Sớm giải "cơn khát" nguồn cung đất san lấp

Thứ sáu, 06/05/2022 14:24
Hiện nay nhiều công trình giao thông, đô thị, khu tái định cư… tại Đà Nẵng đang triển khai cần hàng triệu m3 đất san lấp. Tuy vậy, Đà Nẵng chỉ có 2 mỏ đất, nguồn cung hạn chế khiến các đơn vị thi công phải vận chuyển vật liệu san lấp từ nơi khác đến với chi phí đắt đỏ.
Đất nền san lấp đường vành đai phía Tây 2 được điều phối vận chuyển từ nguồn đất dư dự án đường vành đai phía Tây.
Để có nguồn vật liệu san lấp, nhiều nhà thầu thi công đã phải vận chuyển từ nơi xa tới, chi phí đội lên nhiều lần.

Dự án khu tái định cư (TĐC) phục vụ di dời giải tỏa xây dựng đường vành đai phía Tây đang được triển khai xây dựng tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang cần hơn 100 ngàn m3 đất san nền. Để có nguồn vật liệu san lấp dự án rộng gần 10 ha, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2022, nhà thầu thi công phải vận chuyển đất san lấp từ Quảng Nam ra, chi phí đội lên đáng kể. "Đường vành đai phía Tây làm mấy năm rồi, còn dự án chúng tôi mới thi công từ đầu năm nay, vì thế nguồn đất san lấp dư ra từ đường vành đai phía Tây đã chuyển đi các công trình khác. Chúng tôi không tận dụng được, phải vận chuyển tại 2 mỏ từ trên Đại Lộc xuống, chi phí đắt đỏ"- chỉ huy trưởng công trình khu TĐC của nhà thầu Tổng Công ty 319 chia sẻ. Hiện nay chi phí nhiên liệu tăng cao kéo theo cước vận chuyển tăng, dẫn tới giá tật liệu san lấp tới chân công trình vượt xa so với giá đấu thầu. Đơn cử, mức giá trúng thầu dự án mỗi m3 đất san lấp chỉ từ 38-42 ngàn đồng, trong thực tế hiện nhà thầu dự án này đang phải trả 80-130 ngàn đồng/m3.

Ngoài dự án khu TĐC, khu đô thị thì các tuyến đường giao thông trong quá trình triển khai cũng cần lượng lớn vật liệu san lấp, tuy vậy đều phải vận chuyển từ các mỏ khai thác nơi khác về với chi phí tăng cao. Chẳng hạn như các tuyến đường vành đai phía Tây hoặc đường DH2 từ Hòa Nhơn đi Hòa Sơn. Đường DH2 chiều dài tuyến chính gần 9km, tổng xây lắp hơn 202 tỷ đồng, đã được khởi công từ năm 2018, kế hoạch hoàn thành vào giữa năm 2020. Tuy nhiên, dự án này chậm trễ tiến độ kéo dài, ngoài khó khăn về mặt bằng nhà thầu thi công còn gặp nhiều khó khăn vì giá nguyên vật liệu tăng cao, chi phí đắt đỏ, vượt xa so với hợp đồng. Rõ ràng, việc triển khai đồng loạt nhiều công trình, dự án cùng lúc cộng với chi phí nhiên liệu tăng cao đã đẩy giá vật liệu san lấp phi mã.

Đất nền san lấp đường vành đai phía Tây 2 được điều phối vận chuyển từ nguồn đất dư dự án đường vành đai phía Tây.

Nhu cầu vật liệu san lấp cho các công trình lớn, song các mỏ khai thác đất san lấp ở Đà Nẵng lại đếm trên đầu ngón tay. Toàn TP hiện chỉ còn 2 mỏ còn giấy phép hoạt động, gồm mỏ của Cty TNHH Biên Giới (tại Hòa Ninh, Hòa Sơn, trữ lượng còn lại hơn 61 ngàn khối, thời hạn khai thác đến tháng 8-2022) và mỏ của Cty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng - Miền Trung (tại Hòa Ninh với trữ lượng còn lại hơn 336 ngàn khối, thời hạn khai thác đến tháng 9-2022). Trong khi đó, chỉ tính riêng BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng và BQL đầu tư xây dựng các công trình giao thông, trong năm 2022- 2023 đã cần tổng khối lượng đất san lấp cho các công trình khoảng 1,64 triệu m3.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, để đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp cho các công trình, TP cho phép vận chuyển đất thừa trong các công trình dự án đến các công trình dự án khác có nhu cầu. Chẳng hạn vận chuyển đất đồi dư thừa tại công trình Tuyến vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) làm vật liệu san nền công trình Đường vành đai phía Tây 2; vận chuyển đất thừa trong quá trình san nền giai đoạn 1, 2 và đường số 16, 18 Khu công nghệ cao Đà Nẵng về Khu Tái định cư Tân Ninh mở rộng… TP hiện có 5 dự án được cấp giấy phép khai thác đất, cát san lấp trong đất dự án công trình phục vụ công trình khác, tổng trữ lượng còn lại hơn 1,66 triệu m3. Ngoài ra, hiện Sở TN&MT đã khoanh 3 khu vực khoáng sản đất đồi làm vật liệu san lấp với tổng diện tích 27 ha; cho phép một số mỏ đá có tầng phủ dày được bóc, vận chuyển một phần đất tầng phủ phục vụ các công trình của TP. Đặc biệt, TP đang xem xét cấp phép cho 2 mỏ khai thác đất san lấp với khối lượng khoảng 2 triệu m3, dự kiến sẽ đi vào hoạt động sau 9-12 tháng.

HẢI QUỲNH