Báo Công An Đà Nẵng

Xung quanh việc Hà Tĩnh đặc cách học sinh đạt 6.5 IELTS trở lên là Học sinh Giỏi tỉnh

Thứ sáu, 18/12/2020 16:16

Câu hỏi đặt ra là liệu việc Hà Tĩnh công nhận học sinh IELTS 6.5 sẽ đạt học sinh giỏi cấp tỉnh có bất cập và gây mất công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi và tuyển sinh sau này hay không?

Quyết định đặc cách công nhận cho 70 em học sinh lớp 12 là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2020- 2021 vì đã đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên.

Dư luận đang dậy sóng và bàn luận xung quanh việc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh mới đây quyết định đặc cách công nhận cho 70 em học sinh lớp 12 là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh năm học 2020- 2021 vì đã đạt điểm IELTS từ 6.5 trở lên. Bởi, đây có thể là một trong số ít tỉnh đầu tiên có chính sách đặc cách học sinh giỏi cấp tỉnh như vậy. 

Sở GD-ĐT Hà Tĩnh nói gì?

Quyết định đặc cách 70 học sinh giỏi Tiếng Anh lớp 12 năm học 2020 – 2021 bằng điểm thi IELTS do ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh ký. Học sinh có điểm thi IELTS từ 6.5 trở lên được miễn tham dự kỳ thi chọn HSG cấp tỉnh nhưng vẫn được công nhận là HSG. 

Trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết, chủ trương này được Hà Tĩnh thực hiện từ năm 2018. Mục đích là nhằm khuyến khích, đẩy mạnh phong trào dạy và học Tiếng Anh trong các nhà trường, giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh. Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, năm đầu tiên áp dụng chính sách này thì học sinh chỉ cần đạt 7.0 IELTS là đã được công nhận đạt giải Nhất cấp tỉnh, nhưng năm nay, yêu cầu tăng lên mức 8.0 IELTS. Ngoài chứng chỉ IELTS, những học sinh có chứng chỉ TOEFL và một số chứng chỉ khác cũng được chấp nhận. 

Đồng thời, Sở GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi Tiếng Anh cấp tỉnh như bình thường và giữ nguyên cơ cấu giải. “Không phải em nào cũng có điều kiện học chứng chỉ quốc tế, mà chỉ chủ yếu ở thành phố, đô thị, ở các gia đình có điều kiện hơn. Còn ở các trường đại trà thì vẫn tổ chức thi như bình thường”. Ông Quốc Anh cũng thừa nhận, cách làm này chắc chắn sẽ khiến số học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tiếng Anh nhiều hơn so với các môn học khác. So với các địa phương khác, tổng số học sinh giỏi cấp tỉnh của Hà Tĩnh cũng nhiều hơn.  Tuy nhiên, trong giai đoạn khuyến khích việc tăng cường dạy học tiếng Anh thì Hà Tĩnh chấp nhận điều đó. Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cam kết đề thi chọn học sinh giỏi vẫn đảm bảo độ khó tương đương, chứ không hạ cách đánh giá để lấy cho đủ cơ cấu giải.

Theo lãnh đạo của Sở GD-ĐT tỉnh này, thì việc đặc cách này “nhằm mục đích khuyến khích và động viên tinh thần cho các em học sinh có các giải thưởng quốc tế về môn tiếng Anh”. 

Có bất cập hay không?

Ngay sau thông tin này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều người cho rằng, quyết định của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh là hợp lý, thực chất, giảm bớt thi lý thuyết như trước kia, thúc đẩy học sinh phát triển toàn diện cả 4 kỹ năng, cũng như tạo động lực cho các em học IELTS từ sớm.

Tuy nhiên, cũng có nhiều câu hỏi đặt ra là liệu việc Hà Tĩnh công nhận học sinh IELTS 6.5 sẽ đạt học sinh giỏi cấp tỉnh có bất cập và gây mất công bằng trong kỳ thi học sinh giỏi và tuyển sinh sau này hay không? Nhiều người đặc biệt tập trung vào vấn đề mất công bằng khi xét tuyển đại học. Bởi hiện nay, nhiều trường đại học có phương thức xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm với học sinh giỏi cấp tỉnh. Về điều này, ông Quốc Anh cho rằng, đó là quyền tự quyết của các trường đại học.

Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc, cho rằng: "Tôi và hầu hết các giáo viên, học sinh đều không hề đồng tình chủ trương này của Hà Tĩnh. Việc quy đổi điểm IELTS sang Danh hiệu Học sinh Giỏi tỉnh là vô cùng bất bình đẳng trong quan điểm tiếp cận giáo dục. Nếu vội vàng áp dụng, không chừng đột phá sẽ trở thành bất cập".  Theo thầy Hoàng Hải Long, giáo viên luyện thi IELTS nhiều năm tại Trung tâm luyện thi IELTS Panda: "Bản thân là giáo viên luyện thi IELTS một thời gian khá dài, tôi có thể khẳng định rằng cấu trúc và kiến thức của đề thi IELTS khác hẳn với đề thi Học sinh giỏi tỉnh, không thể gộp chung vào như vậy. Không chỉ khác nhau về cấu trúc và kiến thức mà mục đích đánh giá cũng có nhiều sai khác. Học sinh ôn thi IELTS rất vất vả là điều không thể phủ nhận, nhưng không thể vì khuyến khích các em mà khiến các học sinh khác mất cơ hội".

T.H