“Yêu nước sâu sắc”
(Cadn.com.vn) - Trước mỗi buổi học, các cháu thiếu niên, nhi đồng đều đồng thanh đọc 5 lời Bác Hồ dạy, trong đó, điều đầu tiên là "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào".
Lời dạy đó theo suốt các thiếu niên, cháu nhi đồng trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi trưởng thành, tự nhiên như máu chảy trong người. Có nhiều điều có thể quên nhưng lời dạy ấy chắc chắn ai biết đọc biết viết đều thuộc làu làu. Bởi lẽ, đó vừa là lời dạy của vị cha già dân tộc nhưng cũng là tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi con người Việt Nam, bất kể thuộc dân tộc, tôn giáo nào, bất kể thuộc giai tầng, địa vị nào.
Bởi lẽ đó, khi Bộ Nội vụ đưa “lòng yêu nước sâu sắc” như một tiêu chuẩn về chức danh quản lý các cơ quan quản lý hành chính, nói cách khác, Bộ yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải có “lòng yêu nước sâu sắc” đã khiến cho dư luận ngỡ ngàng. Cụ thể, tại dự thảo nghị định của Chính phủ "Quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước" do Bộ Nội vụ đưa ra để lấy ý kiến góp ý rộng rãi, một trong 3 tiêu chuẩn chung cho các chức danh quản lý là: “Phải có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”.
Trước hết, dư luận ngỡ ngàng vì không hiểu được vì sao phải đưa một điều hiển nhiên để xem xét cán bộ, vì, nếu không yêu nước thì làm sao trở thành một công dân tốt được chứ chưa nói gì đến cán bộ và cao hơn nữa là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nói đơn giản, người nào không yêu nước đã bị loại ngay từ đầu trong xã hội rồi chứ nói gì đến nắm giữ chức vụ trong các cơ quan hành chính.
Thứ nữa, người ta ngỡ ngàng vì khái niệm “yêu nước sâu sắc”. Vì yêu nước là tuyệt đối, trong sáng nhất, chỉ một tí gợn đục cũng đã biến tình cảm đó trở nên vô nghĩa. Yêu nước là yêu nước, chỉ đơn giản thế thôi, hà cớ gì phải gắn gắp vào đó những cái “đuôi” lòng thòng, khó hiểu. Chẳng lẽ, cán bộ lãnh đạo “yêu nước sâu sắc” có nghĩa là họ yêu nước hơn cán bộ bình thường và người dân? Hơn nữa, dư luận nghi ngại đặt vấn đề: Bộ Nội vụ sẽ căn cứ vào đâu để phán xét người này yêu nước sâu sắc, người kia yêu nước không sâu sắc, người này yêu nước sâu sắc nhiều, người kia yêu nước sâu sắc ít...
Tuy rằng, Bộ Nội vụ mới đưa dự thảo ra để lấy ý kiến, có nghĩa là chưa quyết định nên cũng còn cơ hội sửa đổi. Nhưng qua sự việc này, một lần nữa cho thấy sự lúng túng, yếu kém từ lâu của trong công tác đánh giá cán bộ. Không phải ngẫu nhiên khi mới đây Sở Nội vụ TP Đà Nẵng sáng tạo ra cách đánh giá cán bộ khác với cả nước thì lập tức nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận cả nước, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức. Trên thực tế, từ rất lâu rồi, hàng vạn cán bộ công chức cả nước đã phải khổ sở với việc xếp loại, nhận xét, đánh giá cán bộ, nhất là vào dịp sơ kết, tổng kết cuối năm, khi được đề bạt, bổ nhiệm. Bởi lẽ, các biểu mẫu đánh giá do Bộ Nội vụ soạn thảo vừa rối rắm vừa thiếu thực chất. Một trong những lý do quan trọng nhất chính là, họ đã quá nản với cách thức chung, trong đó vẫn còn nặng tư tưởng bình quân chủ nghĩa, người làm ít cũng như người làm nhiều, người giỏi cũng như người yếu, tài năng và cống hiến dễ dàng bị phủ nhận bởi những lá phiếu số nhân danh tập thể...
Rõ ràng, công tác đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần nâng lên một tầm cao mới, một cách thức mới, thực chất và hiệu quả hơn. Đó cũng chính là lý do để Bộ Nội vụ soạn thảo nghị định nói trên. Đáng tiếc rằng, ngay từ lúc ban đầu, Bộ Nội vụ đã đặt vấn đề khiến dư luận thất vọng. Nói cách khác, với tư duy “yêu nước sâu sắc” như thế này thì tình hình khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều.
Nguyễn Lê