Báo Công An Đà Nẵng

Xung quanh việc "phá ổ khóa" bảo hộ bản quyền vaccine COVID-19

Thứ hai, 10/05/2021 15:17

Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden bất ngờ đề xuất bỏ bản quyền đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 đã nhận được sự ủng hộ ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ và một số quốc gia đang diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn gây nhiều tranh cãi giữa các bên.

Trong khi các quốc gia giàu tích trữ đủ vaccine cho công dân, nhiều quốc gia nghèo khó đang chật vật tìm nguồn cung và một số nước như Chad, vẫn chưa nhận được liều vaccine nào.  Trong ảnh: Một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện tỉnh Farcha ở N'Djamena, Chad. Ảnh: AP

Hơn 22 triệu người mắc COVID-19, Ấn Độ vẫn là tâm dịch

Ngày 9-5, tổng số ca COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt mức 22 triệu trong bối cảnh gần đây nước này liên tục ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Theo đó, Ấn Độ thông báo ghi nhận thêm 403.738 ca mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát lên là 22.296.414 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp, quốc gia Nam Á này ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới mỗi ngày và hiện vẫn là tâm dịch đáng lo ngại của thế giới. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng lên mức 242.362 sau khi có thêm 4.092 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong 24 giờ qua. Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa áp dụng biện pháp phong tỏa toàn quốc. Một số bang tại Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp giới nghiêm vào ban đêm hoặc phong tỏa một phần.

T.V

Trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang hoành hành và nhu cầu vaccine tăng cao, các nước giàu bị cáo buộc tích trữ vaccine trong khi các nước nghèo đang "vật lộn" trong việc triển khai chương trình tiêm chủng. Kết quả là số ca nhiễm COVID-19 vẫn đang tăng mạnh tại các nước đang phát triển, trong khi Châu Âu và Mỹ đang dần nới lỏng các biện pháp giới hạn.

Dưới áp lực nới lỏng sự bảo hộ đối với các nhà sản xuất vaccine, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai mới đây cho biết, Nhà Trắng ủng hộ bỏ bản quyền đối với vaccine COVID-19. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi tuyên bố trên của Washington là một thời khắc đầy ý nghĩa trong cuộc chiến chống COVID-19, trong khi cơ quan y tế của Liên minh Châu Phi (AU) cũng cho rằng, động thái trên thể hiện tinh thần lãnh đạo của nước Mỹ. Đề xuất trên còn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Paris, Rome và Vienna, cũng như Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala.

WTO cho biết đang cần những bước đi tiếp theo để có được sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Trong động thái lạc quan, Bộ trưởng phụ trách thương mại quốc tế của Canada, bà Mary Ng, cũng cho biết nước này sẽ tham gia các cuộc đàm phán của WTO để xem xét việc từ bỏ các quy tắc được áp dụng trên quy mô toàn cầu nhằm bảo vệ bí mật thương mại đối với vaccine phòng COVID-19. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ sự ủng hộ với ý tưởng bỏ bản quyền vaccine, trong bối cảnh nước này đã phê duyệt vaccine một liều Sputnik Light. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trước đó tỏ ra ngần ngại đối với đề xuất bỏ bản quyền vaccine COVID-19, nhưng hiện cho biết, Brussels sẵn sàng thảo luận đề xuất này.

Trong khi những người ủng hộ đề xuất trên cho rằng, việc từ bỏ bản quyền vaccine sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất các loại vaccine chi phí thấp, giúp các nước nghèo tạo miễn dịch cho người dân, những người phản đối lại cho rằng, điều này sẽ làm mất động lực lợi nhuận của các công ty dược phẩm để phát triển các loại thuốc mới. Đức - quê hương của công ty phát triển vaccine hàng đầu là BioNTech - phản đối lời kêu gọi từ Washington. Một phát ngôn viên của chính phủ nước này cho rằng, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là động lực của sự đổi mới và điều này phải được duy trì trong tương lai. Ngành công nghiệp dược phẩm cũng kiên quyết phản đối ý tưởng từ bỏ bản quyền trí tuệ, điều mà họ cho rằng, sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn và sẽ làm suy yếu sự phát triển của các loại thuốc tiên tiến.

Trước những tranh cãi này, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thông báo, lãnh đạo các nước thành viên EU tạm thời chưa đưa ra quyết định về vấn đề này vì cho rằng còn nhiều việc cấp bách hơn cần phải xem xét. Phát biểu với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh EU tại Porto (Bồ Đào Nha), Chủ tịch von der Leyen đánh giá đây là một chủ đề quan trọng cần được bàn bạc trong dài hạn. Theo bà, Châu Âu cần tập trung vào những vấn đề cấp bách cơ bản hiện nay gồm sản xuất càng nhiều vaccine càng tốt, đảm bảo phân phối một cách công bằng và khách quan. EC, cơ quan điều hành của EU, nhấn mạnh khối này chính là "nhà thuốc" của thế giới.

Tính đến ngày 8-5, khoảng 400 triệu liều vaccine COVID-19 đã được sản xuất tại các nước EU và 50% (200 triệu liều) đã được xuất khẩu ra 90 quốc gia khác nhau trên thế giới.

KHẢ ANH