Từ "làn sóng Hàn Quốc" nghĩ về công nghệ giải trí của Việt Nam

Thứ sáu, 12/07/2024 14:32

"Kinh nghiệm và thành công của Hàn Quốc sẽ là những bài học quý báu với ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam mới bước đầu phát triển" - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu như vậy khi dự Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tại chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua. Những bài học đó có thể giúp Việt Nam xây dựng ngành công nghệ giải trí hiện đại, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đậm đà bản sắc dân tộc và đại chúng để tiến ra thị trường toàn cầu...

Hai đêm 29 và 30/7, nhóm nhạc BlackPink chinh phục khán giả trẻ Việt Nam tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội

Đón đợi Lễ hội

Sau khai mạc hoành tráng, độc đáo vào đêm 6-7, Lễ hội Vì Hòa bình 2024 do tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên tổ chức vẫn đang tiếp tục với nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa nghệ thuật ý nghĩa trong tháng 7 đầy cảm xúc…

Đoàn doanh nghiệp Đà Nẵng kết nối giao thương tại Hàn Quốc

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Đoàn công tác thuộc Sở Công Thương TP Đà Nẵng tại các TP: Seoul, Daegu và Busan (Hàn Quốc) từ ngày 9 đến 13-7, sáng 10-7, tại TP Daegu, Sở Công Thương TP đã chủ trì tổ chức Chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đà Nẵng và doanh nghiệp Hàn Quốc.

Phát huy mối quan hệ “có một không hai” Việt-Lào ngày càng bền vững và hiệu quả

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith khẳng định sẵn sàng phối hợp với Chủ tịch nước Tô Lâm phát huy mối quan hệ “có một không hai” trên thế giới ngày càng bền vững và hiệu quả.

Công nghiệp văn hóa Hàn Quốc là hình mẫu cho Việt Nam

Hàn Quốc trỗi dậy mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây với "kỳ tích sông Hàn", chỉ trong vòng một thế hệ đã làm nên cú lột xác ngoạn mục từ quốc gia nghèo đói vươn lên trở thành quốc gia phát triển.

Hàn Quốc còn chinh phục cả thế giới bởi làn sóng văn hóa giải trí với các siêu phẩm âm nhạc, phim ảnh đình đám, "làm mưa làm gió” lan tỏa khắp Châu Á, thậm chí ở Mỹ và Châu Âu. Do vậy trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, một chương trình nghị sự về hợp tác văn hóa, du lịch rất được chú trọng.

Tại Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc diễn ra chiều 01/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, sự thành công của CNVH Hàn Quốc là hình mẫu cho Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao bản ghi nhớ hợp tác văn hóa, du lịch Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong khoảng 30 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã có những bước tiến xa trong lĩnh vực CNVH với "làn sóng Hàn Quốc" (tiếng Hàn gọi là Hallyu). Thủ tướng chia sẻ, gần như ngày nào cũng có phim Hàn Quốc phát sóng trên các kênh truyền hình Việt Nam. Nhiều ban nhạc Hàn Quốc được các bạn trẻ đặc biệt yêu thích. "Kinh nghiệm và thành công của Hàn Quốc sẽ là những bài học quý báu với ngành CNVH Việt Nam mới bước đầu phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong khi đó Việt Nam mới chỉ đang xây dựng Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với tinh thần đẩy mạnh quốc tế hóa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới và tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam.

Ngành công nghiệp giải trí khổng lồ

Làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc nổi lên từ giữa thập kỷ 1990, bùng nổ mạnh mẽ từ đầu thế kỷ XXI đến nay, lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới. Làn sóng này tạo nên quyền lực mềm, có sức thu hút cực mạnh, không chỉ quảng bá hình ảnh tích cực về đất nước, con người Hàn Quốc mà còn thúc đẩy thương mại và du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Hàn Quốc.

Trong vòng 5 năm kể từ năm 2017 - 2022, làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc đã góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế lên tới 28,4 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu nội dung văn hóa Hàn Quốc năm 2020 là 10,8 tỷ USD, năm 2021 đạt mức cao kỷ lục là 12,4 tỷ USD, vượt xa một số ngành công nghiệp khác. Theo Korea Times, các chuyên gia kinh tế ước tính, những năm gần đây riêng Kpop tạo ra khoảng 10 tỷ USD. Chỉ tính riêng 2 đêm diễm tại Hà Nội hôm 29 và 30/7/2023 của nhóm Kpop BlackPink đã đạt doanh thu hơn 13,660 triệu USD (hơn 333,4 tỷ đồng).

Sơn Tùng M-TP hợp tác cùng rapper Snoop Dogg trong MV "Hãy trao cho anh" phát hành năm 2019

Riêng tour lưu diễn vòng quanh thế giới của BlackPink mang tên Born Pink, từ ngày 15/10/2022 và kết thúc vào ngày 17/9/2023 đã mang về hơn 331,8 triệu USD (khoảng 8,4 nghìn tỷ đồng) - một doanh số kỷ lục, vượt qua các nhóm nhạc nữ huyền thoại phương Tây như Spice Girls, TLC và Destinys Child. Và Hàn Quốc không chỉ có BlackPink, họ còn có BTS, EXO, TWICE, Seventeen... cũng có doanh thu khổng lồ.

Dưới góc nhìn kinh tế - văn hóa, ngành công nghiệp Kpop như một phương tiện truyền bá văn hoá Hàn Quốc một cách đẹp đẽ, tinh tế mà còn là một ngành kinh tế mũi nhọn kinh tế đậm màu sắc dân tộc và đại chúng.

"Làn sóng Hàn Quốc" lan tỏa đến Việt Nam bắt đầu từ những bộ phim Hàn Quốc của thập niên 1990. Khi đó phim truyền hình Hàn Quốc đã làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ qua những bộ phim: Cảm xúc, Mối tình đầu, Hoa cúc vàng, Người mẫu, Giày thủy tinh, Bản tình ca mùa đông, Nàng Dae Jang Geum... với những ngôi sao Hàn Quốc xinh đẹp như hoa và những câu chuyện làm mê hoặc khán giả qua những góc quay lãng mạn, tuyệt đẹp.

Tiếp theo đó là làn sóng Kpop làm mê hoặc giới trẻ Việt. Từ năm 2012, Chủ tịch Hiệp hội giao lưu văn hóa quốc tế Hallyu, Kang Cheol Keun đã có nhận định, thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa, phải có sự cởi mở để phát triển. "Làn sóng Hàn Quốc thành công vì nó mang sự cộng hưởng của tư tưởng, tri thức và văn hóa đại chúng, không phải một cơ quan nào làm ra, mà chính những con người bình thường cũng có thể làm được" - ông Kang Cheol Keun phát biểu. Đó là sự cộng hưởng của tính đại chúng, chinh phục nhiều tầng lớp xã hội.

Làn sóng Hàn Quốc lan tỏa đến Việt Nam không chỉ là phim, Kpop mà cả thời trang, ẩm thực, du lịch. Thời trang Hàn Quốc ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ, nhiều mẫu mã của những nhà thiết kế thời trang, nhãn hàng của Hàn Quốc đang chinh phục giới trẻ Việt. Về ẩm thực, những món ăn như kim chi, kimbap, mỳ tương đen, mỳ cay mọi cấp đô, chả cá, thịt nướng, tokbokki, gà rán Hàn Quốc... đã trở thành quen thuộc với giới trẻ. Từ văn hóa, Hàn Quốc kéo khách du lịch đến xứ sở kim chi. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, đã có hơn 167.000 lượt khách Việt đến Hàn Quốc.

Rõ ràng công nghệ giải trí Hàn Quốc tạo nên làn sóng Hàn Quốc và có mục tiêu về kinh tế đạt hiệu quả rất cao, tất cả cùng cộng hưởng tạo nên một sức mạnh kinh tế cực lớn. Đó là lý do trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong chương trình nghị sự có đặt kỳ vọng về hợp tác văn hóa du lịch giữa hai quốc gia.

Hai đêm 29 và 30/7, nhóm nhạc BlackPink chinh phục khán giả trẻ Việt Nam tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội

Đưa văn hóa Việt ra thế giới

Từ sự thành công của công nghiệp giải trí Hàn Quốc, để soi rọi chiến lược phát triển văn hóa, tìm giải pháp đưa văn hóa Việt Nam, công nghệ giải trí Việt ra thế giới. Nhìn nhận thực tế, thời gian qua, vai trò của văn hóa ở nước ta chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.

Từ năm 2022, Bộ VHTT&DL đã có "Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Chiến lược này đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa, phấn đấu để ngành CNVH đóng góp doanh thu tương đương với 3,61% với GDP.

Chỉ soi ngành nghệ thuật biểu diễn, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng doanh thu 16 triệu USD, năm 2030 phấn đấu đạt 31 triệu USD. Con số này cực kỳ khiêm tốn, không thể và không nên so sánh với bất cứ một ngành, nhánh nào trong nền công nghiệp giải trí khổng lồ của Hàn Quốc.

Với hàng nghìn năm hình thành và phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia văn hiến, có truyền thống văn hóa lâu đời, ngoài những di sản văn hóa có chiều sâu, Việt Nam còn có những sản phẩm văn hóa, ẩm thực ấn tượng như áo dài, phở, những món ăn miền nhiệt đới phong phú, đa dạng, cần phát huy để lan tỏa.

Vài năm gần đây, ngành công nghiệp giải trí của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, dù còn rất khiêm tốn. Ví dụ, show truyền hình âm nhạc "Ca sĩ giấu mặt" đã vượt mốc 230 triệu lượt xem trong 2 tháng phát sóng, hay bộ phim "Nhà bà Nữ" có doanh thu gần 19,6 triệu USD (460 tỷ đồng) sau chưa đầy một tháng, gần nhất là "Mai" với doanh thu hơn 550 tỷ đồng. Hoặc ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã thu hút hàng triệu người theo dõi và hàng tỷ lượt xem chỉ tính riêng trên YouTube... Tuy nhiên chừng ấy là chưa đủ để ngành giải trí Việt Nam tỏa sáng ở thị trường toàn cầu.

Việt Nam còn thiếu nhiều điều kiện để công nghiệp giải trí phát triển. Thiếu lớn nhất là thiếu đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo để làm tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành giải trí Việt. Để tiếp cận rộng rãi hơn với khán giả, các công ty giải trí Việt cần thiết lập một mạng lưới phân phối mạnh mẽ thông qua phát triển quan hệ đối tác với các nhà phân phối và nền tảng phát trực tuyến quốc tế để tiếp cận các thị trường mới. Các nghệ sĩ phải tìm cách hợp tác với nghệ sĩ quốc tế. Chẳng hạn như ca sĩ Sơn Tùng M-TP từng hợp tác cùng Snoop Dogg trong ca khúc "Hãy trao cho anh" năm 2019.

Một vấn đề thiếu khác nữa là thiếu đào tạo chuyên biệt. Hệ thống đại học hiện nay thiếu các chương trình liên quan đến ngành giải trí, đặc biệt là các chương trình tập trung vào các chuyên ngành thiết yếu như kinh doanh giải trí, luật giải trí, công nghệ âm thanh, công nghệ giải trí... làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung của toàn ngành.

Công nghiệp giải trí Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng hiện phát triển rất khiêm tốn. Ngoài việc đổi mới sáng tạo, xây dựng nội dung chất lượng cao, phải tập trung vào đổi mới và hợp tác, tiếp cận đa chiều hơn để tiến ra thị trường toàn cầu. Đó là những bước đi rất dài và khó khăn nhưng với tiềm năng của mình, những bài học từ các ngành công nghiệp giải trí hàng đầu thế giới, Việt Nam có thể làm được.

Xuân Nhân