Yêu cầu các trường thành viên Đại học Đà Nẵng rà soát công tác quản lý tài chính
Theo đó, các trường đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc phải tổ chức rà soát toàn bộ các quy trình thanh toán, hoạt động thu chi tài chính chặt chẽ, đảm bảo chính xác, đúng quy định của nhà nước. Thường xuyên thực hiện việc đối chiếu số dư các tài khoản tiền gửi ngân hàng, kiểm kê quỹ tiền mặt thực tế khớp đúng với sổ sách kế toán. Hạn chế việc giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt, đẩy mạnh giao dịch chuyển khoản qua ngân hàng. Các công nợ tạm ứng, phải thu, phải trả phải được theo dõi chi tiết, chặt chẽ và cuối năm phải có văn bản đối chiếu, xác nhận công nợ của từng đối tượng.
Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng yêu cầu phải kịp thời chi đúng đối tượng và định mức cho sinh viên được hưởng các chế độ chính sách của nhà nước; tập trung thống nhất quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi về đầu mối tại Phòng Kế hoạch- Tài chính của đơn vị để kiểm soát thu, chi theo quy định, tuyệt đối không để thu, chi ngoài sổ sách; rút kinh ngiệm và khắc phục kịp thời những sai sót, tồn tại, kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc nếu có về Đại học Đà Nẵng để xem xét, giải quyết.
Trao đổi với Báo CAND, ông Nguyễn Văn Hân, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kế hoạch - Tài chính Đại học Đà Nẵng cho biết, căn cứ Thông tư số 10 về “Quy chế tổ chức hoạt động của các đại học vùng” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước đây Đại học Đà Nẵng đã ban hành quy chế hoạt động, phân định trách nhiệm, quyền hạn của Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên, trong đó có DUT. Quy chế này có quy định rõ trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản ở các trường.
Cùng như các trường thành viên khác của Đại học Đà Nẵng, DUT được ngân sách nhà nước cấp trực tiếp và tự quản lý toàn bộ hoạt động thu chi theo Luật Ngân sách. Đại học Đà Nẵng thường xuyên có các văn bản chỉ đạo các trường thành viên về công tác, nhiệm vụ trọng tâm trong năm học cũng như yêu cầu tăng cường công tác quản lý tài chính. Trong các cuộc họp, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng nhắc nhở liên tục về vấn đề này.
Hằng năm, Ban Kế hoạch - Tài chính của Đại học Đà Nẵng, trực tiếp là bộ phận kế toán về rà soát để phê duyệt báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của các trường. Theo Quyết định 67 của Bộ Tài chính, thì các trường thành viên hoạt động kiểm tra tài chính. Trường thực hiện hoạt động tự kiểm tra tài chính trước khi trình quyết toán cuối năm. Còn ở Đại học Đà Nẵng thực hiện công tác phê duyệt quyết toán. “Thông tư 137 của Bộ Tài chính quy định, việc phê duyệt quyết toán căn cứ vào hồ sơ sổ sách do đơn vị cung cấp, và đơn vị phải chịu trách nhiệm về sự trung thực, chính xác của các hồ sơ”, ông Nguyễn Văn Hân cho biết thêm.
Hành vi biển thủ ngân quỹ của Lâm Thị Hồng Tâm chủ yếu diễn ra trong thời gian từ năm 2021 đến đầu năm 2023, tuy nhiên không được các tổ chức cơ sở như: Ban Thanh tra nhân dân, Phòng Thanh tra- Pháp chế, Hội đồng trường…phát hiện. Đầu năm 2021, Đại học Đà Nẵng có thực hiện công tác thanh tra theo chuyên đề về lĩnh vực quản lý đào tạo và quản lý tài chính tại DUT đối với chương trình đào tạo chất lượng cao trong thời kỳ 2018-2020 chứ không phải toàn bộ hoạt động tài chính của trường. Quý I/2022, Đại học Đà Nẵng có phê duyệt quyết toán của DUT năm 2021 nhưng không phát hiện thủ quỹ Lâm Thị Hồng Tâm và Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính Hoàng Quang Huy lợi dụng sự tín nhiệm của cựu Hiệu trưởng là ông Đoàn Quang Vinh đã thực hiện các hành vi “rút ruột” số tiền lớn từ ngân quỹ. Còn quyết toán tài chính năm 2022 chưa được thực hiện (theo kế hoạch đến tháng 3/2023 mới thực hiện) nên các sai phạm cũng chưa sớm lộ ra.
Theo lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, việc thanh tra, kiểm tra về bản chất cũng thực hiện căn cứ trên hồ sơ sổ sách của DUT. Khi quyết toán có thực hiện đối chiếu hồ sơ, chứng từ kế toán của trường với biên bản xác nhận số dư của kho bạc, của ngân hàng do DUT cung cấp. Còn các đối tượng dùng thủ thuật, thủ đoạn như thế nào mà qua mặt được việc thanh tra, kiểm tra; liệu có sai phạm, sai sót nào trong quá trình thanh tra, kiểm tra hay không thì Cơ quan điều tra sẽ làm rõ và đưa ra ánh sáng trong thời gian tới. “Chúng tôi chờ kết luận cuối cùng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và mong muốn sự việc sớm được sáng tỏ”, đại diện Đại học Đà Nẵng chia sẻ. Đến nay, Đại học Đà Nẵng đã hỗ trợ cho DUT dưới hình thức cho mượn trên 20 tỷ đồng để trả nợ lương, trả học bổng cho sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết đến sáng 7/3, đã có 84 sinh viên thông tin đã nộp học phí nhưng vẫn còn ghi nợ trên hệ thống quản lý. Đối với các sinh viên đã nộp tiền, kể cả nộp tiền mặt hay nộp vào tài khoản cá nhân của cựu thủ quỹ Lâm Thị Hồng Tâm mà có biên lai, có ghi nhận trên hệ thống, có tin nhắn thể hiện việc chuyển khoản thì được xem như đã nộp cho nhà trường. Còn các trường hợp khẳng định đã nộp tiền nhưng không có chứng từ, Hội đồng nhà trường sẽ tiếp tục xem xét để có hướng giải quyết. Những ngày qua, Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Hiếu đã trực tiếp xuống phòng học để tiếp xúc, ghi nhận thông tin, phản ánh từ sinh viên để chỉ đạo giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.
Từ nguồn tiền của Đại học Đà Nẵng cho mượn, DUT đã thanh toán dứt điểm học bổng còn nợ cho 212 sinh viên khóa 2022-2023 với số tiền 1,1 tỷ đồng; thanh toán học bổng khuyến khích học tập cho 723 sinh viên khác với số tiền hơn 9,1 tỷ đồng. Trường cũng đã thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền trợ cấp cho cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường.
Đến nay DUT đã bổ nhiệm kế toán trưởng, trong 1-2 tuần tới sẽ chi tiền học bổng cho các sinh viên khó khăn thuộc diện chính sách và đang thống kê, chốt học bổng học kỳ I năm học 2022-2023. Tinh thần trách nhiệm và cách thức giải quyết kịp thời, thỏa đáng của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và DUT đối với vụ việc đã giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường yên tâm công tác, học tập.
Theo CAND