Báo Công An Đà Nẵng

Y án sơ thẩm, buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường oan sai 1,6 tỷ đồng

Thứ hai, 16/05/2022 10:21
Ông Hoạnh (giữa) và người thân trước phiên xử phúc thẩm.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường cho những người đồng thừa kế của ông Phái hơn 1,6 tỷ đồng, bao gồm thiệt hại tinh thần mà nguyên đơn yêu cầu và các chi phí khác mà các bên liên quan đã thỏa thuận trước đó.

Sau đó, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã có kháng cáo đối với phần giải quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn về yêu cầu bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng thiệt hại về tinh thần. VKSND tỉnh này cho rằng, khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại về tinh thần cho ông Phái phải được tính từ ngày ông này bị bắt, tạm giữ, tạm giam đến ngày chấp hành xong biện pháp ngăn chặn là 403 ngày, tức tính từ ngày 18-12-1981 đến ngày 2-2-1983.

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 27-LTNBTNN thì số tiền ông Phái được bồi thường thiệt hại về tinh thần được xác định là hơn 136 triệu đồng (403 ngày x 5 x 67.727 đồng/ngày). Tuy nhiên, tại biên bản thương lượng ngày 23-9-2020, VKSND tỉnh Khánh Hòa đồng ý bồi thường khoản này với số tiền hơn 222 triệu đồng, bao gồm cả 592 ngày ông Phái không bị giam (từ ngày 11-2-1983 đến 25-9-1984).

Tại tòa sơ thẩm, Viện vẫn giữ nguyên mức bồi thường này. Việc TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử và chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng thiệt hại về tinh thần của nguyên đơn là không đúng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Do đó, VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng thiệt hại về tinh thần của nguyên đơn, chỉ chấp nhận số tiền hơn 222 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Hoạnh kháng cáo vì cho rằng khoảng thời gian bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất quá ít, yêu cầu tính từ ngày 25-9-1984 đến ngày 10-12-1989, tương ứng với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Ông yêu cầu tòa chấp nhận tổng số tiền mà VKSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường là hơn 4,4 tỷ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên giữ nguyên nội dung kháng cáo. Sau khi xét xử, căn cứ hồ sơ vụ án, các tài liệu, chứng cứ được xem xét tại tòa, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa, không chấp nhận kháng cáo của ông Hoạnh; giữ nguyên bản án sơ thẩm; buộc Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng cho nguyên đơn.

Theo hồ sơ, tối 18-10-1981, tại xã Ninh Giang (nay là phường Ninh Giang, thuộc thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) xảy ra vụ chủ tịch UBND xã này bị bắn chết. Hôm sau, Công an tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa) bắt giam ông Huỳnh Chiếm Phái cùng ba người khác để điều tra tội giết người. Sau hơn 13 tháng bị tạm giam, đến ngày 2-2-1983, ông Phái được VKSND tỉnh này ra lệnh tạm tha với lý do “xét thấy bị can tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp”.

Tháng 12-2009, VKSND Khánh Hòa giao cho gia đình ông Phái bản sao quyết định đình chỉ điều tra do VKSND Phú Khánh ban hành ngày 25-9-1984. Quyết định nêu rõ: “Xét thấy không đủ bằng chứng để buộc tội Huỳnh Chiếm Phái phạm tội giết người”.

Khi còn sống, ông Phái liên tục kêu oan, yêu cầu trả lại danh dự nhưng không cơ quan tố tụng nào giải quyết. Sau đó, ông Phái ủy quyền cho con trai là ông Hoạnh gửi đơn yêu cầu bồi thường oan nhưng cũng không cơ quan nào giải quyết. Từ năm 2011-2012, VKSND Tối cao đã có 3 văn bản yêu cầu VKS tỉnh tiến hành các thủ tục để bồi thường cho ông Phái theo quy định nhưng VKS tỉnh không thực hiện. TAND thị xã Ninh Hòa thụ lý vụ kiện đòi bồi thường oan của ông Phái nhưng rồi đình chỉ.

VKSND tỉnh Khánh Hòa cho rằng đã hết thời hiệu giải quyết nên không xin lỗi, bồi thường. Cục Bồi thường nhà nước- Bộ Tư pháp và một số cơ quan trung ương có nhiều công văn đề nghị VKSND Tối cao chỉ đạo VKS tỉnh giải quyết đơn khiếu nại của gia đình ông Phái. Tháng 8-2019, VKSND tỉnh Khánh Hòa mới cải chính, xin lỗi công khai ông Phái khi ông này đã chết gần 4 năm.

Sau đó, ông Hoạnh có đơn yêu cầu VKSND tỉnh phải bồi thường tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng, gồm thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hơn 1,3 tỷ đồng, thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm hơn 1,5 tỷ đồng, thiệt hại tinh thần 9.490 ngày là hơn 1,2 tỷ đồng và các chi phí khác hơn 142 triệu đồng. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Khánh Hòa chỉ đồng ý bồi thường hơn 474 triệu đồng.

Thanh Hoa