San sẻ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp hậu COVID

Thứ sáu, 27/05/2022 08:44
Sau đại dịch COVID-19, người dân, doanh nghiệp ở Đà Nẵng vẫn rất khó khăn, vì vậy các chính sách hỗ trợ cần triển khai quyết liệt, hiệu quả, mở rộng đối tượng. Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết tại Chương trình Hội đồng nhân dân với cử tri ngày 26-5.
Sau đại dịch hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu kết luận Chương trình.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nói, ngoài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của T.Ư thì Đà Nẵng có 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác. Vấn đề còn lại làm sao để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng và được thụ hưởng các chính sách này. Dù TP đã triển khai tích cực, từ việc miễn giảm giãn nợ, giảm thuế, hỗ trợ tiền điện… cũng gần mấy ngàn tỷ đồng, không phải ít, tuy vậy sau đại dịch cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn hết sức khó khăn. Đặc thù của Đà Nẵng trên 98% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên chính sách với các đối tượng doanh nghiệp này cũng phải quan tâm đặc biệt, phù hợp, chứ không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Hiện TP đang xem xét điều chỉnh Nghị quyết 149 để mở rộng đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng chính sách hỗ trợ về lãi suất.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Thanh Tâm cho biết, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của T.Ư và TP được triển khai kịp thời, phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng, phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, chính sách miễn, giảm thuế phí, lệ phí 4 tháng đầu năm nay đã hỗ trợ 324 tỷ đồng. Về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ đến hết tháng 3-2022 đã thực hiện được 20.203 tỷ đồng với hơn 9.000 khách hàng và giá trị nợ được miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ được 3.815 tỷ với số lãi là 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng chính sách xã hội cho doanh nghiệp vay theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đã giải ngân, cho vay đối với 98 lượt doanh nghiệp với số tiền hơn 45 tỷ đồng; thực hiện 5 đợt giảm giá điện với số tiền 289 tỷ đồng...


Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho biết mốc thời gian sẽ giải tỏa dứt điểm các khu tập thể xuống cấp cấp độ D.

Trả lời quan tâm của cử tri về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, ông Nguyễn Đăng Hoàng- Giám đốc Sở LĐ- TB & XH cho biết, thời gian qua, TP đã hỗ trợ 53.593 người có công, bệnh hiểm nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ với số tiền 29 tỷ đồng. Đối với trường hợp giáo viên, nhân viên trường mầm non tư thục, bảo mẫu, lái xe, đối tượng liên quan ngành du lịch đã hỗ trợ 27.387 đối tượng. Ông Hoàng nói: Thời điểm "ai ở đâu ở đó" thì TP đã tập trung hỗ trợ cho 400.000 các hộ gia đình, trong đó có cả người thuê trọ với số tiền 380 tỷ đồng. Đối với các quận huyện, đối với các hộ kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp, làm muối đã chi được 1.102 hộ hơn 3 tỷ đồng".

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết nói, ngoài các chính sách của T.Ư Đà Nẵng đã ban hành 11 chính sách riêng có, hỗ trợ trực tiếp cho người dân, tổng số tiền gần 1.240 tỷ đồng (hỗ trợ trực tiếp khoảng 6-7 trăm tỷ đồng). Số lượng hộ dân được hỗ trợ thông qua các chính sách liên quan tới đại dịch khoảng 420 ngàn hộ/tổng số 305 ngàn hộ dân toàn TP. Như vậy trung bình có hộ dân được nhận hỗ trợ từ 2-3 chính sách. Ông Triết yêu cầu rà soát lại 1 lần nữa, nếu có đối tượng nào, đặc biệt lao động tự do, chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào thì sẽ hỗ trợ.

Cũng trong chương trình, vấn đề xử lý dứt điểm chung cư, nhà tập thể xuống cấp tiếp tục được cử tri quan tâm, phản ánh. Đây là vấn đề "bức xúc" nhưng để tồn tại kéo dài nhiều năm. Ông Võ Tấn Hà- Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hiện TP đã di dời 8 khu tập thể xuống cấp với 67 hộ dân, hiện còn 17 khu với 105 hộ dân chưa thực hiện giải tỏa, di dời. Trong đó, đáng báo động là các khu tập thể xuống cấp cấp độ D, hiện Sở đang tập trung giải quyết khu số 5 Nguyễn Thái Học và khu 50-52 Lê Lai thuộc quận Hải Châu...

Sau đại dịch hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Dự kiến, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND Q.Hải Châu hoàn thành việc giải tỏa khu số 5 Nguyễn Thái Học trong tháng 6-2022 và đến tháng 8-2022 sẽ hoàn thành giải tỏa khu 50-52 Lê Lai. Chủ tịch UBND Q. Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho biết, khu tập thể số 5 Nguyễn Thái Học còn 2 hộ chưa đồng thuận, quận tiếp tục vận động nhưng nếu người dân không đồng ý, quận sẽ xin ý kiến TP xử lý theo quy định. Còn tại khu tập thể 50-52 Lê Lai, hồ sơ pháp lý ở đây rất phức tạp, nhiều người dân đã sang nhượng, chuyển đổi sở hữu, cơi nới căn hộ.

Chủ tịch HĐND TP Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, riêng vấn đề xử lý khu tập thể xuống cấp đến nay đã có 7 nghị quyết HĐND, 3 thông báo Kết luận của HĐND, 3 thông báo Kết luận của Thường trực HĐND. Tuy vậy, hiện nhiều khu tập thể xuống cấp, đặc biệt các khu cấp độ D, đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân vẫn chưa xử lý dứt điểm. Ông Triết yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm theo đúng mốc thời gian đã cam kết, nhất là các khu cấp độ D. Sau đó, tiếp tục chuyển sang nhóm 14 khu tập thể, nhà chung cư xuống cấp ở mức độ C; rồi tới cấp độ B, dần dần xử lý triệt để chung cư, nhà tập thể xuống cấp để thực hiện tốt chương trình "có nhà ở" trong chủ trương "5 không 3 có" của TP.

Ngoài ra, trong chương trình, cử tri cũng quan tâm và các ngành đã giải trình nhiều nội dung liên quan tới tiến độ đầu tư, chuẩn bị đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; việc di dời các cơ sở sản xuất trong các khu dân cư vào cụm công nghiệp; tiến độ thực hiện Đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn; công tác quản lý hệ thống cây xanh đô thị…

HẢI QUỲNH