Thấp thỏm bên bờ sông lở

Thứ sáu, 15/02/2019 14:49

Lấy cớ khu vực ven sông là đất hoang hóa, không canh tác được, nhiều đơn vị được cấp phép khai thác cát sỏi vô tội vạ khu vực ven sông và cho rằng việc làm này không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tuy nhiên đây chỉ là “chiêu bài” qua mắt dư luận còn trên thực tế “miếng cơm, manh áo” của người nông dân xứ Quảng vẫn đang bị gặm nhấm mỗi ngày.

Dù được cấp phép đầy đủ, đúng quy trình... nhưng đa phần các mỏ cát đều ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân. 

Những năm qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã cân nhắc rất kỹ lưỡng đối với việc cấp phép khai thác cát sỏi. Hàng chục giấy phép khai thác cát sỏi lòng sông Vu Gia - Thu Bồn qua địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn... được cấp nhằm giải quyết nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định cho địa phương. Mặc dù vậy, một số nơi vẫn chưa tạo được sự đồng thuận từ phía người dân và liên tục tạo ra các điểm nóng về môi trường. Những cuộc đối thoại, đơn thư khiếu nại, thậm chí là ẩu đả giữa người dân và đơn vị khai thác cát liên tục diễn ra.

Thời điểm ra Tết, đi dọc những ngôi làng ven sông từ Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên không khó để nhận thấy rằng diện tích các bãi bồi trồng trọt xưa kia đã giảm đi đáng kể. Cuối năm 2018, chúng tôi có chuyến thực tế tại một số mỏ cát khu vực sông Thu Bồn thì được các chủ mỏ cát cho biết họ đều được cấp phép khai thác và làm đúng quy trình đánh giá tác động môi trường hằng năm. Các chủ mỏ còn khẳng định, khu vực khai thác không làm ảnh hưởng đến trồng trọt, sinh kế của người dân và đều cách xa nhà dân từ 800-1.000m. Tuy nhiên, thời điểm sau Tết, khi bước vào mùa trồng trọt của nông dân thì chúng tôi lại ghi nhận một thực tế khác. Hầu hết các khu vực được cấp phép khai thác đều có nông dân canh tác. Thậm chí có những hộ còn trồng đậu, ngô sát mé bờ sông mặc cho chỉ cách đó vài mét là thuyền bè hút cát.

Bà H. (một nông dân xã Duy Hòa, H. Duy Xuyên) cho biết, đất bãi bồi được xem là nhiều phù sa, nhiều chất dinh dưỡng nên không có chuyện hoang hóa, bỏ không. “Nông dân xem đất như cơ nghiệp thì làm gì có chuyện bỏ không. Vào mùa mưa lũ thì đúng là chúng tôi không canh tác được vì mực nước lên xuống thất thường. Tuy nhiên tháng 1, 2 là thời điểm nông dân trỉa đậu phụng, ngô, đậu đen cho kịp vụ hè. Những năm gần đây khu vực chân cầu Giao Thủy trở thành công trường khai thác cát thì dân chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều lắm. Trước kia mảnh đất của gia đình tôi nằm sát phía trong này nhưng giờ sạt lở dữ quá thành ra nằm ngay mé sông. Tôi đang lo vụ tới không còn đất mà trồng trọt”. Hỏi về chuyện sao không ý kiến vấn đề này lên các cấp chính quyền thì bà H. cho biết không chỉ một mà rất nhiều lần bà và người dân trong thôn làm đơn khiếu nại nhưng rồi lại đâu vào đó. “Tỉnh, huyện về kiểm tra hết rồi, rồi xã thông báo đánh giá tác động môi trường gì đó đều trong phạm vi cho phép nên dân tụi tui biết nói gì nữa đây. Thôi thì còn làm được ngày nào hay ngày đó”, bà H. phân trần.

Không chịu “yên phận” như bà con nông dân xã Duy Hòa, trong năm 2018 vừa qua người dân thôn Đông Yên, xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên đã nhiều lần kéo đến hiện trường 2 mỏ cát của Cty CP An Thịnh và ty TNHH Nhất Tài để yêu cầu dừng hoạt động do gây ra tình trạng sạt lở và bồi lấp hàng chục héc-ta đất sản xuất. Trước tình hình đó, UBND H. Duy Xuyên cũng đã 3 lần tổ chức đối thoại với tập thể người dân. Tại đây, mặc dù ông Nguyễn Công Dũng- Chủ tịch UBND H. Duy Xuyên cho rằng việc sạt lở, bồi lấp đất sản xuất phần lớn là do thời tiết, dòng nước và mong muốn người dân tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác nhưng người dân vẫn kiên quyết không đồng ý vì cho rằng hoạt động hút cát mới chính là nguyên nhân thu hẹp đất trồng. Lãnh đạo địa phương cũng khẳng định 2 Cty khai thác cát tại thôn Đông Yên đều có giấy phép đầy đủ của UBND tỉnh và đều khai thác đúng quy trình cho phép, thế nhưng những cuộc đối thoại vẫn không thể làm an lòng dân và người dân kiên quyết không chấp nhận việc khai thác cát tại đây. Theo ông B. (người dân thôn Đông Yên), hai doanh nghiệp này dùng máy hút cát ống lớn, hút sâu gây lở đất canh tác và đất ở làm mất hơn 30ha đất ven sông ở gò đất Non, gò Ông Út, gò Ông Nhất, gò Ông Nhì. Hoạt động khai thác cát trong năm 2016, 2017 còn gây bồi lấp hơn 35ha đất canh tác của nhân dân tại gò Ông Ba, gò Ông Bốn, gò Bắc Giang, có chỗ cát lấp từ 0,5 - 1m. Nhờ sự “cương quyết” của người dân tình hình khai thác cát tại xã Duy Trinh từ cuối năm 2018 đến nay mới tạm lắng.

Nhìn từ cầu Giao Thủy, người dân đang canh tác ngay sát mé bờ sông nham nhở vì khai thác cát.

Mới đây vào ngày 10- 1, trong 4 ngày liên tiếp, gần 100 người dân thôn Giảng Hòa (xã Đại Thắng, H. Đại Lộc) kéo ra bờ sông Thu Bồn đoạn chảy qua thôn để phản đối Cty TNHH MTV Tư vấn 276 khai thác cát.  Theo người dân, việc khai thác cát đã diễn ra vài năm nay, mỗi khi thấy thuyền khai thác cát thì dân bơi thuyền nhỏ ra ngăn cản, thậm chí đã từng xảy ra xô xát. Dân bức xúc viết đơn kêu cứu cơ quan chức năng còn Cty thì nhờ có “lá bài” giấy phép khai thác vẫn ngang nhiên cho máy hút đến bất kể sự phản đối của người dân.

Trước thực tế ghi nhận được, có thể khẳng định trong các giấy phép cấp cho hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông đều có nội dung tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật bảo vệ môi trường, theo quy hoạch được duyệt... nhưng vì sao một số nơi trong tỉnh vẫn còn xảy ra xung đột giữa người dân địa phương và doanh nghiệp? Và tại sao đã có đánh giá tác động môi trường nhưng cuộc sống, sinh kế của người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề? Thiết nghĩ đây là vấn đề mà các ngành chức năng, lãnh đạo địa phương cần phải xem xét lại để việc khai thác cát sỏi dù phục vụ cho sự phát triển kinh tế của địa phương nhưng cũng phải làm yên lòng cuộc sống của người dân là điều thiết yếu.

Đồng Dao