Báo Công An Đà Nẵng

Xung quanh "cuộc chiến" chống Covid-19

Thứ năm, 16/04/2020 12:52

Nhiều nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đang được ca ngợi như những người hùng khi họ có những cách xử lý đại dịch xuất sắc.

Thế giới hiện đã có gần 2 triệu người mắc Covid-19.

Tại đảo Đài Loan (Trung Quốc), các biện pháp can thiệp sớm đã giúp kiểm soát đại dịch Covid-19 thành công đến nỗi hiện họ đang xuất khẩu hàng triệu khẩu trang để giúp Liên minh Châu Âu (EU) và các nước khác. Đức đã giám sát chương trình xét nghiệm virus quy mô lớn nhất ở Châu Âu, với 350.000 mẫu xét nghiệm mỗi tuần, phát hiện virus đủ sớm để phân lập và điều trị bệnh nhân hiệu quả. Tại New Zealand, nhà lãnh đạo nước này đã sớm hành động để đóng cửa du lịch và áp dụng lệnh phong tỏa kéo dài cả tháng đối với toàn bộ đất nước, hạn chế thương vong do Covid-19 gây ra, vốn cho đến nay chỉ chứng kiến 9 ca tử vong. Trong khi đó, truyền thông quốc tế hết lời ca ngợi những phản ứng nhanh chóng và kịp thời của chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.

Hành động sớm, quyết đoán

Đài Loan có gần 24 triệu người - với dân số gần bằng Australia, và rất dễ bị tổn thương trước một dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục. Nhưng khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nghe tin về một loại virus bí ẩn mới lây nhiễm cho công dân Vũ Hán vào tháng 12-2019, bà đã ngay lập tức ra lệnh kiểm soát tất cả các máy bay đến từ Vũ Hán. Các biện pháp can thiệp sớm, tích cực của Đài Loan đã hạn chế sự bùng phát đại dịch. Bộ Ngoại giao Mỹ trích dẫn thành công của Đài Loan để kêu gọi trao quyền quan sát viên trong Hội đồng Y tế Thế giới của WHO cho hòn đảo này.

Đức, với 83 triệu công dân, đã có hơn 132.000 ca nhiễm nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp. Tỷ lệ tín nhiệm của Thủ tướng Đức Angela Merkel, nhân vật có bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, đã tăng vọt do khả năng xử lý đại dịch của bà. Đức có các giường chăm sóc đặc biệt nhất và chương trình xét nghiệm virus quy mô lớn nhất ở Châu Âu. New Zealand là một quốc đảo có gần 5 triệu người, chủ yếu dựa vào du lịch. Nhưng Thủ tướng Jacinda Ardern đã đóng cửa biên giới vào ngày 19-3 và tuyên bố phong tỏa 4 tuần vào ngày 23-3, yêu cầu tất cả những người lao động không cần thiết phải ở nhà trừ khi đi mua sắm thực phẩm hoặc tập thể dục gần đó. Nước này đã thử nghiệm rộng rãi và ghi nhận hơn 1.300 ca mắc bệnh, nhưng chỉ có 9 trường hợp tử vong. New Zealand chỉ mới đi được nửa chặng đường và Thủ tướng Ardern tuyên bố sẽ không kết thúc sớm.

Ấn tượng Việt Nam

"Cuộc chiến" phòng chống dịch bệnh của Việt Nam cũng được truyền thông thế giới hết lời ca ngợi và xem chúng ta như một "hình mẫu". Thành công này tất nhiên là kết quả từ những phản ứng nhanh chóng và kịp thời của chính phủ.

Trên tờ Kompas của Indonesia, tác giả giật tít đề "Những gì mà Việt Nam đã làm để ứng phó với Covid-19 thật đáng ngưỡng mộ”, trong đó ca ngợi Việt Nam đang ở tuyến đầu trong khối các nước ASEAN về đẩy lùi dịch bệnh. Tác giả bài viết rất ấn tượng khi tỷ lệ chữa khỏi bệnh tại Việt Nam là rất cao, trong khi chưa ghi nhận ca tử vong. Trong khi đó, tờ Financial Times của Anh cũng ấn tượng với con số chữa khỏi rất cao của Việt Nam và cả việc chưa ghi nhận trường hợp tử vong.  Theo FT, vai trò lãnh đạo quyết đoán đã đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu trong việc ngăn chặn Covid-19. Ngay cả tờ Deutsche Welle của Đức và IObs của Pháp đánh giá thành công của Việt Nam là kết quả của 4 biện pháp từ kiểm dịch, giám sát, tuyên chiến với dịch bệnh và tuân thủ các nguyên tắc.

Tại Nga, giới truyền thông cũng cho rằng, Việt Nam chính là hình mẫu trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh khi đã kiểm soát tốt đại dịch. Theo họ, đây là kết quả từ những phản ứng nhanh chóng của chính phủ.

Ai bị chỉ trích?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng xứng đáng nhận được lời khen ngợi vì đã làm phẳng đường cong ca nhiễm ở nước này thông qua việc xét nghiệm rộng rãi. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng từng là tâm dịch nguy hiểm ở Châu Á với những ổ dịch nguy hiểm trước khi chính phủ nước này có quyết định đúng hướng.

Tâm chỉ trích hiện nay là Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo ban đầu cáo buộc đảng Dân chủ đã chính trị hóa virus là một "trò lừa bịp" và không nhận được nhiều cảnh báo từ các nhà khoa học hàng đầu trong nhiều tháng. Điều đó đã khiến nước này đối mặt tình trạng khẩn cấp hiện tại với hơn 25.000 ca tử vong và nửa triệu ca nhiễm, và vẫn tiếp tục gia tăng mỗi ngày. Tương tự, Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã bác bỏ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh lần này đối với sức khỏe cộng đồng và từ chối đưa ra các hạn chế đi lại cũng như tụ tập xã hội lâu sau khi các nước Châu Âu khác đã phong tỏa. Trước khi nhập viện vì mắc Covid-19 với diễn tiến bệnh nặng, ông Boris Johnson đã nói với các phóng viên rằng, virus sẽ không thể ngăn ông bắt tay với bệnh nhân.

Và virus sẽ không lan rộng khắp thế giới nếu giới chức Vũ Hán, Trung Quốc không cho phép 5 triệu người rời đi trước khi nơi này bị phong tỏa.

KHẢ ANH