Quà "đắng" của "bạn trai" Châu Phi ở Syria

Thứ bảy, 29/12/2018 19:00

Cũng bởi hoàn cảnh hôn nhân trắc trở nên dù đã vào cái tuổi U60 và sống tít trên một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, nhưng bà L.T.H (1962) rất chăm lên mạng xã hội tìm bạn bốn phương. Cũng nhờ mạng xã hội “mai mối” nên bà L.T.H quen được một người đàn ông ngoại quốc. Từ ngày có “bạn trai ngoại quốc” bà H. thấy cuộc sống phấn chấn hẳn lên, đặc biệt khi “bạn trai” ngỏ ý “tặng” cho hàng chục triệu đô-la Mỹ, bà H. cứ lâng lâng như trên “chín tầng mây”. Tuy nhiên, để nhận được khoản tiền trên, “bạn trai” nhờ bà H. đóng giúp nhiều khoản lệ phí quốc tế nên bà H. phải “cắm” sổ đỏ, vay nợ lãi suất cao để lo chi phí. Thế nhưng, sau khi gửi tổng cộng khoản tiền phí lên đến 2,2 tỷ đồng, bà H. chờ mãi chẳng thấy đô-la đâu mà người “bạn trai ngoại quốc” cũng biệt tích.

Bà L.T.H trình báo vụ việc với cơ quan CA.

Đến khi phát hiện mình bị lừa, giữa tháng 12-2018, bà H. mới đến cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An trình báo. Theo lời bà H., qua kết bạn trên mạng xã hội, bà quen với một người đàn ông ngoại quốc, giới thiệu là người Châu Phi và đang chiến đấu ở Syria. Mặc dù cách xa tới nửa vòng trái đất nhưng thấy người bạn ngoại quốc quan tâm, chia sẻ nên bà H. bắt đầu xiêu lòng. Suốt 4 tháng trò chuyện với nhau qua mạng xã hội, thông qua tính năng dịch tự động của “thánh biết tuốt” Google, bà H. càng “say” người bạn trai Châu Phi đang ở Syria. Khi mối quan hệ càng trở nên thân thiết, bà H. được bạn trai “tâm sự” rằng trong thời gian chiến đấu ở Syria có nhặt được 1 thùng tiền đựng rất nhiều đô-la Mỹ, ước chừng 20 triệu đô-la. Tuy nhiên, nếu chuyển được số tiền này về Mỹ sẽ bị Hải quan tịch thu nên phải chuyển tiền qua một nước thứ 3 ở Châu Á. Qua trò chuyện, người đàn ông này nói rất tin tưởng bà H. nên đặt vấn đề nhờ nhận giúp số tiền này và bà H. sẽ được thưởng hậu hĩnh. Thậm chí, bà H. còn sung sướng khi “bạn trai Châu Phi ở Syria” tính luôn đến chuyện sẽ sang Việt Nam mua nhà, chung sống với bà H.

Tin tưởng vào người bạn ngoại quốc, bà H. cung cấp đầy đủ danh tính, địa chỉ của mình để anh ta gửi thùng tiền 20 triệu đô-la về. Hai ngày sau, bà H. nhận được cuộc điện thoại từ “nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất” thông báo có 1 kiện hàng từ nước ngoài gửi về. Tuy nhiên, để nhận hàng buộc bà H. phải đóng 40 triệu đồng phí vận chuyển vào một tài khoản ngân hàng mà người này cung cấp.

Vui như “mở cờ trong bụng”, bà H. rút toàn bộ tiền tiết kiệm gửi theo số tài khoản được cho và yên tâm ngồi chờ 20 triệu đô-la. 3 ngày sau, bà H. lại nhận thêm một cuộc gọi của “nhân viên an ninh sân bay” cho biết qua kiểm tra, phát hiện thùng hàng gửi về cho bà có chứa 20 triệu đô-la Mỹ. Người này buộc bà H. phải nộp phạt 200 triệu đồng nếu muốn nhận hàng. Qua điện thoại, “nhân viên” này không quên nhắc nhở, số tiền rất lớn nên đề nghị bà H. không cung cấp thông tin này cho bất kỳ ai để tránh bị… cướp.

Thay vì vui mừng khi được nhận tiền thì lần này, bà H. lại lo cuống quýt mang sổ đỏ đi cắm để vay cho  đủ tiền “nộp phạt”. Tiếp sau đó, bà H. liên tục nhận được điện thoại từ “nhân viên sân bay” yêu cầu nộp các khoản phí như phí trông giữ, phí bảo hiểm lên tới hàng trăm triệu đồng. Lần này, bà H. lại mượn sổ đỏ của bố mẹ, vay nặng lãi để gửi với mong muốn nhận 20 triệu đô-la. Đến ngày 20-12, sau khi chuyển tổng cộng 2,2 tỷ đồng, người phụ nữ này mới biết mình bị lừa và trình báo công an.

Vụ việc đang được Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng CSHS CA tỉnh Nghệ An xác minh, làm rõ.

DƯƠNG HÓA