Thế giới lặng lẽ của người trầm cảm

Thứ ba, 31/08/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Theo nhận định của những nhà chuyên môn trên thế giới, nền văn minh xã hội công nghiệp làm cho bệnh trầm cảm (Stress) ngày càng gia tăng. Bệnh trầm cảm có 2 loại: bệnh trầm cảm do nội sinh và trầm cảm do yếu tố ngoại cảnh. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến bệnh trầm cảm yếu tố ngoại cảnh vì trầm cảm do nội sinh vẫn chưa được giới y học xác định.

Theo thống kê năm 2009, tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm ngoại sinh trên thế giới vào khoảng 4%, tức có khoảng 250 triệu người mắc bệnh này. Ở Việt Nam, tỷ lệ này cũng lên đến 2-5%, trong đó tỉ lệ nữ mắc bệnh gấp đôi nam. Tháng 4-2009, Trường Đại học Ngoại Ngữ Đà Nẵng bàng hoàng trước cái chết đột ngột của sinh viên năm 3 khoa Ngữ văn Anh-Lê Thị H. (quê Nghệ An). Nhiều người muốn coi đó là một vụ tai nạn giao thông để giảm buồn đau cho người thân, nhưng bạn bè em đều biết rằng đó là hậu quả xấu nhất của căn bệnh trầm cảm kéo dài.

Trong 2 năm học tại Trường ĐHNN Đà Nẵng, H. đề ra mục tiêu là phải luôn đạt được kết quả học tập cao nhất lớp. Áp lực của việc học đè nặng lên cô đã dẫn đến kết quả học tập không đạt được như mong đợi. Cuối học kỳ I năm 3 tình trạng sức khỏe của H. không ổn định kéo dài, sống co mình như một con ốc, cô nhập viện và được xác định là bị trầm cảm nặng. Giáo viên trong trường cho biết, hiện tượng trầm cảm ở sinh viên không hiếm nhưng nhiều người không ý thức được căn bệnh, nên khi phát hiện bệnh không có biện pháp kịp thời và nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra mà H. là một trường hợp đáng tiếc.

 Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nơi chữa trị khỏi bệnh trầm cảm cho nhiều người.

Theo bác sĩ Lâm Tú Trung-Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nguyên nhân gây bệnh trầm cảm thường là kết quả của các yếu tố về sinh học, tâm lý và căng thẳng sau chấn thương hoặc các biến cố xảy ra, chấn thương tâm lý (thất tình, ly dị, thi trượt, mất việc làm, làm ăn thua lỗ, người thân mất, con cái hư hỏng)... dẫn đến mất cân bằng một số hóa chất trong não.

Nguyễn Thị Hồng Nhung, người bị trầm cảm kể: “Thời gian bị trầm cảm, em không muốn ăn uống, giao tiếp với ai, em sống trong lặng lẽ, hành vi của mình như bị người khác điều khiển. Những cú sốc trong quá khứ và tâm lý bi quan hiện tại, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần em. Tuổi thơ đầy nước mắt, đau khổ và căm hận đã chi phối cuộc sống và ám ảnh em”. Hồng Nhung ở với dì- chú từ nhỏ, cũng từ ấy cô phải thường xuyên chứng kiến cảnh dì cô bị chồng đánh đập, có lần chú lấy búa đập vào đầu gối dì gây trọng thương  phải nhập viện. Xót xa nhất là hai đứa em con dì đã vô cảm khi chứng kiến nhiều lần cảnh hành hạ đó. Khi thi ĐH, Nhung không đỗ vào trường mong muốn (ĐH kinh tế Đà Nẵng) nên mức độ của bệnh càng tăng lên.

Nhung nhớ lại: “Bố mẹ luôn cử người trông em vì cứ nhìn thấy ô-tô là em muốn lao đầu vào”. Sau một năm du học tự túc tại Trung Quốc, Nhung vui vẻ và tự tin hơn, cô cho rằng bệnh của mình là tổng hợp của nhiều nguyên nhân: những cú sốc, nỗi đau bị dồn nén, tâm lý bi quan và những áp lực từ nhiều phía. Thế nhưng, không phải ai mang trong người căn bệnh này cũng tìm đến bác sĩ để chữa trị đúng cách, nhiều bệnh nhân không nhận thức căn bệnh của mình.

Khi không điều khiển hành vi, nhiều bệnh nhân nghĩ rằng mình bị điều khiển bởi một lực lượng siêu hình nào đó, có người cho rằng bị “người cõi âm theo”... Vì những suy nghĩ như vậy nên họ thường tìm đến thầy cúng để mong cắt đứt quan hệ với “con ma” kia. Nói về chuyện làm lễ tiễn bệnh, Hồng Nhung cười xòa: “Ngày đó em ngớ ngẩn thật, cứ tin thầy cúng tiền mất tật mang mà tâm lý ngày càng hoảng loạn”. Chỉ vì thiếu lập trường vững vàng, nhiều người bị kẻ xấu lợi dụng làm thiệt hại đến sức khỏe, đạo đức thậm chí là mạng sống.

Trầm cảm không phải là căn bệnh vô phương cứu chữa, theo bác sĩ Lê Đình Đại-Trưởng khoa Khám bệnh BV Tâm thần Đà Nẵng cho biết: “Tốt nhất là kết hợp điều trị tâm lý và dùng thuốc. Để có thể điều trị được căn bệnh này trước hết người bệnh phải nhận thức đúng về bệnh. Có phương pháp thư giãn và luyện tập đúng cách”. Khá nhiều bệnh nhân bị trầm cảm được điều trị dứt điểm tại bệnh viện với  phương pháp điều trị hiệu quả và những cử chỉ ân cần, tác động tốt tới tâm lý người bệnh.

Căn bệnh trầm cảm đang dần trở thành bệnh của thời hiện đại, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và đang có nguy cơ ngày càng gia tăng. Để giảm thiểu căn bệnh này, mỗi người trong gia đình cần quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho từng thành viên. Đặc biệt cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn tới con cái, không để các em lạc lõng trong cuộc sống hiện đại nhiều áp lực như hiện nay; cân đối giữa công việc, học tập với cuộc sống. Ngoài ra mỗi chúng ta phải tạo dựng hành trang cho mình, ngoài kiến thức cần có những kỹ năng cần thiết, định hướng mục tiêu để cuộc sống thực sự có ý nghĩa, không rơi vào thế giới của căn bệnh trầm cảm.

Bài, ảnh: Hà Giang