Tạo đột phá trong đổi mới giáo dục - đào tạo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Hội nghị đã xác định quan điểm về phát triển GD-ĐT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Mục tiêu chung tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT. Qua đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Cùng với đó là tập trung giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; đẩy mạnh công tác nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng; tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng GD-ĐT, cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học trong vùng; đầu tư phát triển một số viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ... Phấn đấu đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng GD-ĐT của vùng không ngừng được nâng cao, khoảng cách về chất lượng GD-ĐT giữa các địa phương dần được thu hẹp và tiệm cận mặt bằng chung của cả nước.
Để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ trên, thời gian tới, ngành GD-ĐT tập trung triển khai các giải pháp: Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài, đồng thời phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cũng như chất lượng GD-ĐT về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, ngân sách nhà nước đầu tư cho GD-ĐT và việc triển khai chương trình giáo dục đặc thù. Song song với đó, ngành tập trung nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên…
Cũng theo báo cáo, giai đoạn 2011 - 2022, ngành GD-ĐT thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, các địa phương trong vùng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Các địa phương ban hành nhiều chủ trương, chính sách, nhờ đó chất lượng GD-ĐT của vùng từng bước được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng.Chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác xóa mù chữ, nhất là cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đẩy mạnh. Quy mô, mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đa dạng, phù hợp điều kiện thực tế của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, cơ hội học tập cho người dân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh trong vùng và cả nước. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư tăng cường theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là dịp để Bộ cùng các địa phương thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đồng thời, các địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phát triển giáo dục vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045…
Thanh Thủy