Báo Công An Đà Nẵng

Zimbabwe: 1 năm sau khi ông Mugabe bị lật đổ

Thứ hai, 19/11/2018 15:30

Người dân Zimbabwe hy vọng rằng sự sụp đổ của nhà lãnh đạo độc tài lâu năm Robert Mugabe một năm trước đây sẽ mang lại sự thay đổi cho đất nước sau nhiều năm suy giảm kinh tế, tham nhũng và đàn áp. Nhưng 12 tháng qua, Zimbabwe vẫn chìm trong khó khăn.

Cựu Tổng thống Robert Mugabe đi bỏ phiếu bầu cử hồi tháng 7-2018. Ảnh: AFP

Bầu cử trong bạo lực

Ngày 21-11-2017, Tổng thống Mugabe, 93 tuổi từ chức trong một bức thư gửi tới Quốc hội, vốn sắp sửa đưa ông ra luận tội. Vài ngày trước đó, các tướng lĩnh quân đội đã nắm giữ quyền lực sau khi ông sa thải Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, trong bối cảnh ông Mugabe đang định đưa vợ ông, bà Grace, lên làm Tổng thống.

Đám đông những người ủng hộ sự ra đi của ông Mugabe đã xuống đường ở thủ đô Harare khi tin tức lan truyền. Anh và Mỹ cũng hoan nghênh sự ra đi của ông Mugabe. Ông Mnangagwa đã trở về Zimbabwe ngay ngày hôm sau, sau khi rời khỏi Zimbabwe để đến Nam Phi 2 tuần trước đó.

Ông Mnangagwa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vào ngày 24-11, đưa ra nhiều kế hoạch đảo ngược nhiều chính sách trước đây của ông Mugabe và hứa hẹn rằng sẽ tổ chức bầu cử vào năm 2018.

Tháng 2-2018, lãnh đạo đối lập kỳ cựu Morgan Tsvangirai chết vì bệnh ung thư. Phong trào Thay đổi Dân chủ (MDC) đã chọn cựu nhà hoạt động thanh niên Nelson Chamisa làm ứng viên trong cuộc bầu cử ngày 30-7.

Ngày 23-6, một quả bom phát nổ khi ông Mnangagwa rời khỏi bục phát biểu tại một cuộc vận động chiến dịch cho đảng ZANU-PF tại thành trì của phe đối lập ở Bulawayo. Ông may mắn thoát chết nhưng hai vệ sĩ của ông thiệt mạng.

Ngày 30-7, người dân xếp hàng trước các trạm bỏ phiếu. Số cử tri đi bầu được ước tính đạt 75%. Ông Chamisa tuyên bố ông "sẽ chiến thắng vang dội" trong khi ông Mnangagwa cũng khẳng định mình đang dẫn trước.

Ngày 1-8, ủy ban bầu cử thông báo ZANU-PF dễ dàng giành được hầu hết các ghế trong Quốc hội nhưng không công bố kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Phe đối lập cáo buộc gian lận và những người ủng hộ đảng này đã xuống đường. Bạo lực bùng nổ, binh sĩ đã bắn đạn trực tiếp và 6 người đã thiệt mạng.

Ngày 3-8, ủy ban bầu cử tuyên bố ông Mnangagwa là người chiến thắng với 50,8% số phiếu trong khi ông  Chamisa chỉ dành được 44,3%. Chamisa cho rằng kết quả này là "gian lận, bất hợp pháp" và thề sẽ kiện lên tòa án. Ngày 6-8, 27 thành viên MDC xuất hiện tại tòa án với cáo buộc thúc đẩy bạo lực liên quan đến các cuộc biểu tình sau cuộc bầu cử. MDC đã nộp đơn yêu cầu hủy kết quả bầu cử vào ngày 10-8 song bị Tòa án Hiến pháp bác bỏ vì thiếu bằng chứng.

Ông Mnangagwa lên nắm quyền ngày 26-8, kêu gọi đoàn kết và tập trung giải quyết những thách thức kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt. Ông tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra về các vụ giết người trong cuộc bầu cử.

Không tiến triển

1 năm đã trôi qua với lời hứa sẽ thực hiện nhiều cải cách của ông Mnangagwa, nhưng xem ra, tình hình vẫn không khác nhiều so với thời ông Mugabe.

Giá tiêu dùng tháng trước tăng vọt với tốc độ nhanh nhất kể từ khi nạn lạm phát bùng nổ một thập kỷ trước. Lạm phát hàng năm hiện ở mức 20,9%, nhưng nhiều người Zimbabwe cho rằng tỷ lệ thực tế là cao hơn nhiều. Tiền mặt vẫn rất khan hiếm. Người gửi tiền buộc phải xếp hàng bên ngoài các ngân hàng để được rút tiền với một mức giới hạn.

Zimbabwe phải xóa nợ trước khi có thể có thêm các khoản vay cần thiết để tái xây dựng đất nước. Với tổng số nợ là 16,9 tỷ USD, Harare sẽ phải trả khoản nợ gần 2 tỷ USD với Ngân hàng Phát triển Châu Phi và Ngân hàng Thế giới vào tháng 10-2019. Tuy nhiên, nếu nước này vẫn tiếp tục chịu đựng các lệnh trừng phạt của Mỹ, vẫn khó khăn do thiếu cải cách, thì khả năng nhận được thêm các khoản vay mới khó thành hiện thực.

Tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày như bánh mì, thịt gà, dầu ăn và xăng đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi chính phủ của ông Mugabe sụp đổ. Zimbabwe hiện đang thiếu ngoại tệ để mua hàng hóa nhập khẩu. Từng hàng dài người dân đợi bên ngoài trạm xăng và cửa hàng trống trơn hàng hóa là cảnh thường xuyên được nhìn thấy, trong khi nguồn cung cấp thuốc men cũng trở nên khan hiếm và đắt đỏ.

Về mặt chính trị, ông Mnangagwa hứa hẹn sẽ tạo ra một Zimbabwe tự do và cởi mở sau nhiều năm chịu cảnh đàn áp dưới thời ông Mugabe, nhưng các đối thủ chính trị, người biểu tình và các nhà hoạt động vẫn phải đối mặt với một chế độ đàn áp.

Hôm 1-8, lực lượng an ninh đã nổ súng và 6 người thiệt mạng tại Harare trong các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử. Các thành viên đảng MDC thường xuyên bị quấy rối và các nhà phê bình luôn bị chú ý, mặc dù chính phủ phủ nhận việc này.

AN BÌNH (Theo AFP)