Xem và đọc “Văn minh vật chất của người Việt” của Phan Cẩm Thượng

Thứ ba, 28/06/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 25-6, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP Đà Nẵng, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, Hội Mỹ thuật TPĐN phối hợp Bảo tàng tổ chức trưng bày “Văn minh vật chất Việt Nam” qua nét vẽ của họa sĩ Phan Cẩm Thượng và giới thiệu cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt”.

 Họa sĩ Phan Cẩm Thượng giới thiệu cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt".

Gian trưng bày với những hình ảnh sinh động về ẩm thực, y phục, trang sức, phương tiện lao động sản xuất, giao tiếp, tang ma cưới hỏi, thờ tự, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật... của người Việt. Tác giả đã thể hiện sự bao quát rộng lớn qua các không gian vùng miền, các thời kỳ lịch sử. Từ đó, không gian văn hóa, thế giới tâm hồn, thói quen, căn tính, nét hay cái dở trong tập quán người Việt được khám phá.

Tại buổi trưng bày, điều khiến đông đảo độc giả và giới văn học- nghệ thuật TP Đà Nẵng đặc biệt quan tâm là cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” (NXB Tri thức, tháng 6-2010) do tác giả Phan Cẩm Thượng khảo cứu nhiều năm với gần 700 trang, gần 1.000 ảnh và 505 hình vẽ... Từ khi tác giả Phan Cẩm Thượng nảy sinh ra ý viết một “tập đại thành” về văn minh công cụ - vật chất của người Việt từ năm 1990 cho đến năm 2011, cuốn sách được ra đời.

Cuốn sách gồm 5 chương: “Những mặt cắt lịch sử”, “Từ bàn tay đến công cụ”, “Cơm tẻ là mẹ ruột”, “Sống dầu đèn chết kèn trống”, “Nghệ thuật và hành vi”. Đây là một tác phẩm nghiên cứu nghệ thuật kỳ công do tác giả trong nước viết ra với lời giới thiệu rất trân trọng của nhà văn Nguyên Ngọc: “Cuốn sách cung cấp cho ta một lịch sử của dân tộc và đất nước mình, qua các đồ vật do con người từng sống, từng lao động để có thể sống, tồn tại, phát triển, thịnh vượng, suy vong, trầm luân, đau khổ và hạnh phúc... từ ngày trên đất này có con người cho đến hôm nay. Và hóa ra đó là một lịch sử không chỉ cụ thể mà còn hết sức toàn diện, có lẽ không hề thiếu mặt nào, góc độ và cấp độ nào trong sự sống của con người Việt từ thượng cổ cho đến nay… Đây là cả một thế giới Việt. Không thiếu bất cứ phương diện nào, suốt trường kỳ lịch sử”.

Phan Cẩm Thượng là họa sĩ, nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật và là tác giả quen thuộc với nhiều tác phẩm được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao như: Chùa Dâu và nghệ thuật Tứ Pháp”, “Nghệ thuật ngày thường, Điêu khắc cổ Việt Nam, Điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên,...
Với phương pháp khảo cứu và phong cách viết đặc sắc, người viết sắp xếp ngăn nắp, mạch lạc các chủ đề tưởng như quá dàn trải. Với văn phong linh hoạt, pha trộn khéo léo giữa cách viết nghiên cứu và cảm hứng nghệ sĩ, cuốn sách gần 700 trang trở nên nhẹ nhàng, cuốn hút người đọc. Cuốn sách nói về các đồ vật bình dị trong đời sống lao động sản xuất của con người Việt Nam trong bao đời nay như: cái cày, cái cuốc, cái thuổng, cái rá, cái rổ, cái kiềng… Đây là những đồ vật đã làm nên thế giới vật chất của con người Việt Nam. Cuốn sách là món quà trí tuệ quý giá để chúng ta biết về thế giới vật chất mà ông bà, tổ tiên và cả chính chúng ta đã và đang tạo ra, sử dụng, hưởng thụ. Thế giới vật chất ấy tạo nên một phần quan trọng của văn minh Việt rất đáng tự hào...

Bài, ảnh: Hiền Minh