Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020

Thứ sáu, 17/04/2020 16:26

Ngày 16-4, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Chỉ thị số 36/CT-TWPCTT về Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.

Theo đó, để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các bộ, ngành và địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chuẩn bị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết đánh giá tình hình diễn biến và kết quả công tác phòng chống thiên tai năm 2019, những tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác còn lại trong năm một cách sát thực, hiệu quả. Thời gian tổ chức phù hợp khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Trên cơ sở nhận định của các cơ quan dự báo trong nước và quốc tế, tổng hợp, phân tích, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chính phủ về các tình huống thiên tai lớn, đặc biệt lớn có thể xảy ra, cũng như các kịch bản ứng phó cụ thể, tránh để xảy ra bị động bất ngờ, gây hậu quả lớn dẫn đến thảm họa; đề xuất các giải pháp cần thiết trước mắt và lâu dài nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, theo dõi, giám sát diễn biến và đánh giá tác động của thiên tai đến đời sống, kinh tế - xã hội; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để thông tin được kịp thời, chính xác...

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là công tác kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai theo hướng chuyên trách, đảm bảo tập trung, thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp nâng cao năng lực của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy các cấp, trong đó ưu tiên củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ theo dõi, giám sát, phân tích diễn biến, tác động của thiên tai đến đời sống kinh tế - xã hội tại địa phương, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu đồng thời cung cấp, kết nối trực tuyến với cơ quan phòng chống thiên tai tại trung ương; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai đảm bảo tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; khẩn trương kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, khai thác khoáng sản...

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh hoạt động quỹ phòng chống thiên tai, xây dựng kế hoạch, triển khai thu và sử dụng theo đúng quy định, phát huy hiệu quả quỹ, tạo nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai của địa phương; thực hiện lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế các hoạt động làm gia tăng rủi do thiên tai; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm vùng miền, đảm bảo hiệu quả và bền vững; tổ chức thường trực, trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình thiên tai và thiệt hại, công tác chỉ đạo ứng phó cũng như nhu cầu về nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả tại bộ, ngành, địa phương...

Thắng Trung