Trả nợ cuộc đời
Với quyết tâm khép lại quá khứ lầm lỗi, làm lại cuộc đời, được sự động viên của gia đình, hàng xóm, sự quan tâm của các cấp chính quyền, anh Nguyễn Thủy Văn (trú tổ dân phố 13, P. Blao, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tích cực hòa nhập cộng đồng. Không chỉ tạo dựng cơ sở mộc của gia đình, từng bước phát triển kinh tế, anh Văn còn dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên tại địa phương và trở thành tấm gương sáng trong tái hòa nhập cộng đồng ở TP Bảo Lộc.
Anh Nguyễn Thủy Văn (giữa) giới thiệu với mọi người về cơ sở mộc của mình. |
Một ngày đầu tháng 11, đại diện các đoàn thể và CAP BLao đến thăm cơ sở mộc của anh Văn. Cơ sở chưa thật khang trang nhưng đó là ước mơ của Văn. Sau 3 năm chấp hành án phạt tù, trở về địa phương Văn không tránh khỏi những mặc cảm về tội lỗi. Thấm thía những sai lầm trong quá khứ, Văn ý thức phải làm lại từ đầu. “Về thì phải tìm công việc để làm. Bước đầu cũng khó khăn lắm, khó nhất là nguồn vốn. Tôi mới ra, chỉ mong có ai quen biết giới thiệu đặt hàng gia công dùm là mừng rồi”, anh Văn chia sẻ.
Trở về với 2 bàn tay trắng, nhưng không vì thế mà Văn nản chí. Sẵn có nghề mộc trong tay, Văn bắt đầu công việc đóng đồ dùng gia đình từ ghế, giường, tủ cho bà con trong tổ dân phố. Tiếng lành đồn xa, cơ sở mộc của Văn ngày càng có nhiều người tìm đến đặt hàng. Khi cơ sở mộc ổn định, cũng là lúc Văn nghĩ đến việc phải trả nợ cho xã hội, giúp những thanh niên ở địa phương được học nghề mộc, tạo dựng việc làm. Ban đầu chỉ 1 người, rồi số người theo học nghề mộc tại cơ sở của Văn tăng lên và luôn ổn định ở con số từ 2 đến 4 người. Không chỉ dạy nghề, Văn còn nhận số thanh niên này vào làm tại cơ sở mộc và hiện ai cũng có thu nhập ổn định. Cùng với sự phát triển của công việc, hạnh phúc riêng cũng đến với anh. Văn bẽn lẽn nói: “Về thì cũng có người để yêu, để thương. Bây giờ cưới rồi thì phải cố gắng làm, phấn đấu mà giúp đỡ gia đình, vợ con. Tôi chỉ mong muốn rằng, trong việc làm lỡ có thiếu về nguồn vốn thì mong chính quyền phường và mọi người giúp đỡ để tôi phát triển công việc của mình”. Anh Trương Quốc Lợi – Chủ tịch Hội nông dân P. BLao, cho biết: “Hội cũng hỗ trợ 1 phần như tìm nguồn vốn vay ngân hàng chính sách hỗ trợ để anh Văn phát triển nghề mộc. Khi tiếp cận được nguồn vốn thì anh ấy đã đầu tư máy móc, mua vật tư về làm. Đến nay thấy cơ sở cũng rất khang trang, công việc nhiều. Hội cũng yên tâm vì có 1 hội viên nông dân gương mẫu như vậy”.
Với bản tính cần cù, thông minh và chăm chỉ, tay nghề của Văn ngày một nâng lên, sản phẩm mộc làm ra ngày càng đẹp hơn, thu hút được nhiều đơn hàng, không chỉ người dân địa phương mà cả những khách hàng nơi xa cũng tìm đến. Thiếu tá Đỗ Phi Tiên – Cán bộ CAP BLao, kể lại: “Thời gian đầu mới về anh Văn cũng có những khó khăn vướng mắc, về mặt tâm lý thì mặc cảm, tự ti. Kiên trì động viên, hướng dẫn những nội dung liên quan đến công tác tái hòa nhập cộng đồng, anh Văn đã có nhiều tiến bộ, chủ động tìm công ăn việc làm. Khi xưởng mộc hoạt động ổn định, anh Văn đã nhận một số thanh niên ở địa phương đến học nghề rồi tạo công ăn việc làm cho họ nên chúng tôi rất yên tâm và ghi nhận ý tốt này”. Nói về hướng lâu dài, Chủ tịch Hội nông dân P. BLao khẳng định: “Trong thời gian tới dựa trên các mối quan hệ, Hội sẽ tìm các nguồn sản phẩm để anh Văn phát triển thêm, vận động một số hội viên có tâm huyết cùng anh dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho thanh niên địa phương”.
Với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương như anh Văn, để hạn chế thấp nhất tình trạng tái phạm và vi phạm pháp luật, điều tiên quyết là phải có sự cảm thông, gần gũi, động viên đối với họ. Ngoài ra, sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành và lực lượng CA trong việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp họ hoàn lương, hòa nhập cộng đồng là vô cùng quan trọng. Ở P. Blao, chính bởi làm tốt công tác này mà nhiều năm qua không có trường hợp nào tái phạm. Những người chấp hành xong án phạt tù trở về luôn được địa phương giang rộng vòng tay, tạo mọi điều kiện để hòa nhập, được vay vốn phát triển kinh tế. Điều này không chỉ giúp những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có cơ hội làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế, làm giàu cho cá nhân và xã hội mà còn là biện pháp hiệu quả để kéo giảm tội phạm.
ĐỨC HUY