Việt Nam vượt qua "bão giá"

Thứ năm, 31/03/2022 11:04
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (TCTK), với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I khá thấp (1,92%), nước ta đã vượt qua "bão giá" của khu vực và trên thế giới. Kết quả này là nhờ sự cân đối sản xuất trong nước cũng như việc kiểm soát tăng giá bằng chính sách hiệu quả, thiết thực, không gây áp lực lên nguồn cung.
Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm.
Trong quý I/2022, đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu thành phố Đà Nẵng tập trung ở các ngành hàng dệt may, thủy sản, thiết bị điện tử, cao su thành phẩm, đồ chơi trẻ em, đồ thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ... Ảnh minh họa

CPI tăng 1,92%

Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020. Các yếu tố làm tăng CPI trong quý là: Giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, một số nguyên nhân tác động, làm giảm CPI trong quý I/2022 như: Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,26 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,55%, mỡ ăn giảm 22,6%; giá thịt chế biến giảm 4,63%. Giá dịch vụ giáo dục giảm 4,24% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI giảm 0,23 điểm phần trăm.

Đặc biệt, giá thuê nhà ở giảm 15,14% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,07 điểm phần trăm.

Tính riêng tháng 3-2022, CPI tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12-2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, nguyên nhân tăng CPI tháng 3 là do giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu.

Theo Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương, mặt bằng giá trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm khá lớn. Công tác quản lý, điều hành giá sẽ tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD

Cũng theo TCTK, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5%, tăng 9,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% và tăng 7,9%.

Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 3,44 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn FDI thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 379,8 triệu USD, chiếm 8,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 350,3 triệu USD, chiếm 7,9%. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước quý I/2022 ước đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, bằng 14,4% kế hoạch năm và tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I năm 2021 bằng 13,7% và tăng 14,5%).

Bình quân quý I/2022, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm.

Xuất khẩu của Đà Nẵng vẫn ấn tượng

Ngày 30-3, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, trong quý I năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều của Đà Nẵng đạt hơn 823 triệu USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt hơn 495 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ (xuất siêu hơn 168 triệu USD). Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu TP tập trung ở các ngành hàng dệt may, thủy sản, thiết bị điện tử, cao su thành phẩm, đồ chơi trẻ em, đồ thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ... Hoạt động xuất, nhập khẩu của Đà Nẵng khởi sắc nhờ vào nhu cầu thị trường thế giới tiếp tục tăng mạnh. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của các doanh nghiệp Đà Nẵng như châu Âu, Mỹ, châu Á, Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc… cơ bản được giữ ổn định, qua đó giúp doanh nghiệp duy trì ổn định đơn hàng cũng như chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022.

Cũng theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong tháng 3 có 457 doanh nghiệp mới được thành lập, tổng vốn đăng ký hơn 4,4 ngàn tỷ đồng, tăng 53% về số doanh nghiệp và tăng gấp 2,5 lần vốn đăng ký so với cùng kỳ. Nếu tính 2 tháng qua, Đà Nẵng đã cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 876 doanh nghiệp, tổng vốn hơn 6,6 ngàn tỷ đồng. Dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 đã góp phần sớm đưa các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Trong quý I năm 2022 (tính đến 15-3), có 1.071 doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động, tăng 62,5% so với cùng kỳ năm 2021.

HẢI QUỲNH - B.T

Áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Ngày 30-3, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có công điện số về việc thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo Tổng cục Thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18 quy định về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Cụ thể, từ ngày 1-4 đến hết năm 2022, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ giảm từ 4.000 đồng/lít xuống còn 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 2.000 đồng/lít xuống còn 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cho người nộp thuế trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các Chi cục Thuế trên địa bàn kịp thời triển khai thực hiện áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá dầu thô có xu hướng tăng cao, tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

P.V