Báo Công An Đà Nẵng

Xuyên Hải Vân...

Thứ năm, 01/01/2015 16:48

(Cadn.com.vn) - Ngày cuối năm mưa phùn, gió bấc đầy trời, tôi làm một chuyến Bắc hành, xuyên Hải Vân. Từ cửa kính nhìn ra, xe lao đi như chạy ngược chiều mưa gió và ngược cả chiều dòng thời gian hấp tấp sau gần 12 tháng qua đi. Núi đồi mang mang, mây trời mù mịt, nhưng xe đến gần đoạn đường hầm bỗng dưng mưa gió ngưng tạnh, trời quang đãng. Vài sợi nắng chiều hoe vàng vướng vít cùng sắc hoàng hôn buông chùng cho không gian như có một nỗi buồn mơ hồ nào đó bủa vây.

Nhớ những ngày chia tay đất Huế trên những chuyến xe đò về quê những lúc chưa có hầm Hải Vân, nỗi nhớ thương nhói lên khi những lối quanh con đường dần khuất, hết khúc cua này lại một đỉnh đèo cao mới xuất hiện, để lắng lại “có người lòng như nắng qua đèo” như lời một bài hát của Trịnh Công Sơn. Dẫu sao cũng xin đừng nhé “Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt” (Tạm Biệt -Thu Bồn).

Đi đường hầm nhưng trong tôi cứ mãi hình dung con đường thiên lý Bắc Nam ngày ấy trên đèo. Niềm kiêu hãnh trong tôi khi nhớ về những lần rong ruổi xe máy, theo con đường đưa người lên cùng mây trời non nước để rồi đến “đệ nhất hùng quan” cũng bị bỏ lại chơi vơi một mình. Nhớ câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” tôi đọc chệch lại rằng “Bất đáo Hải Vân phi trai tráng”.

Hầm Hải Vân.

Mỗi lần đi như thế đố ai không nghĩ ngợi cho được khi con đèo suốt 700 năm qua đã chứng kiến bao danh sĩ, trượng phu của đất nước đi qua. Và mỗi người qua đây ai cũng muốn gửi lại hậu thế những điều gan ruột của mình ở nơi đỉnh cao chất ngất đất trời trên con đường tìm kiếm những đỉnh cao khát vọng và sự dấn thân. Đặc biệt tính từ năm 1306, Công chúa Huyền Trân ôm khối tình non nước ra đi để đổi lấy 2 châu Ô, Rí thì khó kể hết, không biết bao nhiêu người đã viết, đã suy nghĩ về Hải Vân thêm những điều mới mẻ về một tình yêu, về một người con gái sang sông: “Sầu lắng biển xanh, tầm mắt vút/Hờn lên mây trắng nắm tay vung...” (không rõ tác giả).

Nhớ câu thơ cuối trong “Vọng hải đài” của Phạm Hầu khi ông cũng từng đến Hải Vân để viết đã neo lại trong tôi những cảm xúc khó tả: “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ không biết xa lòng có những ai...”. Hoài Thanh- Hoài Chân, tác giả của Thi nhân Việt Nam có lời bình thật hay “Vọng hải đài” chính là đài lòng của Phạm Hầu, thi sĩ đứng ở điểm cao đó để thẩm định mọi mây sớm gió chiều qua lại.

Quay lại câu chuyện về Hải Vân, theo Quốc sử quán triều Nguyễn: “phía bắc chân núi kề bãi biển có hang Dơi, có bãi Cháy, tương truyền xưa có sóng thần, thuyền đi qua đây hay bị đắm nên dân gian có câu ca: “Đi bộ thì sợ Hải Vân- đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”.  Năm 1826, vua Minh Mạng cho xây cửa Hải Vân, cửa hướng về phía kinh đô Huế đề 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”; cửa hướng về phía TP Đà Nẵng bây giờ có đề ba chữ “Hải Vân quan” và những hình ảnh này cũng đã được khắc vào Cửu đỉnh ở kinh thành Huế.

Điều không mấy người biết, theo một số sử gia, người cảm khái, nhận chân được giá trị đầu tiên của Hải Vân là Lê Thánh Tôn với bài thất ngôn Hải Vân Hải môn lữ thứ viết vào năm 1471 sau nhiều ngày chinh phạt đất Chiêm trở về ngủ lại trên đỉnh đèo, bậc minh vương không khỏi tự hào thốt lên: Hỗn nhất xa thư cộng bức thiên/Hải Vân hoành giới viết Nam thiên (Nước thống nhất, bánh xe cùng một cỡ, một kiểu chữ, một cương vực. Hải Vân vạch ngang ranh giới xuống trời Nam).

Trước khi chưa có hầm đường bộ Hải Vân, trên hành trình thiên lý Bắc - Nam và ngược lại, du khách phải đi qua 21km đường đèo khúc khuỷu, quanh co đến tận mây trời thì nay đoạn đường này chỉ còn dài 6,28km, loáng vài phút xe đã đi qua nhưng cảm xúc ai từng một lần rong ruổi vượt Hải Vân thì chắc chắn cảm xúc lòng mình sẽ lội ngược cả dòng thời gian...

                 30-12-2014

 Tạp bút: Võ Văn Trường