Mỹ, châu Âu tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine
Nghị viện châu Âu ngày 28-11 đã thông qua nghị quyết tại Strasbourg kêu gọi tăng cường sự hỗ trợ quân sự của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine.
Nghị quyết này nhận được 390 phiếu ủng hộ, 135 phiếu chống và 52 phiếu trắng. Nghị quyết nêu rõ tất cả các quốc gia thành viên EU và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên cùng nhau và riêng lẻ cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine, với mức không dưới 0,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm.
Nghị viện châu Âu kêu gọi EU và các quốc gia thành viên tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm việc cung cấp máy bay, tên lửa tầm xa, trong đó có cả tên lửa Taurus, hệ thống phòng không hiện đại như Patriot và SAMP/T, đạn dược, cũng như các hệ thống phòng không vác vai, pháo và các chương trình đào tạo cho các lực lượng quân đội Ukraine.
Các nghị sĩ châu Âu cũng hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa tiên tiến tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga và kêu gọi EU và các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp tương tự. Nghị quyết nhấn mạnh “lợi ích chiến lược” chung với Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine và kêu gọi EU cùng các quốc gia thành viên hợp tác với chính quyền mới tại Washington “để tăng cường hợp tác đôi bên cùng có lợi xuyên Đại Tây Dương”. Nghị viện châu Âu cho rằng “không có cuộc đàm phán nào về Ukraine có thể diễn ra nếu không có Ukraine” và kêu gọi EU cùng các quốc gia thành viên nỗ lực duy trì sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể cho Ukraine, tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột và thiết lập các điều kiện cần thiết để tổ chức hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine lần thứ 2 với sự tham gia của nhiều quốc gia Nam Bán Cầu.
Trong khi đó, tờ Newsweek ngày 28-11 đưa tin, theo một báo cáo mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang soạn thảo một gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong bối cảnh chính quyền sắp mãn nhiệm đang gấp rút chuyển thêm viện trợ cho Kiev trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Trước đó ngày 27-11, hãng tin Reuters trích lời hai quan chức giấu tên của Mỹ cho biết chính quyền Biden đang chuẩn bị một đợt viện trợ mới trị giá 725 USD. Theo báo cáo, gói viện trợ này vẫn có thể thay đổi và có khả năng sẽ bao gồm đạn dược cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp mà Ukraine đã sử dụng để chống lại quân đội Nga trong hơn hai năm qua. Washington cũng sẽ gửi nhiều thiết bị bay không người lái, hệ thống phòng không vác vai Stinger, mìn và bom chùm, có khả năng được sử dụng trong hệ thống tên lửa dẫn đường đa nòng HIMARS.
Ukraine, quốc gia phụ thuộc nhiều vào viện trợ của phương Tây, đang nín thở chờ xem Mỹ sẽ thay đổi chính sách hỗ trợ cho Kiev như thế nào khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1-2025. Ông Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine và hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong một ngày. Theo tài liệu của Lầu Năm Góc, Mỹ cung cấp gần một nửa viện trợ quân sự cho Kiev, với tổng số tiền là hơn 60 tỷ USD kể từ tháng 2-2022, khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Các tài liệu của Bộ Quốc phòng cho thấy Washington đã gửi hơn 3.000 tên lửa Stinger và đạn dược cho hơn 40 hệ thống HIMARS mà nước này đã chuyển giao cho Ukraine.
Các báo cáo về viện trợ nhiều hơn của Mỹ xuất hiện vào thời điểm quan trọng trong gần 3 năm diễn ra xung đột. Nga đã liên tục giành được lợi thế ở miền Đông Ukraine kể từ đầu năm và đã đạt được một số thành công trong việc giành lại quyền kiểm soát của Kiev đối với hàng trăm dặm vuông lãnh thổ ở vùng Kursk phía nam nước Nga.
Ngày 28-11, các lực lượng của Nga đã thực hiện cuộc tấn công lớn thứ hai trong tháng này nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây ra các đợt cắt điện nghiêm trọng trên khắp nước này. Cuộc tấn công, theo hãng tin AFP, có sự tham gia của nhiều tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV), trong đó Ukraine bắn hạ 79 tên lửa và 35 UAV. Dẫu vậy, cuộc tấn công của Nga đã khiến hơn một triệu người Ukraine không có điện trong điều kiện thời tiết giá lạnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Theo ông Biden, cuộc tấn công này là lời nhắc nhở rõ ràng về sự cấp bách và tầm quan trọng của việc hỗ trợ người dân Ukraine trong cuộc chiến chống lại hành động của Nga đối với Ukraine. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Ukraine.
AN BÌNH
Ukraine chi 60% ngân sách năm 2025 cho quốc phòng và an ninh
Ngày 28-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký phê chuẩn ngân sách năm 2025 của nước này, trong đó dành hơn 50 tỷ USD, tương đương 60% tổng chi ngân sách, cho quốc phòng và an ninh. Dự kiến, trong năm tới, thâm hụt ngân sách của Ukraine sẽ lên tới 1.550 tỷ hryvnia (37 tỷ USD). Chiến tranh và làn sóng di cư ồ ạt đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Kiev, khiến đất nước này phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các nước phương Tây và các tổ chức tài chính quốc tế. Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Washington tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
Trong khi đó, Nga có kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong năm tới. Dự thảo ngân sách năm 2025 của Moscow dành 13.500 tỷ ruble (125 tỷ USD) cho quốc phòng và 3.500 tỷ ruble (32 tỷ USD) cho an ninh trong nước.