Bay lên cánh diều
Đọc mười ba truyện ngắn trong tập “Bay lên cánh diều” bạn đọc sẽ đồng ý với người viết về lĩnh vực đề tài, tiếp nối hai tập truyện đã xuất bản, các truyện ngắn trong tập truyện thứ ba này của nhà văn Hồ Loan vẫn rất quen thuộc. Đó là cuộc sống đời thường chung quanh ta. Những va đập giữa tình yêu và thân phận con người, đặc biệt là thân phận những người lao động bình thường, những phụ nữ kém may mắn, nhiều buồn tủi và đầy ám ảnh. Có đôi truyện là chuyện thời nay nhưng được phản chiếu qua lăng kính của một thời xa hơn (chiến tranh, bao cấp) như truyện “Ba ông già ở Vũng Lấm” và “Cây mẫu đơn hoa đỏ”. Song dù trong bối cảnh nào và rơi vào hoàn cảnh bi kịch nghiệt ngã thế nào tác giả vẫn dành cho họ một tấm tình hồn hậu. “Thôi thì, một đời người, một đời cây, bằng cách này hay cách khác... chỉ có thể để lại dấu ấn gì cho cuộc đời, cho mai sau” (Đoạn kết truyện cây mẫu đơn hoa đỏ).
Phải chăng điều này đã cắt nghĩa, trong một lần bộc bạch suy nghĩ của mình, nữ nhà văn Hồ Loan cho rằng “Trong tác phẩm văn học, thân phận người phụ nữ, không những chịu sự sắp đặt của mệnh trời, sự nghiệt ngã của xã hội, mà ở đó còn phụ thuộc vào lương tâm của người cầm bút”.
Có thể gọi là hư cấu nhưng cũng có thể gọi là viết tiếp những câu chuyện có thật ngoài đời, song điều không khó mấy để nhận thấy, nỗi thất vọng và niềm hy vọng luôn thường trực ở các nhân vật trong truyện của Hồ Loan. Cái trục xoay hai trạng thái tâm lý tình cảm đối nghịch này đã tạo nên xung đột truyện theo mạch tâm lý, diễn biến của nhân vật vừa rất tự nhiên nhưng cũng rất có chủ ý của tác giả, tạo hiệu ứng thẩm mỹ, những cảm xúc nhiều khi đột ngột dâng trào (niềm vui, nỗi buồn, những trăn trở, xót xa và cả niềm mong đợi, hy vọng...).
Sức hút của truyện ngắn của Hồ Loan còn ở trạng thái tâm lý nhân vật hình như không bất biến mà luôn ở cái lằn ranh hy vọng - thất vọng rất mỏng manh, nhập nhòa trước khi họ rơi vào bi kịch của cuộc đời, của số phận. Nhưng rồi chính trong bi kịch những hy vọng lại được nhen nhóm bằng tình yêu thương của con người, bằng những điều ta gọi phép nhiệm mầu tạo hóa, lại xuất hiện.
Thêm nữa, các truyện ngắn của nữ nhà văn này đã kết hợp rất nhuần nhuyễn việc miêu tả với tự sự, đối thoại với độc thoại để chuyển tải diễn biến tâm lý nhân vật một cách hết sức tự nhiên. Thế mạnh về giới trong các truyện có nhân vật nữ có thể nói nhà văn khai thác đến đỉnh điểm cảm xúc, tâm sinh lý nhân vật, đặc biệt là đã hé mở những khoảnh khắc làm chúng ta nhận ra một cái gì đó trong đời sống tình ái, tình dục trong chính mỗi con người vẫn bị giấu che, bị trấn áp, bị kìm hãm và tự kìm hãm...
Điểm có sức hút nữa trong truyện ngắn của Hồ Loan, phải khẳng định nhà văn đã khai thác nội tâm nhân vật rất tinh tế, mối liên kết các chi tiết, tình tiết khá đắt, có sức gợi và mối liên hệ bất ngờ thú vị. Nói như Pauxtopxki: “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”. Đây cũng cái tài của người kể chuyện. Cái tôi của tác giả được thể hiện, gửi gắm vào cái tôi của nhân vật nên đã tạo một trường quan sát, nhìn nhận thế giới một cách chủ ý.
Dễ thấy điều này nhất đó là nhân vật cô bé Ngoan (trong truyện Nơi ấy có mưa). Đây là truyện khá gay cấn ở chi tiết, tình tiết, diễn biến tâm lý, những va đập của xúc cảm so với các truyện ngắn khác trong tập. Một người anh rể làm nghề mổ heo nhưng có đời sống nội tâm tình cảm, biết quan tâm những người thân chung quanh. Một người mẹ bán hàng chua ngoa, lẳng lơ, hà khắc. Một người cha chuyên bán vé số và đời sống chẳng hơn gì ngoài chuyện đêm về lo giường chiếu với một người phụ nữ. Thế nên chẳng trách gì đến khi trở thành thiếu nữ tình yêu đầu đời của Ngoan lại dành cho anh rể...
Những chuyển biến lớn lao về tâm sinh lý trong Ngoan khi tuổi thiếu nữ còn là những nhìn nhận như những quan điểm rất rõ ràng “không muốn như mẹ, ban ngày cợt nhả với không biết bao nhiều đàn ông, tối về lại rên xiết kêu gào như lũ mèo hoang gọi bạn tình thống thiết. Cũng không muốn như chị Hai, suốt ngày bên chiếc phản thịt, đến cả con mình cũng chẳng động tay chăm. Ngoan nghĩ về anh rể nhiều hơn...”. Chưa hết cuộc đời Ngoan còn phải đi qua con đường khá dài phía trước. Sẽ có những nút thắt mở nữa cho một ban mai số phận, nhưng trước mắt Ngoan bây giờ những điều tốt lành đã đến. Đó là tình yêu thương của một người con trai để họ có thể buông bỏ những sai lầm, cùng nhau hướng về chân trời mới. “Trong màn mưa ấy, Ngoan nghe cây cối đâm chồi, nghe lá reo vui. Nghe đất uống lấy những hạt mưa vội vã” (Đoạn cuối truyện nơi ấy có mưa).
Những câu văn như vậy buộc người đọc phải dừng lại ngẫm ngợi về những gì nhân vật đã trải qua (như nhiều truyện khác trong tập). Theo cảm nhận người viết bài này đây là những cái kết rất thành công trong hầu hết các truyện ngắn của Hồ Loan. Thực tế đã chứng minh có rất nhiều tác phẩm thành công và sống mãi trong lòng độc giả “trên cơ sở dòng cuối cùng” (E.A. Poe).
Võ Văn Trường