Bài 3: Thuốc thử trách nhiệm
Dù đã hoạt động trong Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh mở rộng nhiều năm nhưng không ít doanh nghiệp vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không thể thực hiện vay vốn, thế chấp hay các thủ tục liên quan đầu tư. Đáng nói, việc chậm cấp GCN chỉ vì vướng mắc trong xác định cho thuê đất trả tiền 1 lần hay hàng năm. Công ty TNHH Duy Thịnh thuê lại đất của Công ty Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng (SDN)-đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN để đầu tư dự án trung tâm logistics. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 76 tỷ đồng tại Lô U1, đường số 7B & 10B, KCN Hòa Khánh mở rộng, quy mô lưu giữ hàng hóa 100.000 tấn/năm. Mặc dù đã nộp tiền thuê đất nhưng đến nay Công ty Duy Thịnh vẫn chưa được cấp GCN để yên tâm đầu tư, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty CP Inno Floors, Công ty CP VI, Công ty CP CNC Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Thường Thắng Đạt, Công ty CP Xúc tiến đầu tư Tuấn Đức, Công ty TNHH may mặc Whitex Việt Nam, Chi nhánh công ty TNHH Yusen Logistics, Chi nhánh công ty TNHH Logitem Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Liwayway…cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, năm 2011 thành phố cấp GCN diện tích 124 ha đất cho SDN thuê; năm 2015 tiếp tục cấp GCN cho thuê phần mở rộng 7,6 ha. Trong phụ lục hợp đồng thành phố ký với SDN vào tháng 9-2019 cho thuê đất 50 năm, đơn giá cho thuê là 1190 đồng/m2/năm. Thời điểm đó Luật Đất đai năm 2013 qui định chỉ cho trường hơp trả tiền thuê đất hàng năm. Thành phố cho SDN thuê đất theo hình thức trả tiền hàng năm là phù hợp với quy định pháp luật. Sau đó SDN đầu tư cơ sở hạ tầng, cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê lại, thu tiền sử dụng đất 1 lần. Như vậy cơ sở để cấp GCN cho các doanh nghiệp nêu trên dưới hình thức thuê đất trả tiền 1 lần là không thể được. Nếu bây giờ cấp GCN cho các doanh nghiệp thuê lại đất của SDN vô hình chung hợp thức hóa luôn sai phạm của SDN.
Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP cho biết, nguyên tắc của luật đất đai, khi doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất trả tiền 1 lần thì được phép cho thuê lại thu tiền một lần hoặc hàng năm. Nhưng nếu doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất thu tiền hằng năm thì chỉ được cho thuê lại trả tiền hằng năm, chứ không được cho thuê đất trả tiền 1 lần. SDN được nhà nước cho thuê đất hằng năm nhưng lại đi cho thuê lại thu tiền 1 lần là sai. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 có quy định, trường hợp nhà đầu tư được Nhà nước cho thuê đất tính tiền hằng năm đã xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp mà đã cho thuê lại theo hình thức trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Và người thứ cấp thuê lại có nghĩa vụ như được Nhà nước cho thuê đất trả tiền 1 lần sau khi chủ đầu tư nộp đủ tiền vào ngân sách. Trong trường hợp của các doanh nghiệp thuê lại đất của SDN có thể áp dụng quy định này để tháo gỡ vướng mắc.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh, trường hợp SDN có 2 khu đất gắn với 2 GCN. Với GCN cấp năm 2011 cho 124 ha không ghi trả tiền thuê hàng năm hay một lần. GCN phần mở rộng 7,6 ha cấp năm 2015 thì ghi trả tiền thuê đất hàng năm. Bây giờ theo Luật Đất đai năm 2013 và cả Luật Đất đai năm 2024 thì với khu đất SDN đã trả tiền thuê 1 lần cho thành phố thì SDN được cho thuê lại trả tiền 1 lần. Nhưng vướng ở đây là những lô đất SDN được thành phố cho thuê trả tiền hàng năm nhưng lại cho thuê lại thu tiền 1 lần. Vướng mắc này có 2 hướng xử lý, thứ nhất theo Nghị định 91 cho phép xử phạt SDN, nộp nghĩa vụ tài chính phát sinh, sau đó sẽ cho chuyển đổi trả tiền thuê đất hàng năm sang một lần. Thứ hai, theo Luật Đất đai năm 2024 cũng cho phép chuyển đổi trong trường hợp này. Hiện nay thành phố đã giao cho Sở TN&MT rà soát pháp lý, xử phạt, yêu cầu hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau đó cho doanh nghiệp chuyển đổi theo quy định pháp luật.
Chủ tịch HĐND TP Ngô Xuân Thắng cho biết, bây giờ cứ căn cứ theo quy định rồi lịch sử ngày trước, không dám mạnh dạn tháo gỡ thì bản thân doanh nghiệp đã khó mà niền tin của doanh nghiệp vào sự phát triển của thành phố càng khó hơn. Và như vậy Chỉ thị 34 của Thành ủy cũng không phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Doanh nghiệp hiện rất khó khăn, như vừa qua Heiniken Quảng Nam đã phải dừng hoạt động. Vì vậy, cần rà soát các quy định hiện hành và các quy định mới ban hành, xử lý những tồn tại, vướng mắc theo hướng có phương án tháo gỡ giúp cho doanh nghiệp được giải quyết những tồn tại đó để doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Rồi hướng phát triển thành phố tới đây theo Nghị quyết của Quốc hội, Đà Nẵng sẽ khó khăn hơn nếu không có sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp. Với tinh thần đó, phải chủ động gỡ vướng sớm cho doanh nghiệp.
Ông Thắng nói: "Bây giờ tháo gỡ những gì, dĩ nhiên theo quan điểm Chính phủ không hợp thức hóa cái sai, nhưng chúng ta phải tìm cách tháo gỡ để giúp doanh nghiệp có điều kiện, động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này". (còn nữa)
HẢI QUỲNH