Tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo, người cận nghèo

Thứ hai, 09/05/2022 08:18
Tổng ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng hiểm xã hội tự nguyện cho người nghèo, người cận nghèo năm 2020 khoảng 173 tỷ đồng và năm 2021 khoảng 290 tỷ đồng. Năm 2022 mức hỗ trợ này sẽ tăng lên. Thông tin trên được ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) trao đổi với báo chí bên lề Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân - Truyền thông, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, diễn ra sáng 8-5.
Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Phóng viên: Xin ông cho biết tình hình tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình hiện nay?

Ông Dương Văn Hào: Bước vào năm 2022, về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được dịch COVID-19. Tuy nhiên, những tháng đầu năm, dịch cũng còn rất phức tạp. Những tác động đó đã ảnh hưởng đến việc tham gia của người dân, bởi người dân cũng phải có điều kiện kinh tế mới có thể tham gia tốt hơn được. Song, chúng tôi nghĩ rằng, Chính phủ đã có một gói kích thích rất lớn, kinh tế - xã hội sẽ phát triển, đời sống của người dân chắc chắn sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới. Tôi tin tưởng, trong thời gian tới, người dân sẽ tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào sau 3 năm triển khai Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân?

Ông Dương Văn Hào: Sau 3 năm triển khai Tháng vận động, có thể khẳng định đã đạt được kết quả rất tốt. Tất nhiên, việc ra quân cũng chỉ là một trong chuỗi những hoạt động của chúng tôi trong quá trình truyền thông phát triển người tham gia. Lễ ra quân lần này được triển khai hết sức rầm rộ và đồng bộ, từ Trung ương đến các quận, huyện.

Chúng tôi đánh giá đây là hoạt động hết sức hiệu quả. Qua các đợt ra quân, người dân sẽ có điều kiện tiếp cận hơn với các chính sách, có thêm một kênh thông tin mới, từ đó tích cực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Trong Tháng bảo hiểm y tế 1-7 cũng như các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động này, để đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với tất cả người dân.

Phóng viên: Có thể thấy chúng ta đã có nhiều giải pháp để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cũng như bảo hiểm y tế hộ gia đình, song, tỷ lệ dân số chưa tham gia vào lưới an sinh còn khá cao. Điều này đòi hỏi cần có những sự thay đổi như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Dương Văn Hào: Đây là điều chúng tôi hết sức trăn trở. Chính sách của chúng ta thực sự là rất tốt, rất nhiều lợi ích, tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực và tỷ lệ người dân tham gia đã vượt xa yêu cầu của Nghị quyết 28-NQ/TW, nhưng so với tiềm năng, chúng tôi cho rằng, có nhiều vấn đề cần phải nỗ lực hơn trong thời gian tới.

Trong các giải pháp về chính sách, tới đây, khi triển khai sửa Luật Bảo hiểm xã hội sẽ phải có cơ chế để làm sao có chính sách bao phủ rộng hơn, quyền lợi đảm bảo theo yêu cầu của người dân. Ví dụ như hiện nay tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng hai chế độ hưu trí, tử tuất, người dân đang mong muốn nhiều hơn. Sắp tới, các cơ quan thiết kế chính sách cũng đang nghiên cứu để có thể trong sửa luật tới có những bổ sung về cơ chế chính sách.

Thứ hai, về mức hỗ trợ đóng, mức hiện hành là 30% cho người nghèo, 25% cho người cận nghèo, và 10% cho các đối tượng còn lại tính trên chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất ngân sách Nhà nước sẽ tăng mức hỗ trợ cho các nhóm đối tượng này, góp phần tạo “đà”, cũng như giảm bớt chi phí từ túi tiền người dân phải bỏ ra.

Trong tổ chức thực hiện, chúng tôi sẽ triển khai một cách căn cơ, bài bản hơn, huy động mọi phương tiện, tất cả các “binh chủng” cùng vào cuộc. Với nội bộ ngành, chúng tôi sẽ đề xuất ban hành các thủ tục, hồ sơ thuận tiện để người dân ở bất kỳ đâu cũng tham gia được bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, có thể là kê khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội, hay trực tiếp đến cơ quan Bảo hiểm xã hội, các đại lý.

Trong các văn bản của lãnh đạo ngành cũng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương, để ngoài việc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo quy định, các địa phương có điều kiện có thể hỗ trợ thêm để giảm phần đóng của người dân.

Đồng thời, phải giao chỉ tiêu phát triển đến tận cấp xã. Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 546/QĐ-TTg giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 – 2025 cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong Quyết định đã nêu rất rõ các nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là cơ quan Bảo hiểm xã hội, các bộ, ngành liên quan, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Chủ tịch UBND làm Trưởng ban. Khi có Ban Chỉ đạo này, chúng tôi cho rằng sẽ có phân công, phân nhiệm gắn với trách nhiệm của các sở, ngành, cũng như các địa phương trong việc thực hiện các chỉ tiêu đó. Thực hiện được các giải pháp này, tôi nghĩ công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ rất khởi sắc trong năm 2022.

Chu Thanh Vân (thực hiện)