Xung quanh thảm họa tàu ngầm KRI Nanggala của Indonesia
Vụ tàu ngầm ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia gặp nạn thảm khốc khiến các cường quốc Châu Á- Thái Bình Dương lo lắng. Sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào vũ khí dưới đại dương đồng nghĩa với các tàu ngầm cần phải chạy yên lặng, sâu và an toàn ở Thái Bình Dương. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc có thể xảy ra nhiều thảm họa tương tự như KRI Nanggala 402.
Bà Sarikem, sống ở thành phố Yogyakarta, mất cháu trai trong vụ tàu ngầm gặp nạn. Ảnh: Reuters |
Chủ tịch nước, Thủ tướng chia buồn vụ tàu ngầm Indonesia gặp nạn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính vào ngày 27-4 gửi điện chia buồn tới tổng thống Indonesia về vụ tai nạn tàu ngầm KRI Nanggala 402 gặp nạn. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, được tin tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Indonesia cùng 53 thành viên gặp nạn trong khi luyện tập ở vùng biển Bali, ngày 27-4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Joko Widodo. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn tới Tổng thống Joko Widodo. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi. TTXVN |
Sau những ngày tìm kiếm, đầu tuần này, các nhà lãnh đạo quân đội Indonesia tuyên bố đã tìm thấy xác tàu ngầm KRI Nanggala 402 ở dưới đáy biển sâu 850m và tất cả 53 thủy thủ và hành khách trên tàu được xác nhận đã thiệt mạng. Các bộ phận của tàu ngầm chìm được tìm thấy ngoài khơi Bali, ở độ sâu 850m, vượt xa độ sâu chịu đựng được của tàu ngầm, KRI Nanggala 402 vốn đã cũ kỹ. Hiện chưa có nguyên nhân khiến tàu ngầm gặp nạn. Truyền thông Indonesia đưa tin quân đội nước này sẽ không vội vàng đưa ra kết luận về nguyên nhân khiến tàu ngầm bị chìm ở độ sâu 850m dưới đáy eo biển Bali.
Báo Tempo của Indonesia dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân nước này, Đô đốc Yudo Margono nói: "Chúng tôi sẽ chờ cuộc điều tra liên quan đến nguyên nhân vụ tàu ngầm bị chìm". Theo Đô đốc Yudo, cuộc điều tra trên chỉ có thể bắt đầu sau khi xác tàu ngầm được trục vớt thành công và được đưa vào đất liền. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng do độ sâu của xác tàu chìm gây rủi ro rất cao cho nhóm tìm kiếm. Tuy nhiên, ông Yudo vẫn khẳng định, tàu KRI Nanggala 402 không bị chìm do lỗi của con người mà do khía cạnh tự nhiên vì thiết bị của tàu ngầm vẫn ở tình trạng nguyên sơ trước khi tham gia cuộc diễn tập phóng ngư lôi và các quy trình chính xác đã được tuân thủ.
Vì vậy, hiện Indonesia đang nỗ lực để nhanh chóng trục vớt tàu ngầm bị chìm.
Theo chuyên gia Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), hải quân Indonesia hy vọng trục vớt tàu ngầm để hỗ trợ điều tra, và xét về kỹ thuật thì việc trục vớt ở độ sâu 850m là khả thi. Tuy nhiên, việc này cần nhân lực và thiết bị chuyên dụng trong trục vớt biển sâu. "Không tàu cứu hộ tàu ngầm nào đã được điều đến hoặc cam kết điều đến hỗ trợ Indonesia có khả năng trục vớt ở độ sâu trên. Do đó, cần tàu trục vớt chuyên dụng với đội ngũ được đào tạo chuyên môn để làm việc này", ông nhận định.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cảm ơn tất cả các nước hỗ trợ tham gia tìm kiếm tàu ngầm Indonesia bị chìm. Nhà lãnh đạo này cũng bày tỏ lời chia buồn với gia đình 53 thủy thủ tử nạn. "Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất về 53 thành viên hải quân trên tàu KRI Nanggala-402 đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở vùng biển phía bắc Bali". Trong bài phát biểu trước quốc dân, Tổng thống cũng cho biết chính phủ sẽ chi trả cho việc học hành của con cái các thuyền viên tử nạn. Người dân Indonesia cũng thương tiếc trước sự ra đi của bạn bè và người thân trên chiếc tàu này. Người thân của các nạn nhân hy vọng thi thể của các thành viên sẽ được tìm thấy và trao trả.
Theo các chuyên gia, hiện tại, rõ ràng Indonesia đang rất thận trọng trong quá trình điều tra vụ việc này. Và theo các chuyên gia, khi cuộc điều tra mở ra, thảm họa KRI Nanggala sẽ vang dội khắp Châu Á. Nhưng một xu hướng có thể đang xuất hiện. Căng thẳng địa chính trị gia tăng, yêu cầu tăng tốc đào tạo và công nghệ mới có thể khiến hải quân một số nước trong khu vực đẩy các khí tài dưới biển cũ của họ đến giới hạn tuyệt đối và hơn thế nữa. Theo chuyên gia của Forbes, nếu không có sự thay đổi, khu vực Châu Á có thể chứng kiến nhiều thảm họa giống như KRI Nanggala.
KHẢ ANH