Tổng rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai

Thứ năm, 27/10/2022 10:26
Ngày 26-10, Công an TP Đà Nẵng  tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão số 5, mưa lớn, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn TP dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP. Cùng dự có tập thể Ban Giám đốc và lãnh đạo Công an các đơn vị, 7 quận, huyện và 65 xã, phường trên địa bàn.
Công an quận Thanh Khê đưa người già ra khỏi khu vực ngập nước. Từ thực tế, xuồng cao su nhỏ phù hợp để ứng phó với tình trạng mưa ngập trong đô thị.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên phát biểu tại Hội nghị.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Dũng- Trưởng Phòng Tham mưu, trong đợt vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an TP, 100% Công an các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là công tác tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ di dời người dân trong các khu vực bị ngập sâu đến vị trí an toàn; di dời các phương tiện bị mắc kẹt trên các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt…

Công an TP cũng đã có phương án ứng phó, chủ động tại các khu vực xung yếu, có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề do mưa bão như khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, vịnh Mân Quang, khu vực neo đậu Đồng Nò, sông Cổ Cò, Công an TP đã bố trí lực lượng, phương tiện PCCC, CNCH ứng trực sẵn sàng công tác chữa cháy, CNCH, không để xảy ra cháy lớn, cháy lan gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Công an các quận, huyện, phường, xã chủ động tham mưu chính quyền địa phương rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê, khu vực đồi núi tại huyện Hòa Vang (các xã Hòa Sơn, Hòa Bắc, Hòa Phú,...), Bán đảo Sơn Trà, khu vực Nam Hải Vân,... sẵn sàng triển khai sơ tán nhân dân, tài sản đến nơi an toàn, đảm bảo ANTT tại khu vực sơ tán đi và đến.

Qua đó, các lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Cảnh sát Cơ động, Công an các phường, xã đã triển khai tối đa lực lượng, phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức CNCH, di dời, sơ tán hơn 14.000 người dân quận Liên Chiểu: 9.500 người, quận Sơn Trà: 368 người, quận Thanh Khê: 394 người, quận Cẩm Lệ: 353 người, huyện Hòa Vang: 3.763 người tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó, nổi bật, bất chấp khó khăn, nguy hiểm, triển khai kịp thời các biện pháp nghiệp vụ, giải cứu 3 người mắc kẹt trong nhà dân (do nước ngập sâu, chảy siết) tại khu vực ngã ba đường Nguyễn Nhàn - Cách mạng Tháng Tám, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, lãnh đạo UBND TP tổ chức khen thưởng.

Sau mưa lụt, Công an TP tổ chức đảm bảo an toàn về ANTT trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng mưa, bão, lũ, lụt thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, huy động 100% máy bơm, tổ chức hút nước chống ngập tại các khu vực ngập cục bộ, hầm chui, tầng hầm các trụ sở làm việc, bệnh viện, chung cư, nhà cao tầng,... trên địa bàn thành phố như hầm chui Điện Biên Phủ, cầu Trần Thị Lý, tầng hầm Tòa nhà Trung tâm hành chính, Bệnh viện 199, Công viên APEC, Viện tim mạch Đà Nẵng, Trung tâm Y tế quận Hải Châu,....; tổ chức cẩu, kéo, hỗ trợ di chuyển hơn 308 ô-tô và hàng ngàn xe máy, mắc kẹt do ngập nước trên các tuyến đường, đảm bảo không gây ùn tắc, cản trở giao thông thông suốt sau lũ, lụt, ngập cục bộ.

Đánh giá toàn diện công tác phòng, chống các sự cố thiên tai vừa qua xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho rằng, Công an các đơn vị, địa phương đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ của các cấp chính quyền, Giám đốc Công an TP giao, tuy nhiên trong điều kiện khó khăn về thời tiết, thời gian chuẩn bị gấp rút do lượng mưa lớn, nước ngập và dâng nhanh trên địa bàn toàn thành phố, ngoài dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn nên quá trình công tác không tránh khỏi một số tồn tại, hạn chế.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đã nêu rõ thực trạng, thiệt hại do mưa bão và một số khó khăn trong công tác ứng phó tại địa bàn phụ trách. Qua đó đề xuất một số kiến nghị liên quan để nâng cao năng lực ứng phó với tình trạng mưa lớn, ngập úng diện rộng như vừa qua.

Công an quận Thanh Khê đưa người già ra khỏi khu vực ngập nước. Từ thực tế, xuồng cao su nhỏ phù hợp để ứng phó với tình trạng mưa ngập trong đô thị.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Giám đốc Công an TP yêu cầu, Công an các đơn vị, địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão xảy ra tại đơn vị mình đồng thời thực hiện tổng rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự hiện có tại đơn vị để báo cáo, đề xuất kịp thời mua sắm, không để xảy ra tình trạng thiếu phương tiện để ứng cứu người dân trong thiên tai, bão, lũ.

Theo Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, trong đợt bão số 5, mưa lớn, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất vừa qua trên địa bàn gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Một trong những nguyên nhân là do giao thông bị tê liệt, công tác triển khai phương tiện tham gia cứu nạn, cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên giao Công an cơ sở và phòng Cảnh sát Giao thông, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra từng khu vực, tuyến đường bị ngập lụt sâu trong đợt vừa qua nhằm khảo sát, ghi nhận tình hình thực tế để xây dựng bản đồ ngập nước trên địa bàn toàn thành phố để có đề xuất, tham mưu các phương án giải quyết. "Sự cố thiên tai vừa qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ huy, điều hành và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão, ngập lụt. Lực lượng Công an toàn thành phố tuyệt đối không được để bất ngờ, bị động trong mọi tình huống. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải linh hoạt về con người và phương tiện để kịp thời xử lý tình huống, đảm bảo an toàn tính mạng cho người và tài sản", Thiếu tướng Vũ Xuân Viên nhấn mạnh.

M.V