Y sĩ mang quân hàm xanh của đồng bào rẻo cao Tây Giang
Y sĩ “chuyên trị”ngộ độc
Nhiều năm qua, người dân xã Gari quen gọi Thiếu tá Hiệp là người thầy thuốc “mát tay”. Anh đã cùng các y sĩ của Trạm y tế xã Gari, huyện Tây Giang (Quảng Nam) cứu sống gần cả trăm con người khi đang ở giữa lằn ranh sinh tử do bị ngộ độc. Như đêm cuối tháng 3-2020, Thiếu tá Hiệp nhận được cuộc gọi của Trạm trưởng Trạm y tế xã Gari nhờ hỗ trợ vì có người bị ngộ độc thực phẩm. Tới nơi, anh thấy khoảng 40 người đang nôn mửa và đau bụng. Đây là những người tham gia đám cưới tại thôn Da Dinh, Thiếu tá Hiệp nhận định có thể có món bị nhiễm khuẩn khiến nhiều người bị ngộ độc cùng một lúc. Lập tức, anh nhanh chóng tổ chức phân loại, đo huyết áp và chỉ số sinh tồn, từ đó, ưu tiên truyền dịch cho những người bị nặng, tránh trường hợp để mất nước, còn người nhẹ chuyển sang dùng nước điện giải oresol.
Y sĩ Hiệp kể: “Cơ số thuốc khi ấy không đủ đáp ứng cho lượng người lớn bị ngộ độc, vì vậy tôi đã áp dụng bài thuốc của thầy giáo khi còn học tại Trường Trung cấp Quân y dạy. Theo đó, tôilấy gạo mang đi vo rồi bỏ lên chảo rang khô, cho nước vào đun sôi, thêm chút muối và đường, chắt lấy nước, để nguội rồi cho những người bị ngộ độc uống”. Cũng với bài học kinh nghiệm này, Thiếu tá Hiệp và các y sĩ Trạm y tế xã Gari đã cứu sống được 41 người bị ngộ độc thực phẩm tại đám cưới ở thôn A Ting vào tháng 6-2021. Cứu người xong, anh cùng y tế địa phương và người dân tổ chức xử lý môi trường để dịch bệnh không lây lan.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài cứu cả gần 100 người bị ngộ độc, Thiếu tá Hiệp còn trực tiếp cứu sống nhiều người ăn phải nấm độc trên miền biên giới rẻo cao. Giữa tháng 12-2023, khi đang trực đơn vị anh nhận được điện thoại từ đồng đội thuộc Đội Vận động quần chúng ở thôn Glao (xã Gari) báo có 3 người dân trong một gia đình Cơ Tu nôn mửa, đau bụng, nhưng gia đình không đưa tới trạm xá. Nhận thấy tình huống nguy cấp, anh yêu cầu các đồng chí đội vận động quần chúng lập tức chở 3 người lên trạm xá, còn mình lấy túi thuốc quân y lên đường ngay. Qua thăm khám, Thiếu tá Hiệp thấy cả 3 người đều trong tình trạng co giật mạnh, có biểu hiện mất nước, nôn sốc, tụt huyết áp nên tổ chức cứu ban đầu theo phương pháp tiêm thuốc trợ tim, truyền dịch tốc độ cao để ổn định huyết áp, giải độc. Cả đêm thức trắng, Thiếu tá Hiệp xử lý mọi biểu hiện xấu về sức khỏe của các bệnh nhân. Sau 4 ngày được hỗ trợ, điều trị, cả 3 người đã qua cơn nguy kịch, huyết áp ổn định, người tỉnh táo.
Tận tâm, hết lòng với công việc
Thiếu tá Hiệp bộc bạch: Việc chữa bệnh, cứu người không chỉ là thấy ốm thì kê thuốc, mà bản thân có những suy nghĩ sâu xa hơn. Thực tế một số bộ phận đồng bào Cơ Tu trên địa bàn xã Gari nhận thức còn hạn chế. Không ít người già, trung niên vẫn còn giữ tư tưởng lạc hậu. Như những vụ việc ngộ độc thực phẩm, ngộ độc nấm, một số người vẫn còn tư tưởng không tiêm thuốc, không truyền dịch mà muốn chữa bằng bài thuốc của người Cơ Tu. “Gặp những tình huống đó, tôi phải nhẫn nại giải thích để cho bà con hiểu và hợp tác để điều trị cho nhanh chóng khỏi bệnh. Niềm trăn trở của tôi là làm thế nào để ngày càng nâng cao dân trí, nhận thức cho người dân chủ động phòng ngừa bệnh tật. Vì vậy, tôi luôn vận động người dân đến trạm y tế mỗi khi ốm đau. Bởi Trạm y tế xã ngày nay đã được đầu tư về cơ sở vật chất, không chỉ là giường bệnh, tủ thuốc mà cả trình độ chuyên môn của người phụ trách. Danh mục thuốc cấp theo khám chữa bảo hiểm y tế cũng phong phú, bởi vậy mà người dân tới đây khám chữa bệnh sẽ được hưởng nhiều quyền lợi. Bên cạnh đó, việc tôn trọng y tế cơ sở cũng là để hai bên phối hợp hiệu quả hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn” - Thiếu tá Hiệp tâm sự.
Nói về Thiếu tá Phạm Văn Hiệp, Trung tá Nguyễn Phúc Trường - Chính trị viên Đồn Biên phòng Ga Ry cho biết: Thiếu tá Hiệp là người tận tâm với công việc và có tinh thần vì nhân dân phục vụ. Như vụ việc cứu chữa cho 3 người dân ở thôn Glao bị ngộ độc nấm là điển hình. Khi biết các nạn nhân đã ăn nấm rừng có màu trắng, đồng chí đã lưu lại hình ảnh, chuyển sang cho các cán bộ địa bàn để tuyên truyền cho bà con biết về loại nấm độc này. Lời nói của người lính quân y có giá trị vì có những việc làm cụ thể, bởi vậy, ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn, Thiếu tá Hiệp cũng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
Trung tá Trường cho biết thêm, bên cạnh tập trung vào công tác chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị, Thiếu tá Hiệp còn có nhiều tham mưu cho chỉ huy đơn vị có những biện pháp phù hợp để đảm bảo sức khỏe và đảm bảo cơ số thuốc, sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu. Anhcũng dành thời gian đọc nhiều tài liệu để có kiến thức tư vấn cho bộ đội có thể phòng ngừa ung thư, tim mạch.Tận tâm với công việc, chu đáo với đồng đội, nên Thiếu tá Hiệp luôn được cấp trên tin tưởng, CBCS trong đơn vị và nhân dân trên tuyến biên giới này tin yêu, kính trọng.
Công Hạnh - T. Trúc