Quyết đi, đừng cân nhắc nữa!

Thứ hai, 16/05/2022 13:44
- Việc gì vậy Hai Nhà giáo?

- Liên quan đến môn Lịch sử là môn tự chọn theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 sẽ triển khai trong năm học tới đây đối với học sinh lớp 10.

- Vấn đề này đã được Quốc hội ra Nghị quyết vào ngày 27-11-2015 rồi mà, môn Lịch sử là môn độc lập trong chương trình và sách giáo khoa mới. Điều đó đã khẳng định rõ, đây là môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ta.

- Rứa đấy mà khi xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ lại đưa môn học này trở thành môn tự chọn đối với HS bậc THPT kể từ năm học tới.

- Bộ GD-ĐT đã lý giải rồi đó: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) Lịch sử là môn bắt buộc; sang bậc THPT (từ lớp 10-12) là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, Lịch Sử nằm trong tổ hợp Khoa học xã hội và là một trong 5 môn tự chọn của 3 nhóm tổ hợp: Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và Công nghệ - Nghệ thuật. Ngoài ra, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12; môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT cũng có giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam…

- Theo Hai, Bộ GD-ĐT hơi chủ quan khi cho rằng ở giai đoạn giáo dục cơ bản HS đều được học Lịch Sử Việt Nam đầy đủ, cơ bản, toàn diện. Phải làm một cuộc điều tra xã hội học toàn diện trong HS ở bậc học Tiểu học, THCS mới biết được các em có “nắm cơ bản, toàn diện về Lịch Sử” nước nhà hay không? Theo Hai, môn Lịch Sử là môn học cơ bản và bắt buộc là điều không có gì phải bàn cãi nữa.

- Theo thiển ý của Bề Tui, cái cần bàn hiện nay là phải đổi mới thật toàn diện phương pháp và chương trình đối với môn học này. Chỉ khi nào đổi mới được phương pháp và chương trình dạy, học sinh sẽ yêu thích môn học này thôi.

Bề Tui