Tự do ngôn luận - không thể vượt “lằn ranh đỏ” (Bài 2: Đảm bảo tự do ngôn luận - nhìn từ Đà Nẵng)

Thứ bảy, 17/06/2023 07:41
Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, QP-AN của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước, thành phố Đà Nẵng trở thành một trong 3 trung tâm báo chí lớn nhất cả nước với hàng trăm phóng viên, nhà báo đang hoạt động và cũng là mảnh đất “dụng võ” của không ít đối tượng chống đối trong và ngoài nước. Vì thế, công tác quản lý, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc, chống phá và đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Đà Nẵng đang thực sự “nóng” đối với chính quyền thành phố.
Đối tượng chống phá lưu vong nước ngoài Nguyễn Văn Đài trắng trợn xuyên tạc vụ gây rối ANTT tại Cư Kuin (Đắk Lắk).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết tặng Bằng khen cho các tập thể cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong hợp tác truyền thông với thành phố năm 2022.

Thực tiễn tại TP Đà Nẵng, những năm qua, công tác bảo vệ quyền cơ bản tự do ngôn luận, tự do hoạt động trong môi trường không gian mạng của người dân được pháp luật bảo vệ và khuyến khích. Đến nay, thành phố đã tạo mọi điều kiện cho 104 cơ quan báo chí trung ương và địa phương với hơn 800 nhà báo hoạt động trên địa bàn. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng là địa phương có số người sử dụng mạng xã hội thuộc nhóm đông nhất nước với khoảng 8.000 trang thông tin điện tử, 2,4 triệu tài khoản mạng xã hội (950.000 tài khoản Facebook). Trong đó, có 250 trang Facebook có số lượng trên 20.000 thành viên và 750.000 tài khoản Zalo, 450.000 tài khoản Youtube, 270.000 tài khoản Twitter… Chính lực lượng hùng hậu người làm báo và người tham gia mạng xã hội ở Đà Nẵng đã thực hiện hơn 7 triệu lượt thông tin về thành phố trên Internet và hơn 60 triệu lượt tương tác trên không gian mạng, trong đó, mỗi năm các cơ quan báo chí thực hiện từ 120.000 đến 150.000 sản phẩm truyền thông về Đà Nẵng. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền thành phố trong chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí, công tác tuyên truyền của báo chí, xuất bản đạt kết quả ấn tượng, có sức lan tỏa, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nổi bật qua triển khai các sản phẩm truyền thông về học tập, quán triệt, thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp trên các báo, đài; xây dựng và hoàn thiện bộ sản phẩm truyền thông về Đại hội lần thứ XIII của Đảng trên Internet; mở nhiều chuyên trang, chuyên mục phát sóng trực tiếp trên báo, đài. Có hơn 15.000 tin, bài về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố, qua đó, góp phần kịp thời thông tin, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch COVID-19, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Cơ quan An ninh điều tra CATP Đà Nẵng công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Tuấn Lâm.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhất là các nền tảng mạng xã hội trên không gian mạng cũng dẫn đến nhiều khó khăn đối với việc quản lý, thực hiện quy định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điển hình là các đối tượng thù địch, phản động, phần tử xấu, đối tượng khiếu kiện thông qua các trung tâm phá hoại tư tưởng đã dùng thủ đoạn lắp ghép, “xào nấu” có hàng trăm tin, bài, video xuyên tạc, đả kích những vấn đề “nóng” còn tồn tại trong quá trình phát triển của thành phố. Nổi lên là khoét sâu, tô đậm, diễn dịch theo hướng tiêu cực và trầm trọng hóa những thiếu sót, sai phạm của Đà Nẵng thời gian qua; bôi xấu hình ảnh cá nhân một số lãnh đạo chủ chốt thành phố nhằm gây mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa diễn ra trên địa bàn thành phố như Đại hội Đảng và bầu cử HĐND các cấp; công tác phòng chống dịch COVID-19; đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hiện giải tỏa đền bù, giải quyết khiếu nại khiếu kiện trong quá trình quy hoạch phát triển đô thị… cũng đều trở thành cái cớ cho các đối tượng cơ hội, chống phá “luận đàm” thực hiện mưu đồ xấu xuyên tạc, kích động, gây dư luận tiêu cực.

Phòng An ninh Chính trị nội bộ CATP Đà Nẵng triệu tập, xử lý đối tượng vi phạm trên không gian mạng.

Đấu tranh phản bác, ngăn chặn những thông tin xấu độc, Đà Nẵng huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với nhiều biện pháp, giải pháp vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết. Với chủ trương nhất quán, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do Internet là thiêng liêng, cần thiết trong cuộc sống, là một biểu hiện cho tiến bộ và một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của xã hội, những năm qua, Đà Nẵng luôn tạo mọi điều kiện cho báo chí và người dùng Internet tự do bày tỏ chính kiến, tự do hoạt động, tác nghiệp, sáng tạo, nhưng cũng xử lý triệt để nếu cố tình vượt “lằn ranh đỏ” quy định pháp luật. Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Việc tiếp cận, sử dụng Internet và mạng xã hội là quyền và nhu cầu chính đáng của mọi người dân, trong đó bao gồm đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trên không gian mạng, bên cạnh những thông tin chính thống, tích cực là sự xuất hiện các luồng thông tin xấu độc, thậm chí nhiều thế lực thù địch phản cách mạng trong và ngoài nước lợi dụng chống phá gây mất ANTT, ảnh hưởng đến thành phố thì phải được lên án, xử lý nghiêm minh nhằm đủ sức răn đe, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, không ngừng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính từ quyết tâm chính trị cao này, Đà Nẵng đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả như: Quán triệt, triển khai đầy đủ, quyết liệt, bài bản, toàn diện từng bước đi vào chiều sâu Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định số 5808-QĐ/TU về ban hành Đề án “Tuyên truyền, lan tỏa phủ xanh thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; thực hiện Kết luận số 23-KL/TW vào ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...

Đối tượng chống phá lưu vong nước ngoài Nguyễn Văn Đài trắng trợn xuyên tạc vụ gây rối ANTT tại Cư Kuin (Đắk Lắk).

Đi liền với chủ trương, chính quyền thành phố còn yêu cầu các lực lượng Công an, Quân đội, Ban Chỉ đạo 35 thành phố, cán bộ, đảng viên đấu tranh, phản bác trực diện với các thế lực thù địch, phần tử chống phá. Chỉ trong 2 năm (2021-2022), Ban Chỉ đạo 35 thành phố đã đăng tải hơn 8.500 bài phản bác các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng, trong đó, tập trung vào những vấn đề cốt lõi an ninh quốc gia như: Chủ quyền lãnh thổ, tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, công tác nhân sự Đại hội Đảng XIII và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, các vụ việc nóng về phiên tòa xét xử vụ án tại Đồng Tâm, vụ việc liên quan giải tỏa đền bù, cưỡng chế tại các khu vực Cồn Dầu, Đồng Nò… Đặc biệt, Đà Nẵng là địa phương đấu tranh quyết liệt nhất với tội phạm không gian mạng, tội phạm công nghệ cao thông qua việc khởi tố, bắt giam, xử lý một số đối tượng có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội trên không gian mạng. Chỉ từ đầu năm 2022 đến nay, CATP Đà Nẵng đã phát hiện, xử lý gần 800 thông tin xấu, độc trên facebook, xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín chính quyền, lãnh đạo thành phố và 10 trường hợp vi phạm quy định trong sử dụng Internet và thông tin trên mạng và khởi tố 5 vụ, 9 đối tượng phạm tội trên không gian mạng. Điển hình nhất là ngày 7-9-2022, Cơ quan An ninh điều tra CATP ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Tuấn Lâm (Peter Lâm Bùi), sinh năm 1984, trú P.Thanh Bình (Hải Châu) về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự. Lợi dụng tình hình trên, các đối tượng chống đối chính trị đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc cho rằng Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, vi phạm quyền công dân, yêu cầu thả tự do cho Bùi Tuấn Lâm. Ngày 25-5, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng chính thức đưa Bùi Tuấn Lâm ra xét xử và tuyên bản án nghiêm khắc 5 năm 6 tháng tù giam và quản chế 4 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù đã tạo sự răn đe rất lớn đối với số đối tượng chống đối khác. Ngoài ra, cơ quan chức năng thành phố còn tiến hành xử phạt hàng chục trường hợp có hành vi đăng, phát, chia sẻ thông tin không đúng sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, công dân…

Thay lời kết

Thực tế việc đảm bảo quyền tự do ngôn luận tại Đà Nẵng và cả nước có thể khẳng định không có tự do ngôn luận chung chung, vô hạn, cũng không có tự do báo chí, tự do Internet không giới hạn, mà phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Tự do ngôn luận phải được pháp luật điều chỉnh và phục vụ cho mục đích chung, hài hòa với lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân. Đó cũng là chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam. Nếu tổ chức, cá nhân cố tình vượt qua “lằn ranh đỏ”, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do sáng tạo, hoạt động chính đáng trên môi trường không gian mạng.

QUANG SANG