“Thương quá nục ởi” của Nguyễn Mỹ Nữ

Thứ năm, 17/08/2023 08:25
Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ vừa ra mắt cuốn sách thứ 11 của mình: “Thương quá nục ởi”, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh 2023.  Cuốn sách với ảnh bìa đầy ấn tượng, một con cá nục đang bơi trên biển.  216 trang sách với 50 bài viết về các  món ăn theo phong cách riêng của chị, vô cùng thú vị. Đọc, giống như đi ăn cùng Nguyễn Mỹ Nữ.
“Thương quá nục ởi!” với ảnh bìa rất lạ, đầy ấn tượng.
“Thương quá nục ởi!” với ảnh bìa rất lạ, đầy ấn tượng.

Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ quê Hà Nam, chào đời ở Quảng Ngãi và gắn bó với thành phố biển Quy Nhơn như chị nói từ hồi còn rất nhỏ: “Tôi sinh ra ở Quảng Ngãi, nhà nơi cầu Hàng Bố To với con đường phía trước là những chuyến xe thổ mộ gõ nhịp lóc cóc qua lại mỗi ngày. Phía sau là che mía, thơm lựng mùi mật đường quyến rũ mỗi khi vào mùa. Tôi cùng gia đình vào sống tại đây khi còn rất nhỏ. Tôi ở xóm biển, rồi lên phố, rồi về Thị Nại. Bạn bè và chòm xóm của tôi gần như là người Bình Định chay. Nên hết sức tự nhiên, tôi Bắc chánh gốc khi ở trong nhà, và nẫu rặt ri khi ra ngoài. Tôi là người đầu tiên trong gia đình mình biết ăn các món của người miền Trung. Chắc cũng do cái tật ưa lê la nơi này chỗ nọ, rồi cái tính ham hỏi muốn nghe, và cái miệng lại thích thử ưng nếm. Nhưng trước khi lập gia đình, có vẻ như hết thảy những điều đó chỉ sượt qua tôi, hoặc có lưu giữ lại thì cũng không trọn vị bằng khi được làm dâu Bình Định. Ý nghĩ không có được một tập sách như thế này trong cả một chặng đời viết văn và làm báo của mình, tôi như không phải với má, tôi như thiếu sót với gia đình và họ”.

Tôi gặp chị cách đây khá lâu, vào năm 2010, khi ấy nhà văn Đoàn Thạch Biền tập hợp truyện của anh em miền Trung ra mắt cuốn: “Buffel miền Trung”, tất cả tác giả có bài trong tập sách được mời đến dự buổi ra mắt. Từ đó tôi chú ý đến chị, một nhà văn dẫu gốc Bắc nhưng đầm đẫm tính cách miền Trung, truyện ngắn hay tạp bút, ghi chép… đều tinh tế, giống như chị kể chuyện cho bạn nghe.

Bao nhiêu năm vậy đó, nhiều lần ghé Bình Định cũng không nghĩ ra chuyện gặp nhau để cà-phê, vậy mà Nữ vẫn nhớ địa chỉ nhà để tặng cuốn sách vô cùng dễ thương này. Như nhà văn Lê Trâm nhận định trong một bài viết: “Truyện Nguyễn Mỹ Nữ dùng rất nhiều dấu phẩy để ngắt câu. Đọc, dễ liên tưởng đến thơ Du Tử Lê. Âu cũng là phong cách của văn chị”.

“Thương quá nục ởi” là cảm nhận những món ăn rất dung dị, có mọi nơi, có ở dải đất miền Trung: “Bánh trái ngoài quê của chồng tôi rất phong phú: Bánh in, bánh nổ, bánh tổ, bánh hồng, bánh phu thê… Bánh luôn gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc. Hồi còn sống ngoài đó cỡ rằm tháng Chạp trở lên, đi ngang qua khoảng sân của tất cả những ngôi nhà. Tôi luôn vui sướng khi thấy những hàng táp lô, rẻ quạt đủ sắc màu nằm khoe mình, phơi nắng, trong cái ấm áp của tiết trời cuối năm. Thứ bánh này được làm nhiều để ăn trong dịp Tết không nói gì. Mà qua Giêng để ăn nửa buổi, giấc xế rất phù hợp. Cuốc đất, làm cỏ bờ, trồng trỉa lúi húi dăm ba công chuyện trong nhà, ngoài ruộng. Cỡ đó, bụng đã hơi lõng bõng mà mỗi người có được cái bánh, ai chà, mới hay sao! Trúng uống nước khiến bột nở hung, nên căng ruột là cái chắc mà ngon miệng làm sao. Nhớ hồi đi dạy ở Hoài Châu, quà Tết của các em học sinh bên cạnh mấy lon nếp, đậu, ký đường muỗng... ít khi thiếu rẻ quạt và táp lô. Tôi đem về phố biếu lại mấy người quen. Những thứ bánh rất lạ xa với dân thị thành... tôi như thiếu sót với gia đình và họ hàng phía chồng tôi...".

Chị viết những chuyện ta trải qua hàng ngày, viết vô cùng duyên: Xèo xèo… xèo vỏ; Chè kho ăn miết vẫn thèm; Canh hến xứ Hoài; Gỏi giải cảm; Cảm ơn những tô canh dưa hường; Nóng trời thèm chén xu xoa.

Ừ, chỉ với 50 món ăn, Mỹ Nữ đã lê la khắp chốn (như chị nói).

Khuê Việt Trường