Tháng Tư, nơi đầu nguồn biên giới... (Kỳ cuối: Thương nhau ta cùng về đất Việt...)

Thứ sáu, 29/04/2022 12:51
Vượt qua khoảng cách về địa lý, biên giới lãnh thổ, tình yêu đã đưa những cặp vợ chồng Việt - Lào ở vùng biên giới La Êê đến với nhau, họ sinh con đẻ cái, lập nghiệp trên mảnh đất biên cương. Sau nhiều năm sinh sống, giờ đây, nhờ vào sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương 2 nước, đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), họ chính thức được cầm trên tay quyết định nhập quốc tịch Việt Nam, và tờ giấy đăng ký kết hôn là minh chứng cho những mối tình xuyên biên giới Việt - Lào...
Chị ALăng Vônh hạnh phúc bên con gái và cháu ngoại.
Thiếu tá ALăng XRăng (Đồn Biên phòng La Êê) ân cần thăm hỏi, động viên gia đình Zơ Râm Khuấn và Zơ Râm In Si.

Những mối tình xuyên biên giới

Chuyến công tác lên biên giới lần này của chúng tôi trở nên ý nghĩa hơn khi qua tìm hiểu, được biết, ngoài việc tuần tra, bảo vệ toàn vẹn cương thổ của Tổ quốc; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như chăm lo, phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc…, thì các chiến sỹ BĐBP nơi đây còn có một nhiệm vụ hết sức đặc biệt, đó là nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến đời sống dân sinh của đồng bào. Một trong những chính sách đầy tính nhân văn, góp phần tô đắp thêm tình đoàn kết, gắn bó thủy chung giữa Việt Nam và Lào, đó là đề nghị nhập quốc tịch cho hàng chục cặp chồng người Việt, vợ người Lào và ngược lại…

Cùng chúng tôi đến thôn Đắk Ngol, xã La Êê (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) – nơi chứng kiến “mối lương duyên” của không ít cặp vợ chồng - kết quả của những mối tình xuyên biên giới Việt – Lào, Thiếu tá Zơ Râm Thân, Đội trưởng trinh sát (Đồn Biên phòng La Êê) cho biết: Sinh sống ở vùng giáp ranh, đồng bào dân tộc Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở các xã biên giới của huyện Nam Giang, kể cả Tây Giang vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với bà con ở các cụm bản Đắk Chưng, Kà Lừm của tỉnh Sê Kông (Lào). “Hàng năm, đồng bào hai bên biên giới vẫn tổ chức thăm thân, kết nghĩa và chia sẻ với nhau, cũng từ đây, không ít thanh niên, trai gái của các thôn, bản đã tìm được tình yêu của mình. Vượt qua khoảng cách về địa lý, biên giới lãnh thổ, họ đến với nhau và cùng nhau xây đắp hạnh phúc lứa đôi. Chính mối duyên này khiến cho tình cảm của đồng bào hai bên biên giới nói riêng, hai nước Việt – Lào nói chung càng thêm đậm sâu, thắt chặt”, Thiếu tá Thân nói.

Trong căn nhà sàn đơn sơ, mộc mạc nằm giữa thôn Đắk Ngol, hôm chúng tôi đến chỉ có chị ALăng Vônh (1977) và vợ chồng con gái cùng các cháu ngoại ở nhà, riêng anh Zơ Râm Thích, chồng của chị vắng mặt do đang ở trên rẫy. Nhìn bề ngoài và cách sinh hoạt thường nhật, ít ai biết chị Vônh là người ở bản Đắk Moal, huyện Đac Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Khi được hỏi về câu chuyện tình của mình với chàng trai người Việt, ánh mắt chị thoáng vẻ thẹn thùng nhưng cũng không giấu nổi sự phấn khích…

Năm ấy (năm 1997 – PV), ALăng Vônh, cô gái Lào sống ở bản Đắk Moal vừa tròn 20 tuổi. Chồng chị bây giờ, anh Zơ Râm Thích, chàng trai Cơ Tu ở xã La Êê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng đang tuổi thanh xuân. Hai người quen biết và nảy sinh tình cảm yêu đương sau những lần anh Thích qua bản Đắk Moal thăm người thân. Tình cảm của họ sâu đậm hơn khi mỗi lần nhớ người yêu, anh Thích một mình băng rừng qua bên kia biên giới thăm gặp, bất kể nắng mưa. Nhận thấy tình cảm của anh là chân thật, vài tháng sau, họ chính thức trở thành vợ chồng. Đám cưới xuyên biên giới hồi đó diễn ra đơn giản, nghèo nhưng không thiếu niềm vui, hạnh phúc. Qua thời gian, một ngày nọ, anh Thích quyết định đưa vợ về quê mình là thôn Đắk Ngol, xã La Êê sinh sống. Đến nay, họ đã có 4 người con, 2 con gái lớn sau khi tốt nghiệp lớp 12 đã yên bề gia thất, cô con gái thứ 3 hiện đang học THPT và đứa út đang học lớp 6. Cuộc sống mặc dù chẳng phải khấm khá gì, nhưng với chị Vônh, quyết định lấy chồng và về Việt Nam sinh sống có lẽ là quyết định đúng đắn nhất của chị đến thời điểm này. “Nói là lấy chồng xa nhưng mỗi năm, cứ đến dịp lễ, tết, mình vẫn cùng gia đình về lại bản Đắk Moal thăm người thân. Hồi xưa đi lại khó khăn, phải băng rừng, lội suối, còn bây giờ đường sá thuận tiện hơn rất nhiều nên muốn là có thể về”, chị Vônh nói.

Một mối tình xuyên biên giới khác cũng đã nên duyên vợ chồng tại thôn Đắk Ngol. Đó là tình yêu giữa anh Zơ Râm Khuấn (1991), chàng trai Cơ Tu trú tại thôn Đắk Ngol và vợ là cô gái Zơ Râm In Si (1995), trú bản Đắk Moal, huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Trong một lần qua bản Đắk Moal đi làm, Zơ Râm Khuấn gặp Zơ Râm In Si và cả hai nảy sinh tình cảm. Năm 2018, khi chính thức trở thành vợ chồng, Khuấn đưa vợ về thôn Đắk Ngol sinh sống. Niềm vui của họ được nhân lên gấp bội khi In Si sinh cho Khuấn 2 cậu con trai kháu khỉnh. Và để vun đắp cho tổ ấm của mình, anh Khuấn dự định là sẽ cất một ngôi nhà mới khang trang hơn để cả nhà ổn định cuộc sống.

Chị ALăng Vônh hạnh phúc bên con gái và cháu ngoại.

Hạnh phúc nhân đôi

Cuối năm 2019 là mốc thời gian không thể nào quên đối với chị ALăng Vônh cũng như hơn 20 người phụ nữ Lào theo chồng về sống dọc biên giới của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đó là họ được chính quyền địa phương công bố và trao quyết định nhập quốc tịch của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Đó cũng là khoảnh khắc mà đến giờ chị Vônh vẫn còn nhớ như in. Với riêng chị, sau nhiều năm chờ đợi, đến nay, chị chính thức “có tên, có tuổi” trong hộ khẩu gia đình, chính thức được sum vầy bên bếp lửa nhà sàn, dưới mái nhà Gươl trong niềm vui chung của cộng đồng.

Thượng tá Lê Huy Bảy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng La Êê cho biết: Trong hàng chục trường hợp người Lào nhập quốc tịch Việt Nam thời gian qua hầu hết là phụ nữ theo chồng. Không ít người đã định cư tại xã La Êê nói riêng, huyện vùng cao Nam Giang và Tây Giang nói chung cả chục năm nhưng chưa được công nhận là người Việt. “Quá trình di cư tự do dọc tuyến biên giới Việt - Lào những năm trước đã gây nhiều khó khăn trong việc quản lý hộ tịch, hộ khẩu. Những gia đình có cha người Việt, mẹ người Lào hoặc cha người Lào, mẹ người Việt đều bị thiệt thòi về các khoản trợ cấp chính sách xã hội của nhà nước Việt Nam dành cho đồng bào miền núi. Vợ chồng cưới nhau không có giấy hôn thú nên khi sinh con cũng không làm được giấy khai sinh, không thể làm thủ tục nhập học cho con...”, Thượng tá Bảy bày tỏ. Đồng thời nhìn nhận, sau khi họ được nhập quốc tịch, mọi chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến đồng bào thì họ đều được hưởng như người bản địa. “Việc làm này là hết sức nhân văn, cao cả, là thêm một lần khẳng định, minh chứng cho tình hữu nghị, gắn bó thủy chung đã được vun đắp qua nhiều thế hệ người Việt và Lào anh em”, Thượng tá Bảy khẳng định. “Thủy chung, son sắt, đó là tình cảm rất đáng trân quý của đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng, Giẻ Triêng… dọc tuyến biên giới huyện Nam Giang. Dù là chồng hay vợ là người Lào nhưng khi về sống bên mái biên giới Việt Nam, họ luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; xây dựng bản làng văn minh”, Thượng Bảy chia sẻ.

Chia tay CBCS BĐBP, các thôn, bản vùng cao Nam Giang, chúng tôi trở về và mang theo những tình cảm tốt đẹp, chân tình nơi đây đã dành tặng. Để lại sau lưng mình những cung đường, những ruộng lúa, nương ngô, những nếp nhà ẩn mình trong sương sớm, chúng tôi cảm nhận rõ hơn vùng đất miền biên viễn này đang bừng lên sức sống mới. Sức sống ấy không chỉ nhờ vào bàn tay, khối óc và sự tận tâm của những “người lính Cụ Hồ”, không chỉ có khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mỗi người dân mà còn có cả tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, ẩn chứa trong tình yêu đất nước…

Ký sự: DOÃN HÙNG