Sự cố sụt lún cầu sông Vầu: Khẩn trương làm đường tạm cho người dân lưu thông

Thứ năm, 17/11/2022 15:16
Cầu sông Vầu trên tuyến ĐH1.ĐG nối xã Ba với xã Tư của H. Đông Giang (Quảng Nam) bị sụt lún nghiêm trọng từ đầu tháng 11. Hiện các ngành chức năng địa phương đang khẩn trương làm đường tạm, ngầm tạm để đảm bảo lưu thông. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, địa phương đã rào chắn, chốt chặn không cho qua lại cầu sau khi sự cố xảy ra...
Không có đường đi, người dân đành tháo rào chắn để di chuyển qua cầu.
Trụ cầu bị lún khiến nhịp cầu bị nghiêng về phía thượng lưu.

40 mét “bằng”… 10km (!)

Tuy nhiên, vào mùa mưa nước sông Vầu quá lớn không thể lội bộ nên những ngày qua, người dân đã tự ý tháo một phần rào chắn trên cầu để qua lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, hai bên đầu cầu sông Vầu có hàng chục chiếc xe máy để ở đây mà không có người coi giữ. Hỏi ra mới biết, những xe máy này của người dân để đó nhằm thuận tiện cho việc di chuyển. Cùng với đó, những đoàn người tới tấp trèo lên gác chắn để qua lại hai bên đầu cầu, dù hành vi trên bị cấm. Vừa dẫn con gái từ trường học trở về đi ngang qua cầu, chị N.T.T. (trú thôn Quyết Thắng, xã Ba) cho biết: “Từ sáng nay, mực nước sông Vầu quá lớn, chúng tôi không thể lội bộ qua lại như những ngày trước đó. Không có đường đi, người dân đành bất chấp tháo một phần rào chắn ra để được qua lại. Biết đó là hành động có thể dẫn đến nguy hiểm, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác”. Đang phụ giúp vợ bê những bao chè dây lên xe máy để chở đi giao cho khách hàng, anh N.V.H. (trú xã Tư) cho biết thêm, để thuận tiện cho việc di chuyển đi lại, vợ chồng anh phải để hai chiếc xe máy bên hai đầu cầu. “Cầu gẫy nên các phương tiện bị cấm lưu thông, không còn cách nào khác chúng tôi phải để xe ở đầu cầu cho tiện. Nhưng đấy là đối với những nhà có hai xe máy, còn nhà nào chỉ có một xe máy thì rất khó khăn trong việc di chuyển. Chỉ cách nhau có vài chục mét mà bị ngăn cách như thế này khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn”- anh H. chia sẻ thêm.

Xe máy người dân để hai bên đầu cầu sông Vầu nhằm thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Thôn Quyết Thắng của xã Ba chỉ cách trung tâm chợ và xã bởi cây cầu Vầu. Từ khi cầu gặp sự cố, hơn 2.000 người dân nơi đây bị chia cắt. Họ muốn ra chợ phải di chuyển qua đoạn đường rất khó khăn. Trạm Y tế xã Ba cũng nằm ở thôn Quyết Thắng, bên kia cầu. Những ngày qua, nếu có người đau ốm ở trung tâm xã muốn đến Trạm Y tế phải trèo lên gác chắn của cầu mới đến được; hoặc người đau nặng cần phải chuyển lên tuyến trên phải đi đường vòng. Ngoài ra, toàn bộ các thôn của xã Tư muốn ra bên ngoài, đến trung tâm huyện đều gặp trở ngại. Nếu không đi qua cầu, họ phải đi vòng đường bên dưới xa hơn 10km, lại là đường đất lầy lội, việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 15-11, có việc phải vào trong xã Tư, từ cầu sông Vầu, chúng tôi đành phải ngược lại QL14G đến thôn Phú Son rồi đi vòng vào xã Tư. Con đường mới mở đất đỏ nhão nhoẹt bởi trời mưa và sự lưu thông của những xe tải chở keo. Khó khăn lắm chúng tôi mới di chuyển hết quãng đường hơn 10km nhưng tốn thời gian hơn 30 phút. Khi chúng tôi đến điểm cuối con đường này thì gặp ngay đầu cầu sông Vầu. Như vậy, do cách trở qua cây cầu dài tầm 40 mét nhưng chúng tôi phải di chuyển quãng đường xa hơn 10km.

Không có đường đi, người dân đành tháo rào chắn để di chuyển qua cầu.

Khẩn trương làm đường, ngầm tạm

Trao đổi với phóng viên, ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND H.Đông Giang cho biết, cầu sông Vầu được xây dựng từ năm 1999 do Nông trường Quyết Thắng đầu tư. Do ảnh hưởng đợt mưa lũ giữa tháng 10 vừa qua, nước dâng cao, chảy xiết gây xói lở lòng sông đoạn qua cầu sông Vầu khiến trụ số 2 bị xói lở dưới bệ móng gây ra tình trạng lún về phía thượng lưu, làm hệ dầm của hai nhịp 2 và 3 trượt ra khỏi gối kê, hệ mặt cầu bị võng cục bộ tại nhịp 2 và 3. Hiện nay, trụ số 2 vẫn đang trong tình trạng chuyển vị. Sự cố xảy ra tối 1-11 khiến cầu bị sụt lún, võng làm ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất, khám chữa bệnh của nhân dân 2 xã Ba và Tư.

Sau khi sự cố xảy ra, đoàn công tác của Sở GT-VT tỉnh Quảng Nam chủ trì phối hợp với chính quyền H.Đông Giang kiểm tra thực tế hiện trường, họp bàn phương án giải quyết. Qua đó, đoàn công tác đánh giá, tình trạng hư hỏng của cầu sông Vầu trên không thể khắc phục để đảm bảo nhu cầu vận tải, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngành chức năng đề nghị cần phải xây dựng cầu mới. Chiều dài cầu mới dự kiến khoảng 60m, lớn hơn chiều dài cầu cũ (48m), vì hiện trạng đang thắt hẹp dòng chảy nên phải mở rộng khẩu độ để hạn chế xói lở; chiều rộng khoảng 11m, trong đó 7,5m phần xe chạy. Kinh phí dự kiến khoảng 25 tỷ đồng, trong đó phần cầu khoảng 23 tỷ đồng.

Về giải pháp trước mắt, địa phương xây dựng đường tạm, ngầm tạm qua sông phía hạ lưu cách cầu khoảng 200 m để người dân đi lại tạm thời trong thời gian chờ đầu tư xây dựng cầu mới. Nguồn vốn làm đường tạm, ngầm tạm dự kiến khoảng 700 triệu đồng do H.Đông Giang thực hiện. Cũng theo lãnh đạo H.Đông Giang, đây là công trình mang tính cấp bách (và cũng từ thực tế như đã nêu trên- P.V) nên đơn vị được giao nhiệm vụ đang khẩn trương triển khai phương tiện, tập kết vật liệu để làm ngầm tạm, đường tạm, nhằm sớm đưa công trình vào sử dụng, phá thế cô lập cho hàng ngàn hộ dân. Dự kiến, công trình sẽ cố gắng hoàn thành trong tháng 11 này.

Bão Bình