Báo Công An Đà Nẵng

"Bài toán khó" ông Trump đặt ra cho các nước NATO

Thứ ba, 14/01/2025 09:15
Lãnh đạo các nước thành viên NATO chụp ảnh tại sự kiện ở Mỹ ngày 10-7-2024. Ảnh: AFP

Kêu gọi NATO tăng ngân sách quốc phòng

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã kêu gọi các nước thành viên NATO tăng mức chi tiêu quốc phòng lên 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn đáng kể so với mức 2% hiện nay. Ông Trump cho rằng các nước thành viên NATO hoàn toàn có khả năng chi trả và nên chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc tự bảo vệ. Ông cũng chỉ trích các quốc gia châu Âu vì chi tiêu ít cho quốc phòng, phụ thuộc vào sự bảo vệ từ Mỹ. "Họ đều có khả năng chi tiền, con số nên ở mức 5% chứ không phải 2%", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói trong cuộc họp báo hôm 7-1. "Châu Âu chỉ bỏ ra số tiền rất nhỏ so với chúng ta. Vì sao Mỹ phải chi nhiều hơn châu Âu hàng tỷ USD?", ông nói thêm. Tổng thống đắc cử Mỹ nhấn mạnh ông từng khiến nhiều nước thành viên NATO chi 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, nhắc đến sức ép mà mình tạo ra trong nhiệm kỳ đầu tiên nhằm buộc các quốc gia trong liên minh đáp ứng mục tiêu trên. Trong tháng trước, ông Trump nhắc lại cảnh báo rằng Mỹ có thể rút khỏi NATO nếu các nước thành viên không tăng ngân sách quốc phòng.

"Bài toán khó"

Theo giới quan sát, đây được xem là "bài toán khó" với nhiều quốc gia thành viên NATO khi họ thậm chí còn chưa đạt được mục tiêu 2% đã nêu ra từ nhiều năm trước đó. Mức tăng từ 2% lên 5% đồng nghĩa mỗi quốc gia NATO sẽ phải tăng ngân sách quốc phòng thêm 150% so với hiện nay. Ngay cả mức cũ đã gây khó khăn cho nhiều nước châu Âu, mức 5% còn vượt cả con số 4% mà ông Trump từng kêu gọi trong nhiệm kỳ trước. Theo báo cáo mới nhất của NATO, 23 trong tổng số 32 quốc gia thành viên đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP vào năm 2024. Hiện không có thành viên NATO nào dành 5% GDP cho chi tiêu quân sự, kể cả Mỹ. Ba Lan là quốc gia dẫn đầu với mức chi tương đương 4,12% GDP. Mỹ và Anh đang đầu tư lần lượt 3,38% và 2,3% GDP cho quốc phòng, trong khi Pháp và Đức chỉ vừa đủ vượt qua ngưỡng 2%. Tây Ban Nha là nước có mức chi tiêu quân sự thấp nhất liên minh với 1,28% GPD.

Xét theo quy mô nền kinh tế, chi tiêu quốc phòng của Mỹ chiếm hơn 60% tổng ngân sách đóng góp cho NATO. Điều này khiến ông Trump không hài lòng, cho rằng các nước thành viên đang hưởng lợi từ sự hào phóng của Mỹ. Đây không phải lần đầu ông Trump đề cập vấn đề tăng ngân sách quốc phòng của các nước thành viên NATO. Ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông đã nhiều lần phàn nàn về mức chi tiêu quân sự được cho là quá thấp của nhiều quốc gia trong liên minh. Giới quan sát nhận định đây là động thái khởi đầu chiến dịch gây sức ép của Tổng thống đắc cử Mỹ, buộc các đồng minh phải làm nhiều hơn nữa trong chi tiêu cho quốc phòng.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte thừa nhận con số 2% GDP là không đủ để đối phó với mối đe dọa từ Nga, ám chỉ rằng khối có thể tăng mục tiêu về chi tiêu quân sự của các nước thành viên lên mức 3% GDP. Các quốc gia gần xung đột Ukraine như Ba Lan và những nước vùng Baltic hưởng ứng lời kêu gọi tăng chi tiêu quân sự. Ngay cả các nước chưa hoàn thành mức chi 2% cũng thừa nhận phải tăng ngân sách quốc phòng.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mục tiêu 5% GDP có thể dễ dàng với Mỹ, vì quốc gia này có lợi thế về nền kinh tế và ngành công nghiệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, con số này là bài toán khó với đa số thành viên NATO. Nhà nghiên cứu Stuart Dee lưu ý rằng đạt mức 2% GDP vẫn là điều khó khăn với nhiều quốc gia NATO, khi nền kinh tế của họ không đủ sức đáp yêu cầu tăng ngân sách. Ngay cả với Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đó vẫn là "số tiền rất lớn", Thủ tướng Olaf Scholz nói hôm 9-1. Ông Scholz cho biết chính phủ Đức sẽ phải tìm cách huy động thêm 153 tỷ USD mỗi năm để đáp ứng tỷ lệ 5% GDP do ông Trump đưa ra, điều bất khả thi trong tình hình hiện nay.

"Thật khó tưởng tượng khả năng các đồng minh trong NATO đạt mức chi tiêu quân sự tương đương 5% GDP, ít nhất là trong tương lai gần. Đây là một phần chính sách ngoại giao cứng rắn của chính quyền ông Trump về chia sẻ gánh nặng quốc phòng", Ian Lesser, thành viên tổ chức nghiên cứu Quỹ German Marshall ở Bỉ, nêu quan điểm.

Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto bày tỏ hoài nghi về đề xuất này: "Tôi không nghĩ con số sẽ là 5%, điều đó vào lúc này là bất khả thi với hầu hết các quốc gia trên thế giới". Tuy nhiên, ông Crosetto dự đoán mục tiêu sẽ tăng cao hơn 2%. Anh, một trong những quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu NATO, cũng gặp khó khăn. Anh vẫn chưa đặt ra mốc thời gian rõ ràng để đạt được mục tiêu 2,5%, chứ chưa nói tới con số 5%. Pháp và Đức cũng đối mặt với áp lực tương tự.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi các nước NATO đồng ý tăng ngân sách quốc phòng, câu hỏi đặt ra là liệu khoản tiền đó sẽ được dùng để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu hay mua sắm vũ khí từ Mỹ. Một thỏa thuận có thể được đưa ra: chi tiêu ít hơn 5% GDP nhưng dành một phần lớn ngân sách này để mua sản phẩm từ các nhà sản xuất Mỹ. Yêu cầu của vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, dù gây tranh cãi, đã nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng gia tăng về an ninh và khả năng tự vệ của NATO trước bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp.

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu tăng lên mức kỷ lục mới

Báo cáo từ Viện Nghiên cứu kế hoạch và phát triển công nghệ quốc phòng Hàn Quốc công bố ngày 13-1 cho thấy tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2023 lên tới con số kỷ lục mới, 2.443 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 9 tăng liên tiếp và tăng hơn 200 tỷ USD so với năm trước đó.

Mỹ là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất toàn cầu (chiếm 37%) với khoản chi lên tới 916 tỷ USD. Top các nước có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới còn có Trung Quốc (296 tỷ USD), Nga (109 tỷ USD), Ấn Độ (83,6 tỷ USD). Nhật Bản đứng thứ 10 với 50,2 tỷ USD, và tiếp sau là Hàn Quốc (47,9 tỷ USD). Tỷ lệ chi tiêu quốc phòng so với GDP của Hàn Quốc (2,8%) cao hơn hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vượt qua Đài Loan (Trung Quốc), Australia (1,9%), Trung Quốc (1,7%) và Nhật Bản (1,2%). Tỷ lệ này cũng vượt nhiều thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Đức và Canada, chỉ thấp hơn Mỹ (3,4%), Anh (2,3%) và Pháp (2,1%).

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu đang tăng mạnh khi các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thành viên NATO, tái đánh giá ngân sách quốc phòng để đối phó với các mối đe dọa an ninh ngày càng lớn. Ukraine, do xung đột kéo dài, hiện chi tới 36,65% GDP cho quốc phòng - mức cao nhất toàn cầu.

AN BÌNH

Ngoại trưởng Mỹ bình luận về ý định mua Greenland của ông Trump

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định ý tưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc kiểm soát Greenland không phải là một kế hoạch khả thi và sẽ không bao giờ xảy ra.

Mỹ “bật đèn xanh“ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhằm vào Nga

Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tiến hành các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga, đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Mỹ.

Rạn nứt ở phương Tây báo hiệu kết cục xung đột khác xa kỳ vọng của Ukraine

Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel, một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất ở Trung Âu, gần đây đã nói rằng Kiev sẽ phải có cái nhìn “thực tế“ và “kết quả có khả năng xảy ra nhất là một phần lãnh thổ Ukraine sẽ nằm dưới sự chiếm đóng tạm thời của Nga“.