Theo dấu thú hoang (2)

Thứ tư, 17/10/2012 00:00

* Kỳ 2: Càng VIP càng... thích “độc”

(Cadn.com.vn) - Chưa bao giờ “mốt” nhậu thú rừng của tầng lớp “Vip” lại rộ lên ở Nghệ An như hiện nay. Giới nhậu này có nhiều thú chơi quái đản, họ cho rằng nhậu thú rừng càng quý hiếm thì càng cường dương, cường âm và càng khẳng định đẳng cấp. Chưa nói nhận xét ấy đúng hay sai, song chúng tôi chỉ thấy cái “mốt” ấy càng lên cao càng... man rợ.

NHẬU TỪ RỪNG VỀ PHỐ

Trưa, trời nóng như đổ lửa, chúng tôi thâm nhập nhà hàng H.K nằm ở thị trấn Quỳ Hợp. Phía ngoài sân nhà hàng, hơn chục  ô-tô loại bạc tỷ đậu san sát. Trên quầy lễ tân, hàng chục bình rượu bày sẵn, khách thích loại nào, bìm bịp, bào thai hoẵng, dê, khỉ hay thập toàn đại bổ... đều có cả. Dưới bếp, mùi thơm phưng phức bốc lên khiến những cánh mũi sành ăn cứ phập phồng. Nơi đây  các tầng lầu được ngăn cách thành những phòng nhỏ gắn máy điều hòa nhiệt độ. Ở tầng 1 có 10 “VIP”, ông nào ông nấy bụng phệ, mặt đỏ gay đang chén chú, chén anh cười nói rổn rảng. Để phục vụ các vip này, một con mang được nhân viên nhà hàng đem ra, chỉ sau tiếng “phựt”, tiết mang chảy òng ọc ra chậu, con mang chỉ “toác” một tiếng thảm thiết  trước khi bị dội nước sôi cạo lông, xẻ thịt. Khoảng 20 phút sau, món mang hấp đã được đem ra phục vụ thực khách.

Tưởng chúng tôi cũng là "VIP lớn" nên bà chủ nhà hàng đã xăng xái dẫn đi  “tham quan” nơi hành hình thú rừng. Đập vào mắt chúng tôi khi bước ra sau nhà hàng là xác một con cheo rừng vừa bị giết thịt, khoảng  5 con chồn đã bị mổ ruột  nằm phơi trên nền xi-măng.  Thịnh, một “thổ công”  rỉ tai cho biết: “Nhậu đồ rừng  ở đây chủ yếu là các đại gia lắm tiền, bởi một bữa nhậu như vậy hết cả chục triệu đồng là... bình thường... Nhà hàng này thuộc vựa thú rừng lớn nhất miền tây Nghệ An".

 

Thịt thú rừng chuẩn bị lên bàn nhậu ở một nhà hàng ở Quỳ Hợp;... 

 

Xuôi về Yên Thành, những tưởng vựa lúa này chỉ có đặc sản vịt quay và thịt chuột. Vậy mà tại các xã Đồng Thành, Quang Thành, Tây Thành, Thị Trấn cũng có quán ăn thịt thú rừng. Mặc dù quán “linh dược rừng”  đóng ở nơi heo hút nhưng tại đây khách “VIP” vào ăn nườm nượp. H. một VIP ở huyện cho biết: “Đây là đồng bằng, nhưng lợn rừng, tê tê, kì đà, rắn khỉ, cheo, mang có hết. Bây giờ chỉ nhậu thịt thú rừng là lành, không bị nuôi thức ăn tăng trọng và... cám cò. ĐVHD quý hiếm hiện nay đang là mốt trong giới “quý tộc”. Nhậu thú càng quý hiếm càng khẳng định đẳng cấp."Tại TP Vinh “trào lưu” nhậu thịt rừng có vẻ sôi động hơn. Địa  bàn này  có đến hàng chục nhà hàng kinh doanh thịt rừng. Trong đó có 8-10 quán kinh doanh rất quy mô... Nhà hàng N. ở gần Bưu điện tỉnh nổi tiếng thịt thú rừng. Ở đây chủ yếu phục vụ khách “vip” mỗi bữa ăn khoảng hơn 10 triệu đồng/bữa. Giới khách VIP hay nhậu ở đây rỉ tai nhau, nhân viên phục vụ ở nhà hàng này  họ còn biết sở thích của từng “đại gia” thích ăn món đồ rừng gì, không cần hỏi, cứ thế là bưng ra. Khi nào có “hàng” độc quý hiếm mới hỏi.    

Chúng tôi hỏi về các món thịt thú rừng. Một nhân viên nhà hàng nhanh nhảu: “Các anh thích đồ rừng tươi sống làm thịt trực tiếp rắn, kì đà, cheo, mang... có hết".

 

...Con khỉ này chuẩn bị lên bàn nhậu; ...

 

NHỮNG THÚ ĂN MAN RỢ

Với những lời đồn thổi về tác dụng “linh dược” của các loài thú rừng quý hiếm, nên nhiều kẻ lắm tiền đã tìm mua bằng được “linh dược” để tẩm bổ với mong muốn cường dương, cường âm. Và, “đỉnh” nhất là làm, ăn... tươi! Anh Ngọ, đầu bếp một nhà hàng ở thị trấn Con Cuông mới giải nghệ kể: “Mỗi ngày tôi cũng mần ít nhất 3 - 4 con khỉ, còn các loài chồn, cheo, mang , lợn rừng thì bản quán lúc nào cũng sẵn, phục vụ khách vip 24/24”.

 

...2 sọ khỉ chuẩn bị được nấu cháo phục vụ các VIP. 

 

- Tại sao anh giải nghệ?

- Thú thực, làm ở nhà hàng đó được 2 năm, thì đêm nào tôi cũng nằm thấy ác mộng. Những đàn khỉ kéo đến  nhe răng cấu xé, chúng còn trói tôi lại ném đá, lấy dao mổ bụng... Trước đây tôi làm đầu bếp, trực tiếp giết nhiều con khỉ lý do cũng bởi kiếm tiền nuôi con. Bây giờ, cứ nghĩ đến giết khỉ là rùng mình, thấy bất an về mặt tâm lý. Hình ảnh con khỉ bị phạt đầu, người ta múc óc ăn, nó chết từ từ, nước mắt chảy dài 2 hàng cứ ám ảnh mãi. Tôi giải nghệ từ đó”.

Theo Ngọ, thì chiêu múc óc khỉ ăn là của những đại gia lắm tiền. Ở nhà hàng phố núi này không có  bàn khoét lỗ cho đầu khỉ ngó lên rồi dùng “máy hái” phạt đầu như ở một số nơi khác mà trói chân, trói tay để trên bàn rồi dùng dao  phạt trán để lấy óc. “Họ vừa ăn uống  óc khỉ vừa cười nói, trong khi con khỉ máu chảy lênh láng trông thật man rợ”. Ngọ rùng mình nhớ lại.

Sau trò man rợ ăn óc khỉ sống là trò lấy  bào thai khỉ ngâm rượu, lấy “huyết lình” khỉ để pha với rượu uống. Chúng tôi chứng kiến nhiều nhà hàng dọc tuyến QL 7A và QL48  công khai bày bán các loại rượu ngâm nội tạng động vật rừng quý hiếm.

Tại một quán  ở TT Quỳ Hợp, nhân viên nhà hàng còn biểu diễn trực tiếp màn cắt tiết rắn hổ chúa cho 6 khách “VIP”, bằng cách treo ngược con rắn lên lấy dao lam rạch một đường cách cổ 10 cm , móc trái tim còn đập thon thót lên đĩa, xong, dốc ngược đầu rắn cho tiết chảy vào bình rượu, cho các vip uống. Thao tác làm thịt rắn cũng rất nhanh, chỉ ít phút sau nhân viên nhà hàng đã bê lên đĩa viên rắn hổ chúa chiên giòn thơm phức... Một chủ quán cho biết, con rắn hổ chúa loại 1kg  chế biến rồi, là 8 triệu đồng.  

Bên cạnh loài khỉ, rắn thì gấu là loài vật cũng bị săn lùng ráo riết. Từ những lời đồn về linh dược của tay gấu, mật gấu... mà loài vật này đang bị tàn sát, khai thác không thương tiếc. Người ta khai thác, giết hại gấu bằng nhiều cách thức dã man. Kinh khủng nhất là hình ảnh những con gấu đau đớn quằn quại mỗi khi bị hút mật sống. Không chỉ bị lấy mật, gấu còn bị giết hại để lấy thịt, tay, chân. Một số nơi, thịt gấu và rượu từ mật gấu là những món ăn xa xỉ để đãi khách. Có những đại gia còn đặt  hẳn một bình rượu khổng lồ ngâm nguyên cả con gấu, xung quanh nào là bào thai khỉ, rắn hổ chúa...

Một số người còn mua diều hâu, đại bàng, ác là, móc 2 mắt để ăn với mong muốn tinh anh, mắt sáng. Điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên là các nhà hàng đặc sản thú rừng  ngoài phục vụ tại chỗ còn cung ứng sỉ lẻ cho khách hàng đưa về, làm quà biếu. Hoạt động công khai nhiều năm liền vậy mà vẫn không bị cơ quan chức năng phát hiện xử lý?               

Phóng sự: Lê Hà
(còn nữa)