, hầu như không ai đeo khẩu trang, rồi là việc gần gũi, chung đụng... Có thể nói cách làm này ví như “bắn một mũi tên” mà đến được nhiều mục tiêu. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiến hành lấy mẫu mỗi hộ một người đại diện, để có sự đánh giá sát hơn về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố để từ đó có giải pháp “ứng xử” phù hợp và qua đó tự tin thực hiện “mục tiêu kép” một cách an toàn.
“Cuộc chiến” chống “giặc Covid” còn chưa đến hồi kết nhưng đã có những tín hiệu khả quan. Trong thời gian tới, không loại trừ việc phải “sống chung với dịch” nhưng một khi chúng ta tự tin và chủ động với các kịch bản được xây dựng trước để đối phó trong mọi tình huống có thể xảy ra thì Đà Nẵng hoàn toàn có cơ sở để chiến thắng dịch bệnh.
DÂN HÙNG