Báo Công An Đà Nẵng

Ai quên, ai nhớ “bến đò” thầy Tô?

Thứ hai, 20/11/2023 08:46
Tác giả trong một lần về thắp hương tưởng nhớ người thầy của mình.

Ở xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng bây giờ, các bậc cao niên, lão thành cách mạng, cán bộ nghỉ hưu hay người lớn tuổi đang công tác đều có thể kể vanh vách tên các thầy giáo ở làng quê hồi đó. Mỗi ngôi làng thường có một ông giáo uy nghiêm và thông tuệ để phụ huynh gửi con theo học. Bất kể sau này có là ông nọ bà kia, là bộ đội công an, công chức Nhà nước hay kinh doanh buôn bán…, những ai bước chân ra khỏi lũy tre làng đều phải qua những lớp học i tờ, những con chữ, phép tính đầu tiên ở đây. Đó cũng là cái nếp của người quê Yến Nê, Cẩm Nê, Thạch Bồ, An Thới, Dương Sơn, Lệ Sơn, An Trạch, La Bông…, hay nhiều vùng quê khác.

Tôi được mẹ dẫn đến nhà thầy Nguyễn Cận (các thế hệ học trò đều gọi là thầy Tô) khi lớp học của thầy đã “cắm sâu” ở đất Yến Nê sau nhiều tháng năm phải di chuyển vì chính sách dồn dân, chiến tranh, xóm làng ly loạn. Trẻ con trong thôn tập trung vào một lớp nhưng được chia nhóm theo độ tuổi, bên này học đánh vần thì bên kia làm con tính, phía trên đọc thuộc lòng thì phía dưới luyện chữ bằng cách chép những câu thơ, câu vè mà thầy nghĩ ra. Tôi nhớ năm đó là mùa bão lũ, buổi nhập môn thầy luyện chữ và đọc đoạn thơ mà đến nay nhiều người vẫn thuộc lòng: “Bão năm trước cũng còn là nhỏ/Bão năm nay cây cỏ tơi bời/Nhà tôn bay bổng lên trời/Cái sụp cái ngã, cái thời chênh hênh…”.

Như mảnh ghép mà tôi kết nối được với các thế hệ đi trước, thầy Tô bắt đầu nghề dạy học ở xóm Làng, sau đó về trường Tư thục bậc Sơ học thôn La Bông xã Hòa Lợi rồi qua Hầm Xẻ thôn Dương Sơn, lại qua xóm Rừng. Các lớp học của thầy trải qua nhiều bận di chuyển, nguyên nhân chủ yếu là cuộc chiến tranh quá khốc liệt. Thời đó, quê tôi đầy bóng giặc, là vùng địch tạm chiếm. Khi 4 thôn La Bông, Yến Nê, Thạch Bồ, Bắc An trở thành một khu dồn, thầy nhận thấy phải có lớp học cắm rễ ở mảnh đất này. Không dễ gì để làm việc đó, nhưng bằng uy tín của mình, thầy cậy nhờ những mối quen biết và viết đơn xin lên Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam để được dựng căn nhà 4 gian làm lớp học với cái tên Trường Tiểu học tư thục xã Hòa Thái.

Tác giả trong một lần về thăm gia đình ông Nguyễn Phú Quý - người con trai út, cũng là “trợ giảng” của thầy Tô.

Không chỉ dạy văn hoá với những bài học được xem như là giáo án chuẩn để con em trong làng đủ điều kiện ra trường xã tương đương với cấp Tiểu học bây giờ, thầy Tô còn được người trong vùng biết đến khi rất giỏi cả chữ Nho và chữ Quốc ngữ, thông thiên văn địa lý, lại có tài thơ phú, xem ngày, soạn tuồng, hát bộ… Bà con trong làng gửi con cho thầy cầm tay từ nét chữ đầu tiên thì yên tâm nên người, đủ hành trang ra khỏi lũy tre làng, không thành tài cũng biết đối nhân xử thế. Học trò ngày đó nghèo lắm, rất ít gia đình đủ tiền trả học phí. Số người trả vài chục đồng bạc mỗi tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu trả công cho thầy bằng sản vật làng quê như lúa gạo, khoai mì, con gà, chục trứng. Nhà thầy cũng nghèo, nhưng chẳng câu nệ vật chất, mà luôn hứa với bà con rằng: không vì quê mình nghèo đói mà để lũ trẻ thất học. Thời ấy còn chưa có Ngày Nhà giáo Việt Nam như bây giờ, phụ huynh thường dắt con mình tới thăm, mừng tuổi thầy vào dịp tết đến xuân về, quà cũng thường là những thứ có từ ngoài chợ quê hay trong vườn nhà.

Bao bận dời lớp chuyển trường, tận tụy với học trò, việc làng trên xóm dưới, thiếu thốn đủ bề, ngày mà phụ huynh cũng như lũ học trò làng quê chúng tôi buồn nhất là khi biết đôi mắt của thầy không còn nhìn rõ mọi thứ được nữa. Đi lại, sinh hoạt đã khó khăn thì việc viết những câu thơ lên cái bảng cũ mòn nhẵn vì thời gian hay cầm tay cho học trò làm con tính, gõ thước đánh vần cũng ngày càng vất vả. Quyết không để con trẻ trong làng gián đoạn chuyện học hành, vào năm 1968, thầy Tô gọi con trai út của mình là ông Nguyễn Phú Quý đang đi học ngoài xã về làm “trợ giảng” cho lớp học, trao truyền dần kinh nghiệm để tiếp tục duy trì nếp nhà.

Sau nhiều lần địa giới xóm làng thay đổi, nhiều nơi làng mạc bị đốt cháy nay thành cánh đồng, lớp học 4 gian ngày xưa được lưu giữ lại trong ký ức bao thế hệ người dân địa phương cho đến bây giờ chính là căn nhà tại tổ 3, thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến mà ông Nguyễn Phú Quý đang ở và thờ tự. Điều mà tôi biết được, trong chiếc hộp gỗ được ông Quý cất giữ cẩn thận cho đến ngày nay, vẫn còn tờ “giấy phép” chuyển trường từ trường Tư thục bậc Sơ học xã Hòa Lợi về xã Hòa Thái với cái tên trường Tiểu học tư thục ở xã Hòa Thái, chính là lớp học thầy Tô đã bám sâu trên mảnh đất quê hương, chứng kiến bao thế hệ học trò đi qua để vươn mình ra khỏi lũy tre làng. Để đường đường chính chính dựng lớp học đứng vững giữa hai lằn ranh vào thời điểm mà ngay cả việc sống yên ổn cũng khó, thầy đã tìm mọi cách để có được cái gật đầu của Tỉnh trưởng.

Tác giả và ông Nguyễn Phú Quý (con trai út thầy Tô) bên kỷ vật là tờ giấy thông báo được phép thành lập lớp học của Tỉnh trưởng Quảng Nam vào năm 1960.

Thầy Tô mất lúc 75 tuổi. Cũng là thời điểm những lớp học của các ông giáo ở thôn quê ít dần rồi nhường chỗ cho việc dạy học có trường lớp từ cơ bản đến khang trang, hiện đại. Từ trong chiến tranh rồi đến ngày giải phóng, hòa bình lập lại, học trò làng quê mỗi người một ngả, kẻ bám trụ xây dựng quê hương, người thoát ly học hành đỗ đạt, nhưng mỗi dịp gặp nhau thì câu chuyện đầu tiên, có khi kéo dài không dứt, là ký ức thời hoa niên đầy vất vả khó nhọc nhưng cũng nhiều điều đáng nhớ và lắm đỗi tự hào. Trong không khí hân hoan ngày tôn vinh nghề dạy học, nghề trồng người, chợt nhớ đến những lớp học được bảo bọc bởi làng quê, hồn quê, bởi lũy tre, cây đa, bến nước. Thế hệ chúng tôi có những kỹ sư, những cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư thành danh, vẫn không thể quên và luôn mong có ngày tề tựu tri ân những thầy giáo làng, những người không có tên trong đánh giá học bạ hay nhận xét những bài thi, nhưng là người ươm mầm, người đưa đò tận tụy.

Lớp học thầy Tô, như bao lớp học của những ông giáo làng, tựa bến đò chung thủy ở thôn quê. Thầy như người chèo đò chứng kiến bao thế hệ học sinh mở cánh cổng làng, bước ra khỏi lũy tre làng, lên xã, ra phố, tìm kiếm mọi bến bờ tri thức, học cách làm người.

Viết những dòng tâm sự trong mùa Hiến chương khi thời gian đã lùi xa, nhưng trong sâu thẳm lòng mình – những đứa học trò nghèo ở làng quê ngày ấy vẫn luôn nghĩ, luôn nhớ về thầy với lòng kính trọng, tri ân sâu sắc.

Thượng tướng NGUYỄN VĂN SƠN

– nguyên Thứ trưởng Bộ Công an