Báo Công An Đà Nẵng

Ý thức của người dân là “chìa khóa” bảo vệ thành quả chống dịch

Thứ sáu, 01/10/2021 10:36

Các bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn Đà Nẵng được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.

Những ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng giảm, nhất là số ca bệnh cộng đồng. Ngày càng nhiều bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số ca tử vong do COVID-19 cũng đã được kiểm soát, nhất là ở những “điểm nóng”. Điều này cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố đã cơ bản khống chế được dịch COVID-19.

Đáng mừng hơn cả, số người được tiêm vaccine phòng COVID-19 ngày càng nhiều. Tính đến sáng 30-9, số liệu công bố trên Cổng Thông tin tiêm chủng COVID-19 cho thấy, cả nước đã thực hiện được hơn 42,3 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch thống nhất quan điểm là chuyển trạng thái từ mục tiêu không có COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thực hiện phòng, chống dịch có hiệu quả, khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã bước đầu nới lỏng một số hoạt động phòng, chống dịch, cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu khôi phục, đường phố tấp nập, người dân ở nhiều nơi được phép tập thể dục ngoài trời, mua đồ ăn chín mang về... Sau ngày 30-9, các địa phương sẽ tiếp tục nới lỏng thêm nữa để sớm đưa cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt về trạng thái bình thường mới. 

Nhưng chính Thủ tướng cũng đúc rút một số bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh việc tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình; tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan. Câu chuyện của Hà Nội đêm trung thu vừa qua là một ví dụ thực tế cho thấy nguy cơ dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong trạng thái bình thường mới thì các biện pháp phòng dịch tại nơi kinh doanh, sản xuất, nơi làm việc như đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách giữa người với người... càng phải tiếp tục được duy trì. Chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không được chủ quan, lơ là, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” ngay cả khi đã thực hiện việc tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Không có một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Có nghĩa là sau tiêm chủng vaccine vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm có thể vẫn mắc bệnh. Vaccine phòng COVID-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus còn giúp làm giảm số trường hợp biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh diễn biến nặng, giảm nguy cơ tử vong. Nhưng tiêm vaccine không đồng nghĩa với hiệu quả bảo vệ tuyệt đối, người dân vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Bài học xương máu từ nhiều nước trên thế giới cũng chính là kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất cho Việt Nam học tập. Singapore đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng liên tục sau khi nới lỏng hạn chế. Trong khi đó, hơn 80% dân số Singapore đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Nước này hiện đã siết một số quy định, bao gồm giới hạn ăn uống bên ngoài theo nhóm tối đa 2 người; nhiều nơi quay lại áp dụng chế độ làm việc từ xa... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia quốc tế cho biết, SARS-CoV-2 sẽ tồn tại và biến đổi giống như virus gây ra đại dịch cúm, sẽ không thể loại bỏ hoặc xóa sổ. Do đó, Việt Nam cũng đã xác định cuộc chiến với COVID-19 còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, thích ứng và có cách làm phù hợp.

Cho đến nay, lực lượng tuyến đầu vẫn đang tiếp tục chống dịch, nỗ lực cứu chữa người bệnh, hạn chế ca tử vong. Các cấp chính quyền cũng nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, mở rộng "vùng xanh". Để cuộc sống người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới thì không nên để sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận người dân làm ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của cả đất nước.

P.V