Báo Công An Đà Nẵng

Sự thật phía sau nhóm khiếu kiện kéo dài khu vực Cồn Dầu

Bài 1: Khởi sắc ở phố mới Cồn Dầu

Thứ năm, 28/12/2023 07:00

Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, một số rất ít các hộ dân Cồn Dầu đã có 4 lần kéo đi Hà Nội khiếu kiện, kéo đến trụ sở Văn phòng Chính phủ, Tòa nhà Quốc hội, trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương Đảng, Nhà nước,… trương các biểu ngữ với nội dung xuyên tạc sai sự thật. Mặc dù các cấp, ngành từ địa phương đến Trung ương đã tổ chức đối thoại nhiều lần, xem xét giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân nhưng vẫn còn một vài trường hợp cá biệt vẫn không đồng tình, đưa ra những đòi hỏi quá đáng, không thể đáp ứng được. Số này đã nhiều lần khiếu kiện vượt cấp, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) và còn làm xấu đi hình ảnh của người dân phường Hòa Xuân vốn dĩ chân chất, lo làm ăn phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp. Nhóm PV Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã trực tiếp đến ghi nhận những đổi thay, phát triển toàn diện từ bộ mặt đô thị đến đời sống người dân ở phường Hòa Xuân (Cẩm Lệ) nói chung và khu vực Cồn Dầu nói riêng, đồng thời vạch trần sự thật những đòi hỏi vô lý, thậm chí vi phạm pháp luật của số đối tượng khiếu kiện ở Cồn Dầu.

Một góc Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân hiện nay.

Đổi đời nhờ giải tỏa

Hơn 20 năm công tác tại Báo Công an TP Đà Nẵng và nay là Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, chúng tôi thường xuyên đến Hòa Xuân để thông tin về việc triển khai dự án Khu ĐTST Hòa Xuân. Điều khá đặc biệt là gần 15 năm triển khai dự án đến nay, mỗi lần về Hòa Xuân, chúng tôi lại thấy mình như lạc vào thế giới khác với sự chuyển biến tích cực đến kinh ngạc. Không còn những bờ tre, cánh đồng trũng thấp, ao rau muống, nhà xây cấp 4 tạm bợ… thay vào đó là phố xá thênh thang, những con đường nhựa thoáng rộng, rợp bóng cây xanh và những ngôi nhà tầng hiện đại chen nhau mọc lên.

Đến khu vực Cồn Dầu trao đổi với ông Lê Lụa, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 26 được biết, toàn khu dân cư có 2 tổ dân phố 90 và 95 với khoảng gần 400 hộ. Đa phần người dân ở đây là các hộ giải tỏa khu vực Cồn Dầu, đời sống rất ổn định, tu chí làm ăn phát triển kinh tế, không có hộ nghèo và khó khăn. Hiện tại, chỉ có một vài hộ giải tỏa tư tưởng chưa thông, bị xúi giục, lôi kéo nên mới đi khiếu kiện để đòi hỏi thêm quyền lợi.

Để minh chứng những gì mình nói, ông Lê Lụa liên hệ anh Trương Ngọc Dũng- Tổ trưởng tổ dân phố số 90 đưa phóng viên đến mục sở thị từng hộ dân trong khu dân cư. Đúng là đời sống của bà con ở đây thật sự văn minh, hiện đại, hầu như nhà nào cũng xây dựng 2 tầng trở lên, không có kiệt hẻm; lề đường rộng, thoáng, rợp bóng cây xanh. Đến nhà ông Nguyễn Hoàng (64 tuổi), trò chuyện với vợ chồng gia chủ mới cảm nhận hết được sự đổi thay về vùng đất và con người nơi đây. Ông Hoàng kể, gia đình là dân gốc ở Cồn Dầu, nằm trong diện giải tỏa để triển khai dự án Khu ĐTST Hòa Xuân. Nhà ông có 6 khẩu, 911m2 đất ở và 5 sào ruộng trồng lúa và rau muống, khi giải tỏa được đền bù hơn 500 triệu đồng cùng 3 lô đất tái định cư (TĐC). Năm 2019, ông Hoàng nhận đất TĐC, bán 1 lô đường 15m được gần 4,5 tỷ đồng để xây dựng ngôi nhà 3 tầng khang trang, hiện đại, tiện nghi trên tuyến đường đối diện Nhà thờ Cồn Dầu sống chung với cậu con trai út mới vừa đi bộ đội về. Số tiền còn lại hơn 2 tỷ đồng ông Hoàng chia cho 2 con gái và 1 con trai đã lập gia đình. Ông Hoàng làm thợ mộc, khi chuyển về nơi ở mới tiếp tục mưu sinh bằng nghề này, cuộc sống dần đi vào ổn định và phát triển. Khi hỏi về đời sống nơi ở mới, bà Trung (vợ ông Hoàng) cho biết, bà về làm dâu ở Cồn Dầu hơn 30 năm, trước đây vợ chồng làm nông, quanh năm đủ ăn chứ không dư dả gì nhiều. Thời đó, khó nhất là đường sá đi lại bất tiện, mỗi khi có mưa lớn là khu vực Cồn Dầu ngập lụt, tài sản hư hỏng, dân phải di chuyển đồ đạc lên gác xếp, còn chính quyền thì phải hỗ trợ sau lũ. Bây giờ về đây nhà cửa khang trang, đường sá thuận lợi, bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại, không còn lo mưa bão, ngập lụt. Không riêng gia đình bà mà hầu hết bà con ở đây đều thấy được sự đổi thay tích cực so với trước.

Cũng như gia đình ông Hoàng, hộ ông Nguyễn Thanh Sơn (58 tuổi) ở tổ 65 cũng có nhiều thay đổi sau giải tỏa. Ông Sơn giải tỏa thu hồi 1.200m2 đất, 5 sào ruộng, nhà có 6 khẩu, được đền bù 3 lô đất TĐC. Từ năm 2011, ông Sơn đã chấp hành chủ trương giải tỏa, nhận đất tái định cư và tiến hành xây nhà 2 tầng khang trang trên đường Thanh Hóa với giá hơn 1 tỷ đồng. Vốn có nghề mộc, được chính quyền và bà con ủng hộ, khi chuyển về nơi ở mới, ông Sơn mở xưởng mộc, làm ăn phát triển kinh tế rất tốt. Bản thân là Phó ban Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Cồn Dầu, ông Sơn cùng bà con giáo dân đồng lòng xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp. Ông bảo, khi về nơi ở mới, bà con giáo dân Cồn Dầu từng bước thích nghi với cuộc sống mới. Không còn làm nông, với số tiền đền bù, hỗ trợ và tiền bán đất, hầu hết các hộ dân chuyển dần sang kinh doanh buôn bán, số thì gửi tiết kiệm trong ngân hàng lấy lãi…

Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ làm việc với các hộ dân khiếu kiện kéo dài tại Cồn Dầu.

Vì sao khiếu kiện dai dẳng?

Dự án Khu ĐTST Hòa Xuân với quy mô hơn 437,2 ha triển khai từ năm 2008 đến nay đã có 6.984/7.025 hồ sơ bàn giao mặt bằng (trong đó có 39 hồ sơ xử lý hành chính) đạt 99,4%, còn 41 hồ sơ chưa bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 11,8 ngàn m2. Riêng tại khu vực Cồn Dầu đã bàn giao 2.016/2.045 hồ sơ (đạt 98,6%). Bà Hồ Thị Cẩm Nhung- Chủ tịch UBND P. Hòa Xuân cho biết, hầu hết số hộ dân bàn giao mặt bằng khu vực Cồn Dầu đã làm nhà ở ổn định, khang trang. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 12 trường hợp bị lập biên bản xử lý hành chính về hành vi tụ tập đông người tại Hà Nội, chưa đồng ý nhận tiền đền bù và bố trí TĐC, thường xuyên tham gia khiếu kiện tại trụ sở các cơ quan Trung ương và Đà Nẵng trong thời gian qua.

Nội dung khiếu kiện của các hộ dân trước đây đã được Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ giải quyết (lần đầu) và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giải quyết (lần 2) đều bác đơn khiếu nại của các hộ dân. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn tiếp tục khiếu kiện vượt cấp. Để giải quyết khiếu nại của các hộ dân Cồn Dầu, ngày 20-11-2014 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo số 5141 về kết quả thẩm tra, xác minh. Theo đó, việc thực hiện dự án Khu ĐTST Hòa Xuân là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; việc thu hồi đất là đúng quy định; việc xây dựng khu TĐC tại khu dân cư Nam Cẩm Lệ (khu E, F) là phù hợp với quy định tại Nghị định 179 của Chính phủ; việc các hộ dân yêu cầu bố trí TĐC tại chỗ là không có cơ sở vì không có khu TĐC tại dự án; việc tổ chức cưỡng chế đối với người bị thu hồi đất không chấp hành bàn giao đất là đúng pháp luật. Qua đó, Bộ TN&MT đã kiến nghị Thủ tướng thống nhất với nội dung giải quyết của UBND TP Đà Nẵng về khiếu nại của các hộ dân liên quan đến thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án và yêu cầu bố TĐC tại chỗ. Trên cơ sở đó, để tạo điều kiện cho các hộ giải tỏa được ở gần khu vực nhà thờ Cồn Dầu, sau khi làm việc với Đà Nẵng vào ngày 27-8-2016, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo cho chủ trương các hộ dân bố trí 1 hoặc nhiều lô đất TĐC tại khu E, khu E mở rộng được hoán đổi về khu vực gần nhà thờ.

Thực hiện chủ trương trên, năm 2017, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã 2 lần chủ trì tiếp các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng và các hộ diện cưỡng chế trước đây chưa làm thủ tục nhận đất, làm rõ các ý kiến của các hộ dân và kết quả giải quyết của các cấp chính quyền. Ngoài ra, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cùng lãnh đạo UBND quận Cẩm Lệ đã nhiều lần đối thoại từng hộ dân để giải quyết từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, các hộ vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết, vì vậy tiếp tục khiếu kiện trong thời gian qua. Riêng năm 2023, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, quận Cẩm Lệ đã tổ chức 4 lần tiếp dân đối với các hộ Cồn Dầu có hoạt động khiếu kiện tại Hà Nội, nhưng đa số các hộ không đồng ý kết quả. Riêng trường hợp bà Nguyễn Thị Tâm (được lãnh đạo TP tiếp ngày 15-9-2023) đã đồng ý với kết quả giải quyết và hiện đang thực hiện các thủ tục liên quan đến nhận đất.

(còn nữa) Nhóm P.V